Kỳ 2: Cuộc chiến không cân sức

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hầu hết các vụ phá rừng xảy ra đều khó phát hiện do địa bàn rộng, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, trong lúc lực lượng Kiểm lâm, cán bộ địa phương mỏng...

Cuộc chiến giữ rừng tại các tỉnh miền Trung nhiều năm qua đã là cuộc chiến rất cam go, không cân sức bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức. Một số địa phương cấp xã, cũng như một số ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, chỉ xem đây là trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm và Công an, chủ rừng. Chính vì vậy, trong quá trình phối hợp thực hiện có lúc mang lại hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, lực lượng Kiểm lâm và chuyên trách QLBVR “mỏng”; hoạt động của đối tượng khai thác, phá rừng, đốt than, vận chuyển lâm sản trái pháp luật có thể diễn ra bất cứ lúc nào với thủ đoạn tinh vi, đặc biệt, rất hung hãn, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ để tránh bị truy cứu trách nhiệm…

Nhân lực “mỏng”, phương tiện thiếu trầm trọng

“Rừng thì nhiều đường lắm cửa, trong khi đó, “lâm tặc” lắm mưu nhiều kế; len lỏi vào rừng sâu đốn hạ cây gỗ lúc nửa đêm, mờ sáng; sử dụng nhiều loại công cụ sẵn sàng cản trở, chống trả Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Đâu phải chỉ vậy, các đối tượng còn phân công người sử dụng điện thoại để cảnh báo khi phát hiện cơ quan chức trách tuần tra kiểm soát; sử dụng xe ôtô “quá đát” gắn biển số giả để vận chuyển gỗ lậu, khi bị truy đuổi thì tăng tốc tẩu thoát, đẩy gỗ xuống đường để cản trở, tẩu tán tang vật, xóa dấu vết; một số người dân lén lút lấn chiếm đất rừng hoặc luồn sâu vào những triền đồi cao phá rừng lấy đất làm nương rẫy”, ông Lê Văn Bé - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên chia sẻ với PV Báo CAND, khi đề cập về cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng QLBVR với các đối tượng xâm hại rừng.

Rừng tại tiểu khu 256, xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị “lâm tặc” tàn phá.

“Lâm tặc” luôn hung hãn như chúng tôi đã kể, thế nhưng lực lượng Kiểm lâm và chuyên trách QLBVR tại các tỉnh miền Trung luôn trong tình trạng thiếu nhân lực và phương tiện, thiết bị trầm trọng. Theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm.

“Năm 2016, Chi cục được giao 158 biên chế kiểm lâm, đến năm 2021 giảm xuống còn 142, nhưng thực tế chỉ có 110 kiểm lâm, gồm cả bộ phận hành chính. Với quân số đó và tổng diện tích hơn 253.671ha rừng, bình quân mỗi kiểm lâm phải đảm trách 2.306ha, hơn gấp đôi so với quy định”, ông Lê Văn Bé cho biết.

Không phải chỉ vậy, theo Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2020 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng, mỗi kiểm lâm đảm trách tối đa 500ha, trong khi đó 7 kiểm lâm ở BQL rừng đặc dụng Krông Trai, huyện Sơn Hòa phải đảm trách 13.770ha rừng và đất lâm nghiệp, so với quy định thì nhân lực còn thiếu hơn 20 người. Tương tự, BQL rừng đặc dụng Đèo Cả, thị xã Đông Hòa cũng chỉ có 7 kiểm lâm quản lý, bảo vệ 7.300ha rừng và đất lâm nghiệp có địa hình phức tạp, so với quy định thì nhân lực còn thiếu 7 người.

Sau khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Lâm nghiệp 2017 (hiệu lực từ tháng 1/2019 cho đến nay), Chính phủ ban hành Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định 01/2019/NĐ_CP ngày 1/1/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách QLBVR. Tuy nhiên các văn bản pháp luật vừa nêu đều chưa đề cập đến biên chế Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách QLBVR trên diện tích rừng, kinh phí đầu tư bảo vệ, PCCC rừng… Mặt khác, hiện nay các xã không có biên chế chuyên trách lâm nghiệp, mà cán bộ địa chính phải kiêm nhiệm, nên hoạt động QLBVR thêm khó khăn.

“Khó khăn hơn nữa là gần đây đã một số kiểm lâm xin thôi việc, nhưng do nhân lực thiếu trầm trọng nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên phải động viên, thuyết phục họ… chờ xem xét giải quyết! Do nhân lực còn thiếu 32 kiểm lâm, nên mỗi kiểm lâm viên ở địa bàn phải đảm trách 3-4 xã, vì thế không ít người mệt mỏi do không quản lý nổi và luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy cùng với nỗi lo trách nhiệm trước pháp luật”, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên kể thêm.

Ở huyện biên giới miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế), có 3 cơ quan tham gia bảo vệ rừng là Hạt Kiểm lâm huyện, BQL RPH A Lưới và BQL Khu bảo tồn Sao La. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn theo đúng chức năng lại chỉ thuộc biên chế của Hạt Kiểm lâm, đơn vị phải bố trí lực lượng tổ chức thành 5 trạm Kiểm lâm địa bàn, gồm Chà Linh - Mụ Nú, Hồng Hạ, Hồng Trung, lòng hồ A Sáp và Hương Phong. Vì thế, lực lượng Kiểm lâm bám sát địa bàn rất mỏng. Trong đó, Trạm Kiểm lâm Chà Linh - Mụ Nú nằm trên khu vực thượng nguồn sông Hữu Trạch (thuộc xã Hương Nguyên, huyện miền núi A Lưới) có nhiệm vụ quản lý hơn 30.000ha rừng tự nhiên giáp ranh 3 huyện Hương Thủy, Nam Đông và A Lưới. Đây là đơn vị khó khăn nhất, do địa hình chia cắt, hiểm trở, không có sóng điện thoại.

Ông Lê Quốc Khánh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hương Lộc (huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế) cho hay, hiện quân số đơn vị chỉ hơn 10 người có nhiệm vụ bảo vệ 4 tiểu khu trên diện tích hơn 4.000ha rừng. Hiện giá gỗ rừng trồng và nhựa thông tụt giảm sâu nên áp lực vào rừng khai thác gỗ trái phép đang tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu dùng gỗ làm nhà trong hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn miền núi cũng tạo áp lực lên rừng tự nhiên. Nhu cầu về đất đai sản xuất tăng nên một số người dân vẫn lén lút tìm mọi cách để chặt phá rừng, luỗng phát dây leo, cây bụi để trồng keo lá tràm rồi dùng các thủ đoạn làm chết từ từ cây rừng tự nhiên, khi cây keo lớn sẽ phủ kín nên rất khó phát hiện kịp thời. Từ đó dẫn đến việc phát hiện, ngăn chặn các vụ phá rừng gặp nhiều khó khăn.

Hôm chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm Chà Linh - Mụ Nú, được nghe các nhân viên Kiểm lâm tại đây cho biết, do lợi nhuận thu được từ việc buôn bán lâm sản rất lớn nên các vụ vi phạm lâm luật ngày càng diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn tinh vi. Khi bị truy quét, đối tượng vi phạm thường lợi dụng địa hình rừng sâu, núi cao, sẵn sàng chống trả quyết liệt. “Nên ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, chúng tôi còn đặt camera ở các vùng đệm để kịp thời phát hiện “lâm tặc”, những kẻ săn trộm động vật rừng hay nguy cơ xảy ra cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả”, một nhân viên kiểm lâm kể thêm.

Việc nặng, lương… thấp

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hầu hết các vụ phá rừng xảy ra đều khó phát hiện do địa bàn rộng, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, trong lúc lực lượng Kiểm lâm, cán bộ địa phương mỏng. Đối tượng vi phạm có những thủ đoạn tinh vi như luỗng phát, ken vỏ cây rừng tự nhiên, lựa chọn thời điểm cán bộ nghỉ ngơi, đêm khuya để lén lút đốn hạ cây rừng. Vì vậy rất khó bắt gặp trực tiếp và khó có căn cứ để xác định được thủ phạm. Ngoài ra, một số trường hợp đối tượng không hợp tác, trốn tránh, không phối hợp khi cơ quan chức năng mời làm việc.

Trong khi đó, cũng cùng hoàn cảnh với nhiều địa phương khác tại miền Trung, số lượng kiểm lâm cũng như lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại Thừa Thiên-Huế rất thiếu so với yêu cầu. Năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh được giao 249 biên chế (gồm 210 công chức, 22 viên chức và 17 hợp đồng), trong khi phải quản lý, bảo vệ hơn 305.000ha rừng (trong đó có hơn 205.000ha rừng tự nhiên). Trung bình 1 kiểm lâm viên phải phụ trách bảo vệ từ 1.500ha rừng trở lên. Nhiều địa phương, một công chức kiểm lâm phụ trách từ 2-3 xã nên khó có thể nắm bắt và tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác QLBVR.

Trong khi đó, thu nhập của lực lượng BVR chuyên trách hiện quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội (bình quân lương từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng), trong khi địa bàn tác nghiệp xa xôi, phần lớn ở các vùng núi sâu, giao thông đi lại khó khăn, không có sóng điện thoại, tivi, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần đã không đảm bảo đời sống cho lực lượng này.

“Lực lượng thiếu, không đủ để bố trí kiểm lâm địa bàn và tại các trạm phối hợp lực lượng giữa kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng; địa phận quản lý ở một số Hạt Kiểm lâm, Ban QLRPH, khu bảo tồn nằm ở vùng xa xôi, hẻo lánh nên việc trao đổi thông tin chủ yếu phụ thuộc vào sóng điện thoại. Tuy nhiên do cơ sở vật chất hạ tầng các trạm kiểm lâm còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các trạm không có sóng điện thoại nên khó khăn trong công tác liên lạc và ứng phó khi có tình huống khẩn cấp trong công tác QLBVR…”, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ thêm.

“Công việc QLBVR luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, mất an toàn nhưng chế độ, chính sách chưa đảm bảo cuộc sống gia đình. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng bỏ nghề. Điều này khiến lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vốn đã mỏng lại càng mỏng hơn, trong khi yêu cầu trách nhiệm QLBVR ngày càng khắt khe, hiệu quả hơn”, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên_Huế băn khoăn.

Lãnh đạo nhiều tỉnh miền Trung có cùng nhìn nhận với PV Báo CAND về một số thực trạng đáng ngại khiến công tác giữ rừng gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đó là một số địa phương cấp xã, cũng như ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, xem đây là trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm và Công an, chủ rừng, chính vì vậy trong quá trình phối hợp thực hiện có lúc mang lại hiệu quả chưa cao. Tình trạng khai thác, phá rừng, đốt than, vận chuyển lâm sản trái pháp luật nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra; nạn xâm canh, tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân với các chủ rừng tại các địa phương, vùng giáp ranh với các tỉnh còn khá phổ biến nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, tình trạng lén lút phá rừng để lấy đất trồng cây keo; nạn lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp ở một số địa phương khá phức tạp…

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/ky-2-cuoc-chien-khong-can-suc-i702620/