Kinh phí không phải là tất cả

Từ những yếu tố mở của Luật Điện ảnh (sửa đổi), chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim cũng cần có cách tiếp cận mới, để kích thích sáng tạo của nhà làm phim cũng như tránh lãng phí nguồn đầu tư.

Không thả nổi khâu phát hành

Cần có những thay đổi gì trong chính sách và giải pháp tài trợ, đặt hàng của Nhà nước để sản xuất được những bộ phim thành công? Đây là vấn đề được đặt ra trong Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á” mới đây.

Trong số các phim Nhà nước đặt hàng, tài trợ sản xuất, mới chỉ có "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do Victor Vũ đạo diễn thắng doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Nguồn: ITN

Từ kinh nghiệm làm phim mấy chục năm, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhìn nhận, từ khi Nhà nước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, tư nhân tham gia sản xuất, phát hành điện ảnh, Nhà nước vẫn giữ trách nhiệm hàng năm trích ngân sách đặt hàng, tài trợ sản xuất phim. Việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hàng năm tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Những bộ phim thành công đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, kịch bản được viết chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ, có nội dung được xã hội quan tâm. Thứ hai, được giao cho đội ngũ đạo diễn, quay phim, diễn viên sáng tạo, nhiều tìm tòi. Nhưng những phim không thành công cũng nằm ở đó. Vấn đề kinh phí không phải là cốt yếu.

"Nhà nước quan tâm đến việc sản xuất phim là rất đáng quý, tuy nhiên, quan tâm ở đây không chỉ là chuyện mỗi năm trích ra bao nhiêu kinh phí làm phim mà còn phải có trách nhiệm ở cả khâu phát hành. Một bộ phim được làm ra có thể rất hay, nhưng nếu không được phát hành tốt, không được quảng bá rộng rãi, không đưa được giá trị nghệ thuật đến với đông đảo công chúng thì cũng không thể gọi là thành công. Có điều, lâu nay Nhà nước mới chỉ quan tâm đến khâu sản xuất, còn khâu phát hành gần như thả nổi", đạo diễn Đặng Nhật Minh nói.

Tránh cứng nhắc trong đề tài

Thời gian qua, các chính sách “bắt tay” giữa Nhà nước và tư nhân trong sản xuất phim cũng được các cơ quan quản lý nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sáng tạo những tác phẩm điện ảnh chất lượng, từ đó xây dựng, phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ nhu cầu thực tiễn, Cục Điện ảnh đã tổ chức một số cuộc thi về kịch bản cho từng loại hình phim, tạo nguồn cho Nhà nước và các nhà sản xuất đầu tư nhưng chưa được thường xuyên.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho rằng, các chính sách và giải pháp phát triển điện ảnh nhằm đáp ứng hai yêu cầu: sản xuất được nhiều phim hay, không chỉ giới thiệu trong nước mà còn tham dự liên hoan phim, đáp ứng thị hiếu của khán giả nước ngoài; đáp ứng nhu cầu của nhân dân thông qua phát hành, phổ biến phim. Điều này đã được thể hiện ở Luật Điện ảnh (sửa đổi), vấn đề là các chính sách sử dụng nguồn lực của Nhà nước ở sản xuất phim nên mở rộng đề tài, không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, mà còn cả đề tài giải trí.

"Cần chọn lọc để có được kịch bản vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa đáp ứng yêu cầu về tính dân tộc, hiện đại, nhân văn, như thế mới có những bộ phim thành công. Nếu cứng nhắc ở đề tài thì lại như thời gian trước, nhiều phim làm xong "bỏ kho", không xem được, rất lãng phí", ông Đỗ Duy Anh nói.

Đầu tư hiệu quả

Nhiều năm qua, phần lớn các bộ phim được Nhà nước đầu tư đều trong tình trạng đắp chiếu, thất thu tại phòng vé. Những bộ phim âm thầm sản xuất, rồi âm thầm ra rạp mà không có hiệu ứng nào từ truyền thông, xã hội. Thực tế tính đến thời điểm này, chỉ có phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do Victor Vũ đạo diễn, là phim Nhà nước đặt hàng thắng doanh thu (hơn 80 tỷ đồng). Vì thế, đổi mới cơ chế đặt hàng, tài trợ phim bằng ngân sách nhà nước là yêu cầu cần thiết.

Đặt trong mối tương quan so sánh giữa Việt Nam và Đan Mạch, Trưởng ban Quốc tế, Viện Phim Đan Mạch (DFI) Jacob Neiiendam chia sẻ, Đan Mạch không thể có ngành công nghiệp điện ảnh nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bởi lẽ, đây là quốc gia có dân số ít (khoảng 6 triệu người), muốn phát triển ngành công nghiệp điện ảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, chính sách phát triển điện ảnh của Đan Mạch được thể hiện không chỉ ở tài trợ ngân sách trực tiếp, mà còn thông qua chính sách phát triển dịch vụ công cho sản xuất phim. Chẳng hạn, hỗ trợ các cơ sở như viện phim, trung tâm chiếu phim, thúc đẩy hợp tác quốc tế, triển lãm về điện ảnh, hỗ trợ đưa phim ra quốc tế, thương lượng với các nhà phân phối để phim được chiếu ở rạp trong thời gian dài...

Nhìn nhận về chính sách hỗ trợ 100% kinh phí sản xuất phim của Việt Nam, ông Jacob Neiiendam thẳng thắn chỉ ra đó không phải cách làm hay, vì thực tế trong điện ảnh, câu chuyện kinh phí không phải là tất cả. Như Chính phủ Đan Mạch không tài trợ tất cả kinh phí mà muốn bảo đảm rằng tiền sản xuất phim phải hiệu quả, chuyên nghiệp, và nghệ sĩ có cơ hội sản xuất ra bộ phim tốt.

"Rất khó để khái quát hóa. Sẽ tốt hơn nếu chủ đích và ý tưởng sáng tạo của nhà làm phim được thể hiện, vì thực tế có nhiều nhà tài trợ thậm chí đã thay đổi hoàn toàn ý tưởng ban đầu của phim. Nhà làm phim có thể nhận một phần kinh phí tài trợ của Nhà nước, và cùng với đó là hợp tác với các đơn vị tài trợ khác. Bởi lẽ, hỗ trợ là tạo cơ hội cho người làm phim được sáng tạo. Phim ảnh cũng như một đứa trẻ, tất cả những gì cần làm là hỗ trợ, nuôi dưỡng để đứa trẻ đó phát triển. Hỗ trợ cho nền công nghiệp điện ảnh; bởi vậy không chỉ là chi tiền mà còn phải bảo đảm ngành công nghiệp đó được nuôi dưỡng, phát triển", ông Jacob Neiiendam nói.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/kinh-phi-khong-phai-la-tat-ca-i319093/