Kỳ 1: Xót xa dự án treo

Được xúc tiến từ đầu những năm 2000, nhưng cho tới nay, một dự án tỷ đô trên địa bàn tỉnh Phú Yên của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là khu đất bị bỏ trống. Nguyên nhân chủ yếu của việc này đến từ vướng mắc về thủ tục pháp lý không được chính quyền địa phương quan tâm, tháo gỡ triệt để, bất chấp các nỗ lực thúc đẩy từ phía chủ đầu tư.

Dự án tâm huyết hóa 'nỗi đau'

Những năm đầu thập niên 2000, Phú Yên là một trong những tỉnh kém phát triển trên cả nước. Dù sở hữu nhiều tiềm năng đáng kể về tự nhiên, nhưng tỉnh chưa được nhiều nhà đầu tư để mắt tới, kể cả các nhà đầu tư trong nước.

Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Phú Yên dù đã được phê duyệt triển khai nhiều năm nhưng chỉ là bãi đất trống.

Dấu mốc phải kể đến là năm 2004, một “cú huých đầu tư" được kỳ vọng đó là thông tin về một dự án tỷ đô sẽ sớm hiện hữu ở Phú Yên. Một nhà đầu tư nước ngoài đã đặt chân đến tỉnh cùng bản đề xuất phát triển khu du lịch liên hợp cao cấp với tổng mức đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Vào thời điểm ấy, dự án có ý nghĩa rất lớn, trở thành điểm sáng cho môi trường đầu tư kinh doanh cũng như mang đến niềm hi vọng bứt phá cho kinh tế - xã hội của Phú Yên.

Trải qua 4 năm vận động, đến tháng 7/2008, dự án đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với quy mô 565 ha, tổng mức đầu tư lên tới 73.228 tỷ đồng, tương đương 4,345 tỷ USD (thời giá bấy giờ). Mục tiêu đầy tham vọng của dự án đó là hình thành và khai thác một khu du lịch liên hợp cao cấp quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong ngoài nước, đi liền với đó là phát triển khu du lịch thành một đô thị hiện đại với cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, có sức lan tỏa, làm thay đổi vị thế cạnh tranh của Phú Yên.

Trải dài từ năm 2008 đến năm 2017, Dự án được phân kỳ phát triển các hạng mục như: sân golf 36 hố, các khách sạn 4 – 5 sao, các khu resort, khu an dưỡng, khu villa, khu thương mại, khu tài chính ngân hàng, khu văn phòng cho thuê, khu vui chơi, khu lặn biển…

Theo kế hoạch kinh doanh, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giúp cho ngành du lịch Phú Yên “khoác áo mới", đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến vùng đất vốn có tiềm năng nhưng chưa được định hướng phát triển đúng đắn.

Của đau “ai” xót?

Tuy nhiên, vì những nguyên do khách quan của nền kinh tế, dự án đã không thể được triển khai như dự kiến. Năm 2014, dự án được điều chỉnh quy mô xuống 357,52 ha, kéo theo tổng mức đầu tư giảm còn 21.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD (thời giá bấy giờ). Tiến độ đầu tư được phân thành 3 giai đoạn, trải dài từ năm 2014 đến năm 2021.

Sở hữu nhiều lợi thế nhưng thực tế Phú Yên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ngay sau khi điều chỉnh, trong năm 2015, chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với khu vực xung quanh dự án và chính thức động thổ và thực hiện nộp đủ số tiền để chuyển mục đích sử dụng rừng sang đất thực hiện dự án. Điều đó cho thấy những nỗ lực hợp của chủ đầu tư để hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm đưa dự án về đích theo kế hoạch.

Có thể thấy rõ, Phú Yên muốn phát triển thì cần chú trọng hơn nữa đến tiềm năng của những dự án tỷ đô, đặc biệt từ những nhà đầu tư giàu tiềm lực cả trong nước và nước ngoài. Điều mà tỉnh Phú Yên cần thực hiện ngay là xúc tiến đồng hành với tạo điều kiện, nỗ lực đồng hành để doanh nghiệp có thể triển khai và sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Thế nhưng, điều đáng chú ý đó là khi dự án này đang tiến triển thuận lợi theo các hướng dẫn của địa phương thì bất ngờ gặp khó khăn. Trong đó, có những khó khăn đến từ chính ách quyết định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý địa phương lam ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Được biết, liên tục trong các năm từ 2015- 2017, nhiều quyết định của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Phú Yên liên quan đến dự án tỷ đô này được ban hành.

Có thể kể đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chồng lấn hay việc cấp giấy phép khai thác rừng của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong khi chưa hoàn tất các thủ tục liên quan đã vô hình trung đẩy nhà đầu tư vào thế thiệt hại, ôm nhiều rủi ro, cụ thể là dự án bị đình chỉ toàn bộ hoạt động để thanh tra toàn diện.

Điều này vừa gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế cho chủ đầu tư, vừa khiến quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý bị ách tắc, dẫn đến dự án không thể triển khai bị bỏ hoang trong một thời gian dài, khiến nhiều người, đặc biệt là giới đầu tư không khỏi xót xa.

Nhìn xa hơn, từ sự việc dự án tỷ đô bị đình trệ vì những nguyên nhân trên sẽ khiến cho niềm tin về môi trường đầu tư ở địa phương với nhà đầu tư quốc tế đã bị giảm sút. Bởi dự án tỷ đô này có thể đã khác đi rất nhiều, nếu như những vướng mắc về thủ tục pháp lý được chính quyền địa phương chung tay nhiệt tình tháo gỡ dứt điểm, thay vì liên tục thiếu sót, hướng dẫn không nhất quán… khiến dự án bị chậm trễ kéo dài, còn nhà đầu tư thì thiệt hại nặng nề thêm.

Kỳ 2: Dự án tỷ USD hoang hóa, chủ đầu tư loay hoay giữa những chỉ đạo.

Huyền Cao

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ky-1-xot-xa-du-an-treo-d110636.html