Kinh tế Việt Nam năm 2011- Tìm đến sự phát triển bền vững

Ba tuần lễ trước khi năm 2010 khép lại với những cố gắng vượt khó của nền kinh tế chúng ta, Ngân hàng Nhà nước cho biết lượng kiều hối tính đến hết tháng 12 có thể lên đến 8 tỉ USD, vượt xa con số 6,7 tỉ USD hồi năm ngoái. Cùng lúc, số liệu chính thức cũng cho thấy vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đảo chiều vào phút chót với hơn 18,5 tỉ USD và tình hình giải ngân được cải thiện, đã là một ngạc nhiên cho giới quan sát khi mà mức hấp thu đồng vốn của nền kinh tế vẫn chưa cao.

Ảnh: chinhphu.vn Cùng với khoản 7,9 tỉ USD có phần hào phóng của các nhà tài trợ dành cho chúng ta trong năm 2011, những thông tin trên đây như đợt nắng cuối năm sưởi ấm tình hình kinh tế chưa được sáng sủa, chỉ số giá cả tăng cao bỏ xa kỳ vọng kiềm chế của chính phủ, khi mà nhập siêu lên đến hơn 12,37 tỉ USD, cơn sốt lãi suất đang đe dọa đốt cháy nhiều doanh nghiệp, còn người dân thì tìm đến vàng và đô la như phương tiện ẩn trú tài sản. Đó là chưa kể những dự báo không mấy lạc quan về tình hình phục hồi kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng đến đầu tư và xuất khẩu của chúng ta. Dù gì đi nữa cũng không thể phủ nhận rằng năm qua Chính phủ đã rất cố gắng trong việc giữ một mức phát triển cao, tăng trưởng GDP đạt 6,78%. Kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn năm trước đó, thâm hụt thương mại cũng đã giảm được phần nào, tuy nhiên ổn định vừa nói chưa được hỗ trợ của các biện pháp đồng bộ đã khiến nền kinh tế trả giá bằng mức lạm phát lên đến 11,75%, đe dọa khả năng phục hồi sức khỏe của nền kinh tế nếu Chính phủ thiếu quyết tâm tái cơ cấu để loại trừ những bất ổn vĩ mô, hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững. Nền kinh tế của chúng ta còn dựa nhiều vào yếu tố đầu cơ hơn là đầu tư cho nên không tạo ra được sự ổn định. Khi đề cập đến điều này, các nhà phân tích trong nước dễ đồng tình với nhận định của chuyên gia tư vấn chiến lược về tài chính tại Thụy Sĩ, ông Phạm Nam Kim, rằng mối đe dọa trầm trọng nhất cho nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam là mảng kinh tế ảo. Một minh họa rõ nét cho tình hình này là lĩnh vực địa ốc mà hoạt động đầu cơ đã đưa giá nhà đất ở nước ta lên mức đắt nhất nhì thế giới, trong khi GDP đầu người của Việt Nam xếp thứ 139, với 1.095 USD. Đó là mức giá ảo được đẩy lên đã cuốn hút không chỉ các nhà đầu tư tư nhân mà cả doanh nghiệp nhà nước, thậm chí nhiều tập đoàn cũng đã lao vào cơn lốc này. Hậu quả là một lượng lớn nguồn vốn xã hội đã tập trung vào lĩnh vực ấy, tài nguyên của cả nước được dùng vào việc xây cất những cao ốc, chung cư cao cấp phần lớn là để mua đi bán lại. Cái mà nhà nước có được từ hoạt động đầu cơ của doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc không thấm vào đâu so với bất ổn và căng thẳng xã hội, nhất là vấn đề nhà ở cho người dân ở các đô thị đang phát triển. Tình trạng này đã được cảnh báo nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đã có đến 280 ngàn tỉ đồng được đổ vào thị trường bất động sản. Đây là con số không nhỏ. Hiện nay, hiện tượng bong bóng bất động sản đã xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn vào lĩnh vực huy động đồng vốn xã hội cũng dễ nhận ra một trạng thái ảo tương tự. Nền kinh tế của một đất nước phát triển đúng hướng là khi biết biến những khoản tiết kiệm thành đầu tư lớn tạo ra giá trị gia tăng, tức là những khoản tiết kiệm dài hạn để tài trợ cho các dự án lớn, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và làm tiền đề cho phát triển. Trong khi tài sản trong dân ở nước ta hiện nay, theo dự đoán của các định chế tài chính quốc tế, có thể chiếm phân nửa GDP, thì đặc trưng tiết kiệm của người dân cũng chỉ là ngắn hạn. Trong khi công cụ trái phiếu chính phủ chưa huy động được nhiều nguồn vốn dài hạn, thì hệ thống ngân hàng cũng không thoát khỏi hình thức huy động ngắn hạn nguồn tiền tiết kiệm bằng nội tệ lẫn ngoại tệ, dẫn đến hậu quả đồng tiền nhàn rỗi chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác theo triều cường lãi suất như thời gian gần đây. Khi đồng tiền mất giá, hay thị trường chứng khoán tuột dốc, các khoản tiết kiệm lại được đổ vào đô la, vàng hoặc đầu cơ địa ốc. Đây cũng là những biểu hiện của kinh tế ảo, rất cần sớm được điều chỉnh để đưa đồng vốn vào quỹ đạo của kinh tế thật với các chương trình mục tiêu lớn của đất nước mang tính hiệu quả cao. Thoát khỏi kinh tế ảo, tìm đến sự phát triển bền vững cho nền kinh tế của chúng ta không chỉ đòi hỏi tầm nhìn mà còn cả quyết tâm. Tái thiết kế công cụ tiết kiệm và chính sách tiền tệ, lập lại trật tự bằng chính sách nhà đất hợp lý để ngăn chận đầu cơ... là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ. Đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế lâu nay dựa vào doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn quốc doanh, đã mất dần sự thuyết phục khi một số không nhỏ những tập đoàn này là những tấm gương xấu, mà Vinashin chỉ là một biểu hiện. Một qui chế phù hợp vào lúc này là rất cần thiết qua đó đặt các tập đoàn quốc doanh phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh bên ngoài bằng luật chơi của thời kỳ hội nhập hơn là giành giật thị trường trong nước với thành phần kinh tế tư nhân yếu thế hơn. Cần đặt doanh nghiệp nhà nước dưới sự quản lý của cạnh tranh lành mạnh, có lợi nhuận thì tồn tại, còn ngược lại thì phải chịu sự đào thải khắc nghiệt mà thôi. Năm 2011, kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi, tăng trưởng ở nhiều nước phát triển được dự báo ở mức 0,6% đến 1%, điều này khiến cho số vốn nhàn rỗi khổng lồ sẽ tìm đến các thị trường mới nổi để tối đa hóa hiệu quả đầu tư. Trong tình hình ấy, Việt Nam với sự ổn định chính trị và một thị trường tiêu thụ lớn sẽ là điểm lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta cải thiện được tình hình tài chính, tiền tệ và luật pháp minh bạch hơn. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2011 nền kinh tế của chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%, còn mức tăng trưởng kỳ vọng được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong phiên họp cuối năm 2010 của chính phủ là từ 7 đến 7,5%. Cho dù vậy thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng chỉ bằng 15,3% của Indonesia, 33,5% của Thái Lan, 48% của Malaysia, 56% của Singapore, 55,3% của Philippines. Như vậy mới thấy con đường phía trước của chúng ta để bắt kịp các nước khu vực còn rất dài.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=27362