Kimi no nawa – Câu chuyện về phép màu và tình yêu

Chỉ thêm một chút nữa rồi thì chỉ thêm một chút nữa thôi bởi vì chỉ cần thêm một chút nữa.

Một chút là không gian hay thời gian hay chỉ đơn giản là từ chỉ số lượng nhiều ít? Bạn có quyết định được không khi đôi lúc mọi sự trên cuộc đời này cũng đều có lúc cũng đi chệch quỹ đạo và điều kì diệu nào đó xảy ra và rồi bất cứ định nghĩa hay sự quyết định đúng sai nào cũng không còn giá trị nữa. Và khi đó, phép màu là có thực và tình yêu cũng là có thực.

Một chút đến bao giờ thì đủ? Một chút có đủ để cái khoảng cách nhỏ bé ấy xích lại và chạm mặt nhau không hay cuối cùng chỉ còn lại một chút buồn bã trong nỗi thất vọng vì không thể với tới được nhau?

Kimi no na wa – Tên của em là gì? – Câu chuyện được nhào nặn dưới bàn tay của vị đạo diễn đã từng rất thành công với 5cm/sThe Garden of Words, Makoto Shinkai, với nhiều màu sắc huyền bí cùng những cảm xúc trải dài theo mọi cung bậc, đem đến cho người xem một khoảng lặng trong tâm hồn về những sự kì diệu của phép màu và tình yêu.

Đôi lúc cái tên chỉ là một đại từ nhân xưng, chỉ là một cách để con người gọi và chỉ danh nhau và trong tình yêu, cái tên còn có sức mạnh vượt trội hơn thế. Cái tên đối với Kimi no na wa là một kỉ vật, là thứ kỉ vật mà người ta chỉ có thể giữ trong lòng bàn tay để rồi một lúc nào nó tuột đi mất mà chẳng đọng lại được gì. Cái tên còn là hiện thân của những nỗi bức bối, những nhen nhóm trong lòng của hai nhân vật chính, Mistuha và Taki khi họ luôn đau đau kiếm tìm một điều gì đó dường như đã bị ai đó xóa mờ đi, để lại một khoảng trống lớn không có lời hồi đáp. Cái tên còn là điều đầu tiên mà Mistuha muốn nói ra để nhắc nhở Taki khi chỉ sợi dây đỏ kịp bung ra và bắt đầu kết nối hai số phận. Để rồi câu chuyện bắt đầu từ đây.

Mistuha là một cô nữ sinh trung học sống ở miền quê, nơi mà cuộc sống của cô chỉ có bà, em gái cùng những người bạn, cuộc sống yên bình với cây cối và những câu chuyện cổ huyền bí mà bà cô luôn kể dưới mái thần điện Shinto. Nhưng Mistuha lại không yên lòng với điều đó, những khao khát của cô nữ sinh mới lớn luôn hướng tới Tokyo, nơi thành phố ồn ã với những quán café đầy hấp dẫn cùng những nhà hàng sang trọng mở ra cánh cửa cho đám trẻ làm thêm. Đáp ứng những nỗi lòng đó, điều huyền bí nơi thần điện Shinto đã đem cô đến với thân xác của Taki, một cậu trai thành phố cùng trang lứa. Mỗi sáng đều café với bạn bè, có một việc làm thêm tại nhà hàng Ý và hàng tá những câu chuyện hay ho khác trong cuộc sống của Taki hoàn toàn hấp dẫn Mistuha. Họ bắt đầu hòa mình vào cuộc sống của nhau, đặt ra những quy tắc cho nhau và thử làm những điều mới lạ ở những nơi mà mình chưa từng đặt chân tới. Liệu đó có phải là những giấc mơ hay phép màu là có thực và thần Musubi thực sự đã nghe được lời nguyện ước của Mistuha hay không?

Musubi là một vị thần bảo hộ, Musubi còn mang nhiều hàm ý sâu sa hơn thế nữa.

“Bện sợi dây lại là Musubi

Mối liên kết giữa người với người là Musubi

Dòng chảy của thời gian cũng là Musubi

Những điều đó chính là phép màu của thần linh

Và dây bện mà chúng ta tạo ra là nghệ thuật của thần linh và cũng là hiện thân cho sự trôi đi của thời gian….

Nó là Musubi – Nó là thời gian.”

Nếu con người tồn tại trên cuộc sống này là vì một lý do gì đó thì ngay cả sự hiện hữu ấy cũng đã là phép màu rồi. Cho dù là duy tâm hay duy vật thì liệu có ai phủ nhận được những mối liên kết và một khía cạnh nào đó, có ai giải thích được sự trùng hợp? Tại một thời điểm này trong hiện tại cũng sẽ trùng lặp với thời điểm ấy trong quá khứ. Và liệu chúng ta có tin vào thế giới song song, mặc kệ những thuyết tuyệt đối về không gian và thời gian, thì hai người ở hai thời điểm khác nhau, cùng một vị trí cũng có thể cảm nhận được sự tồn tại của nhau? Với hình ảnh đó, dường như cách dẫn dắt của Makoto Shinkai càng nhấn mạnh hơn về sức mạnh của tình yêu, rằng là tình yêu là một điều kì diệu, là phép màu, là ánh sáng của niềm tin và hy vọng, có sức công phá mạnh đến nỗi có thể phá vỡ rào cản của không gian và thời gian.

Kimi no na wa không phải là một câu chuyện buồn, nhưng lại làm cho người ta buồn đến trăn trở. Mạch phim diễn biến logic đến rùng mình và tạm đến thời điểm này, chưa có gì để chê bộ phim mới này của Makoto Shinkai. Tuy nhiên, cái sự thay đổi cảm xúc người xem đến viên mãn ấy thì thật đáng trách, đáng trách theo một chiều hướng khâm phục. Từ việc người xem bật cười với những tình tiết trong sáng, ngây thơ của tình cảm rung động học trò, cho đến ngỡ ngàng nhận ra sự thảm khốc từ vụ thảm họa 3 năm trước tại thị trấn Itomori và những pha gấp gáp gay cấn cứu vãn quá khứ, cuối cùng lại chìm xuống trong sự lênh đênh của dòng đời thiếu thốn một thứ gì đó không thể gọi tên để rồi đoạn chót cuối con đường là phút chạm mặt mà người xem mong đợi nhất.

Những tưởng rằng hai người họ sẽ bước qua nhau mà không thể lấp đầy khoảng trống của những câu hỏi “Tôi luôn tìm kiếm ai đó. Người mà tôi không thể nhớ tên…..Tên của em là gì? Tên người ấy là gì?” nhưng may mắn thay Makoto Shinkai đã không tàn nhẫn đến thế. Mỗi người trên cuộc đời này sống cuộc sống của mình, nhưng đâu đó, bất kể không gian và thời gian luôn tồn tại một nửa của họ và con người là loài cố chấp, họ luôn tìm kiếm, tìm kiếm không ngừng. Dường như tình yêu luôn mặc định là phải làm lu mờ lý trí của con người, khiến họ luôn nghe theo tiếng gọi của con tim trước khi lý trí kịp quyết định, để một cô gái như Mistuha sẵn sàng lên Tokyo tìm kiếm Taki của 3 năm trước khi cậu chưa kịp quen biết cô và nhận một nỗi thất vọng; để một chàng trai như Taki của 3 năm sau lặn lội đi khắp mọi nơi, tìm kiếm Itomori, tìm kiếm Mistuha đã chìm trong đám tro tàn của 3 năm trước. Họ cứ tìm kiếm không ngừng và điều đó đã tạo nên kì tích khi ngày sao chổi bay ngang qua bầu trời, ngày mà họ chạm mặt nhau nơi đền thờ của nhà Miyamizu, ánh chiều chạng vạng che đi sự hiện diện của mặt trời, hai người, cùng một thời điểm, cùng một vị trí nhưng lại là thế giới của 3 năm trước và thế giới của 3 năm sau hội ngộ. Họ, lần đầu tiên gặp mặt nhau, chỉ kịp nói vài lời chia sẻ mà chưa kịp lưu lại tên nhau, cuối cùng còn lại cũng chỉ là một chút gì đó đau đáu, một chút gì đó chơi vơi lơ lửng khi biết rằng mình đang cố nhớ điều gì đó mà đã lỡ quên mất rồi.

Chỉ một chút nữa thôi, một chút nữa thôi là tới đích. Một chút có thể chỉ là một lời nói bắt chuyện để cả hai không cứ thể mà bước ngang qua nhau để rồi phải hối tiếc. Một chút là bỏ đi hết những quy luật để bước đến gần nhau hơn, không có những rào cản của sự vô lý và ngại ngùng. Một chút là không gian hay thời gian hay chỉ đơn giản là từ chỉ số lượng nhiều ít? Bạn có quyết định được không khi đôi lúc mọi sự trên cuộc đời này cũng đều có lúc cũng đi chệch quỹ đạo và điều kì diệu nào đó xảy ra và rồi bất cứ định nghĩa hay sự quyết định đúng sai nào cũng không còn giá trị nữa. Và khi đó, phép màu là có thực và tình yêu cũng là có thực.

NTM

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/kimi-no-nawa-%e2%80%93-cau-chuyen-ve-phep-mau-va-tinh-yeu