Kon Tum khai thác tài nguyên du lịch nhân văn

Với lịch sử gần 110 năm hình thành và phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa trở thành truyền thống tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng của các tộc người thiểu số.

Hệ thống di sản này thể hiện ở các loại hình phong phú như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông - nhà dài, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết, điêu khắc - hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát...

Ngày Tết Làng tại nhà rông Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa. (Nguồn: Báo Kon Tum)

Các di tích lịch sử, cách mạng của tỉnh đã được xếp hạng cấp quốc gia như: di tích lịch sử Ngục Kon Tum (thành phố Kon Tum), di tích lịch sử ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), di tích Chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi), giúp cho du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hóa của các dân tộc.

Ngoài ra, các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, Chùa Bác Ái... đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách tham quan.

Nét đẹp văn hóa bản địa

Để khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Kon Tum đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Đặc biệt, hiện nay, ở nhiều thôn, làng, bà con đã biết phát huy tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Bà con các làng như Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), làng Kon Brăp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy)… đã thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn khi khách đến tham quan, trực tiếp dệt thổ cẩm tại nhà rông để du khách trải nghiệm và bán các sản phẩm dệt được.

Hồ Đăk Ke, huyện Kon Plông - một trong những địa điểm du khách thường ghé thăm. (Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Đặc biệt, người dân địa phương còn biết gìn giữ, phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản mang thương hiệu Kon Tum để níu chân du khách. Như ở Đăk Răng, họ đã thống nhất thành lập nhóm ẩm thực, nhóm đón tiếp, hướng dẫn khách, nhóm văn nghệ, nhóm sản xuất hàng thủ công... để phục vụ du khách một cách bài bản.

Cũng nhờ được hưởng lợi từ khai thác những nét đẹp văn hóa để phục vụ du lịch, bà con ở các thôn, làng ngày càng chú trọng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Như ở làng Kon K’tu, những nếp nhà sàn nguyên sơ của người Ba Na qua bao thế hệ được bà con nơi đây gìn giữ.

Cuộc sống quần cư thanh bình với những tập tục, sinh hoạt hàng ngày của dân làng Kon K’tu bên bến sông với các hoạt động ngày thường dệt thổ cẩm, canh tác… thực sự là sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đến với Kon Tum, du khách cũng ấn tượng với khu di chỉ khảo cổ Lung Leng, với những mái nhà rông sừng sững, những bài hát kể sử thi đêm đêm bên bếp lửa hồng, với những bài dân ca, những điệu múa xoang dặt dìu trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng…

Những nét đẹp ấy là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, phù hợp với xu hướng chung của du lịch là trải nghiệm đời sống văn hóa người dân tại chỗ.

Những tiềm năng thu hút khách

Từ năm 2016-2020, tỉnh Kon Tum đã đầu tư các công trình trọng điểm về du lịch và hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, như đầu tư hạ tầng Khu du lịch văn hóa, lịch sử Ngục Kon Tum; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Ngục Đăk Glei; Khu căn cứ Tỉnh ủy; phát triển du lịch tại khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và tại các vùng kinh tế động lực.

Những thiếu nữ bên hoa mai anh đào tại Măng Đen, huyện Kon Plông. (Nguồn: Báo Kon Tum)

Mới đây, tại diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh là khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương gắn với bảo vệ bền vững tài nguyên du lịch, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cũng theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Kon Tum, hiện vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc chưa được khai thác và có thể phát triển mạnh các loại hình như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng.

Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh: "Cần định hướng phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum".

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, hiện nay trên 80% khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt với nền văn hóa dân tộc họ. Bởi vậy, với nguồn tài nguyên văn hóa giàu bản sắc như Kon Tumi du khách sẽ được trải nghiệm và cảm thấy hết sức thú vị, hấp dẫn.

Một lợi thế khác là Kon Tum có đường biên giới dài 292,522 km; giáp với Lào 154,222 km và Campuchia 138,691 km, có 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu phụ thông thương với Lào, có 4 huyện với 13 xã thuộc biên giới (Huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai).

Tỉnh còn là nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Việt Nam như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 40…; có Cột mốc Quốc giới Việt Nam - Lào - Campuchia là biểu tượng cho tình đoàn kết - hữu nghị và hợp tác của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trên cầu treo Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum. (Nguồn: Báo Kon Tum)

Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng du lịch này, theo PGS.TS. Trần Đình Nguyên - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thì cùng với bảo vệ, giữ gìn vốn quý, đa dạng, nâng tầm sản phẩm, Kon Tum cần xác định được cực tăng trưởng để dành ưu tiên cho phát triển du lịch.

PGS.TS. Trần Đình Nguyên chia sẻ: “Các địa phương như Bờ Y muốn bay lên được cần phải nối thông sang Lào, phải nối thông sang Campuchia theo đúng nghĩa mở cửa hội nhập. Lúc ấy Bờ Y mới biến các lợi thế địa phương nước bạn thành lợi thế của mình để tăng sức sống cho du lịch”.

Anh Thư

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kon-tum-khai-thac-tai-nguyen-du-lich-nhan-van-184391.html