Kinh tế 24h: 'Bóc trần' hàng loạt sai phạm của Vinastas; Đồng Yên tăng giá, thổi bay lợi nhuận doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương “bóc trần” hàng loạt sai phạm của Vinastas trong vụ công bố khảo sát nước mắm; Vũ Đình Duy xin nghỉ không lương từ ngày 1.11.2016; Đồng Yên tăng giá, thổi bay lợi nhuận nhiều doanh nghiệp Việt; Thúc đẩy dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành bằng cách nào?; Đại gia hàng hải Hàn Quốc phá sản, nợ cảng Việt Nam hàng chục tỉ đồng; Dự luật “đẻ” nhiều giấy phép mới, lo Bộ Công Thương lạm quyền....Sẽ là những tin chính có trong bản tin kinh tế nóng nhất trong 24h qua.

Kinh tế 24h: “Bóc trần” hàng loạt sai phạm của Vinastas; Đồng Yên tăng giá, thổi bay lợi nhuận doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương “bóc trần” hàng loạt sai phạm của Vinastas trong vụ công bố khảo sát nước mắm

Kết thúc đợt kiểm tra kéo dài hơn một tuần, Đoàn Thanh tra Liên bộ đã xác định: Hiệp hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng Vinastas không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch trong vụ khảo sát nước mắm.

Quá trình lấy (mua) mẫu thiếu tin cậy. Toàn bộ 150 mẫu đã mua không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, chỉ có hóa đơn bán lẻ, hóa đơn bán hàng, bản kê bán hàng của nơi bán (89 mẫu); 61 mẫu chỉ có bảng kê do cán bộ đi mua tự lập. Có sự không thống nhất trong quá trình mã hóa mẫu; một số mẫu không được mã hóa trước khi yêu cầu thử nghiệm.

Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm gây hoang mang trong dư luận; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo Điều lệ các cá nhân liên quan.

Giao Bộ Nội vụ xác minh, làm rõ tư cách pháp lý của Vinastas trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức kiểm tra việc chấp hành Điều lệ đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động của Vinastas.

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định pháp luật.

Vũ Đình Duy xin nghỉ không lương từ ngày 1.11.2016

Ngày 7.11, Bộ Công Thương cho biết tổ công tác của Bộ đã hoàn tất công việc rà soát tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về việc ông Vũ Đình Duy, Ủy viên HĐTV Vinachem đã tự ý nghỉ chữa bệnh mà chưa được sự cho phép của Bộ Công Thương. Kết quả cho thấy, ông Vũ Đình Duy đã vắng mặt tại cơ quan từ ngày 24.10.2016, với 3 đơn cáo ốm.

Hiện Tổ công tác đang tập hợp dữ liệu để báo cáo Bộ trưởng xin phương án xử lý tiếp theo. Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo: yêu cầu Vinachem tiến hành xem xét, làm rõ việc chấp hành kỷ luật lao động của ông Vũ Đình Duy theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Công Thương xem xét tiến hành quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Đình Duy.

Đồng Yên tăng giá, thổi bay lợi nhuận nhiều doanh nghiệp Việt

Đồng Yên tăng giá đã “thổi bay” lợi nhuận, khiến nhiều doanh nghiệp Việt rơi vào thua lỗ…

Theo yết giá tại Vietcombank, ngày 6.11, 1 Yên Nhật “ăn” 212 đồng. So với đầu năm, Yên Nhật đã tăng tới 14%. Việc tăng giá của đồng Yên là mối lo lớn của các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng đồng tiền này.

Công ty Nhiệt điện Phả Lại là một ví dụ, khi kết quả kinh doanh những năm qua luôn chịu tác động bởi sự biến động của đồng tiền này. 9 tháng năm nay, Nhiệt điện Phả Lại đạt doanh thu 4.489 tỉ đồng, giảm 26%, song lỗ tới 349 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp này vẫn lãi 443 tỉ.

Chính phủ Nhật đang tìm mọi cách để kìm hãm sự tăng giá của đồng tiền này nhằm kích thích kinh tế phát triển. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật - Haruhiko Kuroda cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trên thị trường tiền tệ và có thể sẽ đưa ra các biện pháp hạ lãi suất nếu cần thiết.

Thúc đẩy dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành bằng cách nào?

Đã qua 16 tháng từ ngày Quốc hội “bấm nút” thông qua Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đến nay nhưng thông tin triển khai dự án không mấy khả quan, dự đoán sẽ rất khó khăn để có thể khởi công vào năm 2019. Đặc biệt trong bối cảnh nợ công vẫn ở mức cao. Sự chậm trễ thực hiện dự án không chỉ tạo áp lực lên Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác kinh doanh của các hãng hàng không, mà còn cản trở sự phát triển ngành hàng không của quốc gia.

Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc ACV cho biết, cơ cấu vốn cho dự án chỉ tính khoảng 11,1% vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình do cơ quan chính quyền Việt Nam đầu tư, phát triển, khai thác và sở hữu như hải quan, công an cửa khẩu, cảng vụ, đài kiểm soát không lưu. Vốn ODA khảng 26,5% cho các hạng mục khu bay, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay. Còn lại là nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp, cổ phần, hợp tác công tư dùng để đầu tư vào các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga hành khách, các công trình thương mại, chế biến thức ăn, xăng dầu.

Việc huy động các nguồn lực là cần thiết, càng có nhiều nguồn lực thì việc triển khai dự án càng sớm và kịp tiến độ, cho nên sẽ có cơ chế và điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư vào dự án này.

Đại gia hàng hải Hàn Quốc phá sản, nợ cảng Việt Nam hàng chục tỉ đồng

Không chỉ kẹt hơn 4.000 container rỗng tại các cảng ở TP HCM, Hải Phòng, đại gia hàng hải vừa phá sản của Hàn Quốc Hanjin còn đang nợ các DN cảng bến Việt Nam hàng chục tỉ đồng.

Theo lãnh đạo cảng vụ TPHCM, khoản nợ của Hanjin với hệ thống các cảng bến Việt Nam hiện còn khá lớn và chủ yếu là tiền nợ phí hoa tiêu, cầu bến. Riêng với hệ thống cảng bến của công ty Tân Cảng, Hanjin nợ tới hơn 50 tỉ đồng. Con số này với cảng Vic vào khoảng 80.000 USD còn chi phí hoa tiêu nợ cảng vụ khu vực I là hơn 23.000 USD. Ngoài ra, Hanjin cũng còn nợ một số cảng ngoài Hải Phòng.

Vụ phá sản của Hanjin khiến nhiều DN Việt Nam bị ảnh hưởng trong đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực như da giày, thủy sản, đồ gỗ... cũng như doanh nghiệp logistics chịu tác động lớn nhất.

Dự luật “đẻ” nhiều giấy phép mới, lo Bộ Công Thương lạm quyền

Nhận xét dự thảo luật Quản lý Ngoại thương ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả và tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI thẳng thắn bày tỏ mối lo ngại khi dự thảo luật trao quyền quyết định cho Bộ Công Thương trong rất nhiều trường hợp nhưng không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào.

Góp ý kiến về dự luật Quản lý Ngoại thương tại hội trường, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn cho rằng, dự thảo luật đã "ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả".

Do vậy, vô hình chung, dự luật đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ - ông Lộc quan ngại. Trong khi đó, theo đánh giá của ông thì những nội dung cần thiết, cốt lõi lại được quy định rất chung chung, "chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành".

Đáp lại những mối lo ngại của các đại biểu Quốc hội, trong phần giải trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, “quan điểm Chính phủ là kiến tạo, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển không mâu thuẫn với tên gọi của dự luật là quản lý ngoại thương”.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và làm rõ sự phân biệt, nguyên tắc hạn chế, cấm xuất - nhập khẩu hàng hóa theo hướng minh bạch, công khai. “Các nguyên tắc này sẽ công khai, tránh tình trạng lạm dụng cơ chế quyền lực tập trung vào các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Văn Thắng - Khánh Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/kinh-te-24h-boc-tran-hang-loat-sai-pham-cua-vinastas-dong-yen-tang-gia-thoi-bay-loi-nhuan-doanh-nghiep-viet-609298.bld