Kinh tế Kinh tế Truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường lớn

Nhiều nội dung được làm rõ tại hội thảo khoa học 'Xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu' được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 13/7.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN; lãnh đạo Trung tâm Mã số - Mã vạch Quốc Gia cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, HTX, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm giúp người tiêu dùng tra cứu và tin tưởng lựa chọn sản phẩm

Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi

Hiện nay, TXNG sản phẩm, hàng hóa là nhu cầu tất yếu của thị trường, là cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam xâm nhập vào các thị trường khó tính. Với 28 nhóm sản phẩm chủ lực, Thừa Thiên Huế có nhiều cơ hội mở rộng thị phần một khi tham gia TXNG sản phẩm. Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, đối với DN, TXNG là bước đầu tạo sự tin tưởng với khách hàng, minh bạch mọi thông tin cần thiết. Còn với khách hàng, TXNG giúp họ kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn để đảm bảo mua hàng chính hãng, an toàn.

Thực hiện Kế hoạch 235 của UBND về việc triển khai đề án "Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025", Sở KH&CN đã xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm theo quy định. Qua đó, đã hỗ trợ 30 DN/cơ sở áp dụng Hệ thống tem truy xuất thông qua ứng dụng mã Qr-Code. Cụ thể, đã hỗ trợ các sản phẩm sen Huế, dầu lạc Quảng Thọ, trà rau má, mè xững Phước Thành, dầu tràm Anh Chiến, dầu tràm thiên nhiên chú A…; một số cơ sở sản xuất, sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP như cá khô cơ sở chế biến thủy hải sản Mỹ Á, HTX chế biến nước mắm truyền thống Phú Thuận, Phú Diên, gạo thơm HTX Nông nghiệp Thủy Thanh, gạo thơm HTX Nông nghiệp Phú Hồ... với trung bình 10.0000 tem/DN.

Ngoài ra, Sở KH&CN triển khai Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2030 và đã hỗ trợ 5 DN triển khai áp dụng hệ thống TXNG cho các sản phẩm: trà sen Huế, trà rau má, tinh dầu tràm Lộc Thủy, nước nắm, ruốc Huế với 20.000 tem/DN.

Chia sẻ tại hội thảo, một số DN, cơ sở sản xuất thừa nhận, khi áp dụng TXNG không chỉ giúp họ bảo vệ được thương hiệu, nâng tầm giá trị của đơn vị, kích thích mua hàng, mà còn tạo nền tảng để xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường lớn quốc tế...

Còn những rào cản cần tháo gỡ

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định, TXNG giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm... Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, mặc dù một số DN quan tâm và ứng dụng TXNG trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhưng hoạt động này còn chiếm tỷ lệ nhỏ và gặp không ít khó khăn do tem truy xuất chưa chuẩn hóa về nội dung và hình thức, việc áp dụng chưa thống nhất.

Giá trị của sản phẩm, của doanh nghiệp sẽ nâng lên khi sản phẩm hàng hóa có gắn tem, nhãn mác theo hệ thống truy xuất nguồn gốc

Trên địa bàn tỉnh đang xây dựng hệ thống TXNG sản phẩm qua 3 hình thức chủ yếu, tùy vào quy mô và điều kiện thực tế của cơ sở, gồm: ghi chép sổ sách theo dõi sản xuất; áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, VietGAP, hữu cơ…; áp dụng công nghệ trong triển khai hệ thống TXNG sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh, mặc dù trên địa bàn có 40 sản phẩm OCOP đều được áp dụng hệ thống TXNG, nhưng đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc áp dụng hệ thống TXNG. Những khó khăn đó là, đặc thù quy mô sản xuất nông nghiệp tại địa phương khá nhỏ, cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ chiếm đại đa số, nhận thức và điều kiện vật chất và con người chưa đáp ứng điều kiện triển khai hệ thống TXNG tại cơ sở. Việc sử dụng tem điện tử TXNG sản phẩm nông nghiệp khá phức tạp hơn các ngành khác do số lượng lô hàng như rau, quả, gạo… có sự thay đổi rất nhanh về nguồn gốc...

Để tháo gỡ những vướng mắc này, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống TXNG, ứng dụng mã số mã vạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc áp dụng hệ thống TXNG trên sản phẩm, hội thảo này còn nhằm hướng đến xây dựng phần mềm nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các đặc sản của địa phương, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước, xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Kim Tùng thông tin thêm, trong số 28 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, Sở KH&CN đang chọn một số sản phẩm chủ lực như tôm chua, dầu tràm... để tham mưu UBND tỉnh đề xuất nâng lên quy chuẩn quốc gia, tiến tới vươn ra tầm quy mô thị trường rộng lớn hơn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/truy-xuat-nguon-goc-san-pham-chu-luc-de-vuon-ra-thi-truong-lon-a115346.html