Kinh Môn vào mùa sơ chế hành tỏi

Khi những thửa ruộng trồng hành, tỏi nhường chỗ cho cây lúa bén rễ, những vạt rau mơn mởn cũng là lúc người dân trên địa bàn thị xã Kinh Môn (Hải Dương) bắt đầu sơ chế hành, tỏi để bảo quản.

Người dân phường Phạm Thái sơ chế hành, tỏi

Mỗi góc sân, mỗi đoạn đường trong các thôn, khu dân cư đều được tận dụng làm chỗ để sơ chế hành, tỏi. Khi những túm hành đủ khô, người dân cắt rễ, loại bỏ bớt vỏ bên ngoài, buộc thành túm chắc chắn, sạch sẽ để cẩn thận trên giàn. Hành được bó theo cách truyền thống, có trọng lượng từ 4 - 8 kg. Từng chùm củ chắc nịch, vàng au đẹp mắt.

90% số lượng hành, tỏi được người dân phơi nắng hoặc sấy khô, bảo quản và bán dần trong năm, bởi thời điểm thu hoạch hành, tỏi dễ bị tư thương ép giá, bán rẻ, lợi nhuận không cao. Mặt khác, hành, tỏi được trồng tại đây thường đủ ngày (115-120 ngày) nên củ chắc mẩy, có thể để được từ 6 - 8 tháng trong môi trường tự nhiên.

Việc sơ chế hành, tỏi tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn. Bà Nguyễn Thị Đan ở phường Phạm Thái cho biết thời điểm này, hành, tỏi khô chưa nhặt sạch có giá 22.000 đồng/kg. Qua sơ chế (cắt rễ, loại bỏ vỏ già, bó chặt chẽ) bán được 32.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày người dân có thu nhập từ 150 - 200.000 đồng từ việc nhặt hành, tỏi.

Anh Nguyễn Văn Hiệp ở xã Thượng Quận cho biết: "Tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca lao động, tôi có thể phụ giúp gia đình nhặt hành. Công việc nhẹ nhàng, đơn giản, tạo thêm thu nhập. Những giàn hành, tỏi khô qua công đoạn sơ chế như khoác lên mình bộ áo tươi mới".

Đưa hành lên giàn bảo quản

Việc sơ chế hành tỏi tuy đơn giản nhưng mất nhiều thời gian, bởi tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Từng củ hành, củ tỏi qua tay người dân sẽ thêm sạch sẽ, óng ả, tươi mới. Việc buộc hành, tỏi thành túm cũng đòi hỏi kinh nghiệm, tỉ mỉ, phải quen tay mới làm được.

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết: "Việc sơ chế hành, tỏi đã tạo việc làm thường xuyên cho người dân lúc nông nhàn, phù hợp nhiều lứa tuổi. Thị xã áp dụng mô hình bảo quản hành, tỏi từ rơm, lá chuối khô, giúp củ không bị sâu bệnh xâm lấn và để được lâu".

Sản phẩm hành khô của thị xã thường có đặc điểm củ đôi, màu vàng sáng, để lâu sẽ chuyển sang màu đậm hơn. Tỏi củ màu trắng, to, chắc mẩy. Bảo quản hành, tỏi khô trong môi trường tự nhiên giúp củ hành, củ tỏi tăng thêm gia vị cay nồng, ngon hơn khi chế biến các món ăn.

BẢO THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/kinh-mon-vao-mua-so-che-hanh-toi-377395.html