Kinh tế thế giới nổi bật (22-28/9): EU phụ thuộc Nga, lo ngại thương chiến với Trung Quốc; 5 nước châu Âu tổn thất vì xung đột ở Ukraine

Nhận định về chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu, xung đột ở Ukraine khiến GDP của 5 quốc gia châu Âu giảm mạnh, EU vẫn phụ thuộc vào hàng hóa Nga, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ giảm… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Thương mại giữa EU với Nga thông qua các nước thứ ba làm giảm hiệu quả các biện pháp trừng phạt của phương Tây. (Nguồn: Shutterstock)

Kinh tế thế giới

Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu có thể đã kết thúc

Các nhà kinh tế, các thị trường tài chính và hầu hết các ngân hàng trung ương tin rằng sẽ không cần thiết phải tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh có thêm dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế trên toàn cầu đang chậm lại,

Trong tuần qua, các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ, Anh, Nhật Bản và Thụy Sỹ đều đã quyết định giữ nguyên lãi suất. Các thống đốc ngân hàng trung ương nhấn mạnh cần giữ bình tĩnh thay vì tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát duy trì đà giảm ở hầu hết các nước phương Tây.

Nhà kinh tế trưởng trên toàn cầu của Capital Economics Jennifer McKeown cho rằng, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đã kết thúc.

Lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020, 30 ngân hàng trung ương lớn nhất trên thế giới nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong quý tới hơn là sẽ tăng.

Các thị trường tài chính nhận được thông điệp hầu hết các ngân hàng trung ương lớn sẽ dừng tăng lãi suất và các ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ cắt giảm.

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Mỹ Citi Nathan Sheets cho rằng, kinh tế toàn cầu đang tiến gần đến điểm chuyển tiếp với tăng trưởng và lạm phát giảm.

Các báo cáo cho thấy lạm phát chậm lại ở nhiều nước và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo lãi suất tăng mạnh, giá dầu gần đây tăng lên khoảng 95 USD/thùng đã cho thấy các dấu hiệu ngày càng rõ về việc tăng trưởng chậm lại.

Các ngân hàng trung ương bắt đầu hành động sau khi các số liệu được công bố. Nhiều nền kinh tế mới nổi bắt đầu hạ lãi suất, trong khi quyết định giữ nguyên lãi suất thay vì tăng của Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ đã khiến các nhà phân tích bất ngờ.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế hàng đầu vẫn chưa sẵn sàng nói đến khả năng hạ lãi suất và muốn giữ nguyên cho đến khi chắc chắn hơn rằng giá cả đã ổn định.

Tại Mỹ, lạm phát đã giảm hơn một nửa so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 xuống 3,7% trong tháng trước.

Tại một số quốc gia Baltic và Đông Âu, lạm phát giảm hơn 10 điểm phần trăm so với mức đỉnh.

Số liệu chính thức được công bố trong tuần tới có thể cho thấy lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) giảm xuống gần mức thấp kỷ lục hai năm là 4,6% trong tháng 9/2023, so với mức 5,2% trong tháng 8/2023 và mức đỉnh 10,6% vào tháng 10/2023.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế yếu hơn. Các chỉ số nhà quản trị mua hàng cho thấy sự yếu kém trong hoạt động kinh tế tại Anh và Eurozone, còn tại Mỹ tiếp tục chậm lại. (Financial Times)

Kinh tế Mỹ

* Báo cáo của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Conference Board công bố ngày 26/9 cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ 108,7 hồi tháng 8/2023 xuống 103 trong tháng 9 này. Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 5 tới nay.

Theo báo cáo, nhận định của người tiêu dùng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong năm tới đã tăng trở lại. Sự suy giảm tâm lý lạc quan đó đã dẫn đến sự sụt giảm niềm tin. Bên cạnh đó, hàng triệu người Mỹ cũng sẽ bắt đầu phải trả các khoản vay sinh viên của họ vào tháng 10 trong khi hầu hết số tiền tiết kiệm được sau đại dịch của họ đã cạn kiệt. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Ông He Keng, cựu Phó giám đốc Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) nhận định, kể cả dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc cũng không thể "phủ" hết lượng căn hộ còn trống đang trải khắp nước này. Theo đó, có nhiều con số khác nhau được đưa ra về số lượng căn hộ còn trống tại nước này, trong đó có ý kiến cho rằng số nhà còn trống hiện tại có thể đủ cho 3 tỷ người. Điều này có nghĩa là dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc không thể "phủ" hết được số lượng này, dù ước tính nói trên theo ông He Keng có phần hơi quá.

Số liệu mới nhất từ NBS cho hay, tính đến cuối tháng 8/2023, tổng diện tích mặt sàn của các căn nhà chưa bán đã lên đến 648 triệu m2, tức tương đương với 7,2 triệu căn nhà, (trung bình là 90 m2/căn)

Đó là còn chưa tính nhiều dự án nhà ở đã bán những vẫn chưa hoàn thành do các vấn đề về dòng tiền, hay nhiều căn nhà được các nhà đầu cơ mua trong đợt khởi sắc của thị trường năm 2016 vẫn còn để trống. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Theo trang mạng ABC Nyheter của Na Uy, nền kinh tế của 5 quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Anh, Italy và Thụy Sỹ đã bị thiệt hại đáng kể do tác động từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Nếu không có xung đột, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 5 quốc gia châu Âu nói trên có thể cao hơn từ 0,1-0,7% trong quý IV/2022 và lạm phát sẽ thấp hơn 0,2-0,4%. Báo cáo cũng cho biết, kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các chuyên gia tại Thụy Sỹ dự đoán, trong tương lai, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Theo hãng tin Bloomberg, Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) - sẽ phải đối mặt với tình trạng trì trệ trong năm nay, đồng nghĩa với việc GDP sẽ không tăng trưởng. (TTXVN)

* Tờ FT của Anh cho biết, nguồn cung cấp qua các nước thứ ba đã che giấu sự phụ thuộc thực sự của EU vào nguyên liệu thô từ Nga.

Một minh chứng cho điều này là công ty Glencore của Thụy Sỹ đã cung cấp hàng nghìn tấn đồng của Nga sang Italy thông qua Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2023.

Theo các tài liệu hải quan và ảnh chụp mà FT có, một nhà kinh doanh kim loại và dầu mỏ niêm yết ở London đã mua ít nhất 5.000 tấn đồng tấm do Công ty khai thác và luyện kim Ural (UMMC) của Nga sản xuất. Những sản phẩm này đã được xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang cảng Livorno của Italy vào tháng Bảy.

Theo FT, những thỏa thuận như vậy cho thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào hàng hóa quan trọng của Nga, cũng như vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm trung chuyển. Báo Anh nhấn mạnh, một số quan chức châu Âu cho rằng, thương mại với Nga thông qua các nước thứ ba làm giảm hiệu quả các biện pháp trừng phạt của phương Tây. (FT/TTXVN)

* Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing hôm 25/9 đã lên tiếng phản đối mức thuế bảo hộ có thể được EU áp đặt đối với xe điện (EV) của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn báo Augsburger Allgemeine, ông Wissing cho hay, về nguyên tắc, ông không muốn dựng lên các rào cản thị trường. Quan chức này nhấn mạnh, nước Đức muốn sản xuất xe điện một cách cạnh tranh cho thị trường nội địa và thế giới. Trong khi đó, một cuộc chiến thương mại có thể nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác và gây thiệt hại kinh tế lớn. (THX)

* Ngày 27/9, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cho biết, họ kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng vào năm 2023 nhờ giá dầu tăng, sau khi từng dự báo nước này sẽ rơi vào suy thoái hồi đầu năm nay.

EBRD dự kiến kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, sau khi dự đoán mức giảm 1,5% trong ước tính được đưa ra vào tháng 5. EBRD dự kiến mức tăng trường kinh tế Nga trong năm tới là 1%.

Ngân hàng trên cũng dự kiến nền kinh tế Ukraine sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay, khi có thêm nhiều doanh nghiệp nối lại hoạt động và cải thiện nguồn cung cấp năng lượng. (AFP)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Số liệu kết quả khảo sát của Tổng cục Thuế quốc gia Nhật Bản công bố ngày 27/9 cho thấy, mức lương trung bình của nhân viên tại các doanh nghiệp tư nhân nước này trong năm 2022 là 4,58 triệu Yen (khoảng 30.000 USD).

Cuộc khảo sát được thực hiện đối với các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản trong năm 2022 bao gồm đối tượng là nhân viên toàn thời gian và bán thời gian. Theo đó, mức lương trung bình mà các doanh nghiệp tư Nhật Bản trả cho nhân viên trong năm 2022 là 4,58 triệu Yen (khoảng 30.000 USD), tăng 119.000 Yen (khoảng 800 USD), tương đương 2,7% so với năm 2021.

Đây là năm tăng thứ hai liên tiếp, vượt qua mốc đạt được trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia Đông Bắc Á này. Xét theo giới tính, lương trung bình của nam giới tăng 137.000 Yen, lên mức 5,63 triệu Yen, trong khi ở nữ giới cũng tăng 119.000 Yen, lên mức 3,14 triệu Yen. (TTXVN)

Mức lương trung bình của nhân viên tại các doanh nghiệp tư nhân Nhật bản trong năm 2022 là 4,58 triệu Yen (khoảng 30.000 USD). (Nguồn: Getty)

* Chính phủ Nhật Bản đang xem xét thành lập Khu quản lý tài sản đặc biệt tại bốn địa phương gồm thủ đô Tokyo, tỉnh Osaka, tỉnh Fukuoka và thành phố Sapporo (thuộc Hokkaido) như một đòn bẩy thu hút sự đầu tư từ bên ngoài.

Khu quản lý tài sản đặc biệt vận hành như một hình thức “đặc khu kinh tế”, nên ngoài việc chuẩn hóa các thủ tục hành chính bằng tiếng Anh, chính quyền các địa phương này sẽ tạo dựng một môi trường làm việc và sinh sống thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm giới thiệu các dịch vụ y tế bằng tiếng Anh. (TTXVN)

* Tình trạng chậm trả lương không phải hiện tượng hiếm đối với người lao động ở Hàn Quốc. Kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 25/9 cho thấy, khoảng 4 trong số 10 công nhân được khảo sát ở nước này đã gặp phải tình trạng chậm trả lương.

Theo cuộc khảo sát với 1.000 công nhân Hàn Quốc do Embrain Public thực hiện từ ngày 1-6/8, có tới 43,7% số người được hỏi cho biết từng gặp phải vấn đề về chậm trả lương.

Xét theo tỷ lệ, các trường hợp chậm trả phổ biến nhất là lương cơ bản ở mức 30,2%, tiếp theo là tiền làm thêm giờ với 27,8%, phụ cấp ở mức 24,5% và trợ cấp nghỉ phép hằng năm ở mức 23,2%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy nhân viên không chính thức dễ bị chậm trả lương hơn khi có tới 34,8% số người được hỏi cho biết họ đã từng gặp phải tình trạng chậm trả cao hơn mức 27,2% của nhân viên chính thức. (Yonhap/TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) Arsjad Rasjid cho biết, các công ty Đông Nam Á đang đánh giá các khoản đầu tư tiềm năng vào thị trường châu Phi để hỗ trợ tăng trưởng và tìm kiếm cơ hội mới trong bối nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà giảm tốc.

Ông Rasjid cho rằng, sự sụt giảm kinh tế của Trung Quốc “chắc chắn” ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á, nơi có quan hệ thương mại chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy vậy, ông Rasjid cũng lưu ý rằng có thể nhìn nhận điều này “một cách tích cực”.

Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia mới đây, ông Rasjid cho biết: “Điều quan trọng cần nhận ra là chúng tôi hiện đang xem xét các thị trường phi truyền thống khác. Chúng tôi đã nói về châu Phi”.

Với dân số hơn 1 tỷ người, châu Phi được các công ty từ khắp nơi trên thế giới coi là nơi có nhiều thị trường tiềm năng trong tương lai. (TTXVN)

* Tổng cục Hải quan và Thuế Campuchia (GDCE) thông báo, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, 3 thị trường lớn mà Campuchia nhập khẩu, đã vận chuyển lượng hàng hóa trị giá hơn 11,5 tỷ USD sang nước này, chiếm khoảng 70,8% tổng kim ngạch nhập khẩu 16,3 tỷ USD trong 8 tháng kể từ đầu năm 2023.

Theo GDCE, Trung Quốc đứng đầu danh sách với kim ngạch xuất khẩu 7,2 tỷ USD sang Campuchia, tương đương khoảng 43,9% tổng lượng hàng nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Việt Nam giảm 11,7% xuống còn 2,5 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi các lô hàng từ Thái Lan giảm 25,8% xuống còn 1,9 tỷ USD, tương đương 11,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. (TTXVN)

* Người đứng đầu Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bapanas) Arief Prasetyo Adi cho biết, Tổng thống nước này, ông Joko Widodo đã chỉ đạo nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Trung Quốc để tăng dự trữ gạo của chính phủ cho năm 2024.

Ông Arief cho biết, việc nhập khẩu gạo này đã được quyết định trong bối cảnh sản lượng trong nước sụt giảm do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Bộ Nông nghiệp Indonesia ghi nhận sản lượng gạo giảm tới 5%.(TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-22-289-eu-phu-thuoc-nga-lo-ngai-thuong-chien-voi-trung-quoc-5-nuoc-chau-au-ton-that-vi-xung-dot-o-ukraine-243954.html