Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo khi chi tiêu tiêu dùng cải thiện

Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được đà tăng trưởng trong quý trước khi người dân tăng cường chi tiêu vào mọi thứ từ nhà hàng, rượu bia đến ô tô, bù đắp lực cản từ cuộc khủng hoảng tài sản và đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay của Bắc Kinh trong tầm tay.

GDP của Trung Quốc đạt 4,9%, vượt dự báo, sau những nỗ lực của chính quyền nhằm ổn định lĩnh vực tài sản và ngân hang. Ảnh: AFP/Getty Images

Kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý III

Ngày 18/10, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong quý III/2023 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 1,3% so với quý trước, vượt xa kỳ vọng của các nhà kinh tế khi các nỗ lực kích thích của chính phủ dường như đã bén rễ.

Các số liệu này được thúc đẩy nhờ mức tăng trưởng doanh số bán lẻ bội thu vào tháng trước, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong gần hai năm.

Thị trường trong nước và toàn cầu phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ tăng 0,2% ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đồng tiền của các quốc gia có sự tăng trưởng gắn liền với Trung Quốc, như Australia, Thái Lan và Hàn Quốc cũng tăng giá. Kim loại bao gồm đồng và nhôm mở rộng mức tăng.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng. NBS cho biết: “Chúng ta nên lưu ý môi trường bên ngoài đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn trong khi nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ và nền tảng cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế cần được củng cố hơn nữa”.

Để thúc đẩy Trung Quốc hướng tới mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 5% - vốn đã là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ - trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng ổn định lĩnh vực tài sản và ngân hàng, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và đồng Nhân dân tệ trong nước.

Phó Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Sheng Laiyun cho biết trong cuộc họp ngày 18/10, nền kinh tế thứ hai thế giới “rất tự tin” rằng, họ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 5%. GDP sẽ cần tăng hơn 4,4% trong 3 tháng cuối năm để đạt được mục tiêu đó. Nhưng ông cũng cho biết thêm về tác động của đại dịch đối với khu vực tư nhân là “nghiêm trọng” và chính phủ cần tăng cường hỗ trợ.

Chu Hạo - Kinh tế trưởng tại Guotai Junan International ở Hồng Kông, cho biết: “Mặc dù nguy cơ tăng trưởng chậm hơn trong năm tới vẫn còn tồn tại, nhưng động lực kinh tế ngắn hạn ít nhất đã xua tan phần nào những đám mây đen bao phủ nền kinh tế”.

Doanh số bán lẻ tăng 5,5% trong tháng 9, cao nhất kể từ tháng 5

Cùng ngày, Trung Quốc cũng công bố dữ liệu về các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế tốt hơn so với những tháng trước, nhưng nhấn mạnh nền kinh tế đang hoạt động không tốt như nhiều người mong đợi sau đại dịch.

Các quan chức của NBS cũng bày tỏ lo ngại về nhu cầu. Mặc dù họ cho biết những số liệu mới nhất “đặt nền tảng vững chắc” để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, nhưng nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ.

Du khách tập trung dự lễ chào cờ tại quảng trường Thiên An Môn nhân ngày Quốc khánh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Andrea Verdelli/Bloomberg

Theo đó, doanh số bán lẻ, thước đo chi tiêu của người tiêu dùng, cao hơn 5,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư tài sản cố định, một thước đo quan trọng trong chi tiêu vốn ở Trung Quốc, đã tăng 3,1% trong 9 tháng đầu năm.

Bắc Kinh đã tìm cách thúc đẩy sản xuất công nghệ cao và theo đuổi khả năng tự cung cấp công nghệ. Đầu tư bất động sản trong 9 tháng đầu năm đã giảm 9,1%, phản ánh tình trạng vỡ nợ trên toàn ngành của các chủ đầu tư và doanh số bán căn hộ yếu. Dữ liệu cũng cho thấy số lượng nhà mới xây mới đã giảm hơn 20% trong năm nay so với năm 2022.

Trung Quốc đang cố gắng chèo lái nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đầu tư bất động sản và đầu cơ tài chính dựa vào nợ nần cũng như các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng nhà nước không hiệu quả. Họ muốn mô hình kinh tế của Trung Quốc dựa trên sự tăng trưởng bền vững hơn, được củng cố bởi các dịch vụ tiêu dùng và sản xuất công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các mục tiêu an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc đạt được sự thay đổi đó trở nên khó khăn hơn sau khi Trung Quốc không thể phục hồi như mong đợi sau đại dịch và khi lĩnh vực bất động sản của nước này suy thoái làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Đầu tư của khu vực tư nhân đã giảm 0,6% vào cuối tháng 9, tiếp tục giảm so với mức giảm 0,2% vào cuối tháng 6. Sản xuất công nghiệp, vốn thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong suốt ba năm qua, đã tăng 4,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lại xuất hiện sự không chắc chắn về nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Trung Đông đã khiến thị trường xấu đi.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ có “nhiều chồi xanh hơn” trong quý IV. Tuy nhiên, họ mong đợi các biện pháp nới lỏng chính sách hơn nữa, bởi “có những điểm yếu dai dẳng, đặc biệt là từ sự suy thoái tài sản và niềm tin vẫn còn mong manh”.

Raymond Yeung - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd, cho biết: “Khía cạnh đầu tư vẫn còn yếu, nhưng tiêu dùng dường như đã phục hồi tốt. Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung nhiều hơn vào ổn định tài chính. Các biện pháp kích thích sẽ được tính đến”.

Các số liệu chính từ dữ liệu kinh tế quý III của Trung Quốc:

Sản lượng công nghiệp tăng 4,5% trong tháng 9 so với một năm trước đó, cao hơn mức ước tính trung bình là tăng 4,4%.

Doanh số bán lẻ tăng 5,5% trong tháng 9; dự báo trung bình là 4,9%.

Đầu tư tài sản cố định tăng 3,1% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức dự báo trung bình là 3,2%.

Đầu tư bất động sản giảm 9,1% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn dự báo.

Tỷ lệ thất nghiệp là 5% vào cuối tháng 9, cải thiện so với tháng 8.

Hoàng Lê (theo Bloomberg/The Financial Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-trung-quoc-tang-truong-vuot-du-bao-khi-chi-tieu-tieu-dung-cai-thien-137817.html