Kim Sơn: Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Là địa phương ven biển, huyện Kim Sơn chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Để hiểu rõ hơn về phương hướng và những giải pháp mà địa phương này đã và sẽ triển khai để ứng phó, thích nghi với BĐKH, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Tống Khánh Hải, Phó phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Kim Sơn.

Công trình Âu Kim Đài (Kim Sơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Huy

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết vài nét về những tác động gần đây của biến đổi khí hậu tới huyện Kim Sơn cũng như xu hướng tác động biến đổi khí hậu đó như thế nào trong tương lai?

Ông Tống Khánh Hải: Với chiều dài 18 km bờ biển, Kim Sơn không tránh khỏi việc phải hứng chịu những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai gây ra do BĐKH và nước biển dâng. Thực tế, trong những năm gần đây, trên địa bàn thường xuyên chịu tác động của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại lớn về tài sản, mùa màng.

Nhiệt độ trung bình trên địa bàn huyện có xu hướng tăng dần qua các năm, mùa hè xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Lượng mưa không rải đều, nhiều thời điểm mưa dồn dập gây khó khăn cho thoát nước, tăng diện tích ngập lụt, tăng xói lở bờ biển, đe dọa phá hủy, giảm tuổi thọ của các công trình giao thông, thủy lợi, bến cảng, nhà máy... Ngược lại, trong giai đoạn hiện tại, cấp độ hạn hán lại tăng 0,2-0,4 lần so với giai đoạn 1961-2010.

Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và sâu hơn so với trước kia, theo kết quả nghiên cứu đánh giá xâm nhập mặn trên sông Đáy thì ranh mặn 1‰ đang tăng dần theo thời gian, dự báo đến năm 2050, ranh mặn có thể vào sâu trong đất liền 26,4 km (tăng 2,3 km so với giai đoạn nền). Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt. Ngoài ra, mực nước biển dâng cao, nhiệt độ nước biển tăng cũng tác động rõ rệt đến các hệ sinh thái ven biển.

Tác động của BĐKH trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp khắc phục, nguồn đầu tư, sử dụng tài nguyên hợp lý, bền vững và ý thức của con người. Nếu không được quan tâm đúng mức thì tới đây, tác động của BĐKH đến con người cũng như thiên nhiên sẽ vô cùng nghiêm trọng. Chúng ta sẽ phải đón nhận những hiện tượng thời tiết khốc liệt hơn nữa. Nước biển dâng cao cũng làm mất đi lượng lớn diện tích đất ven biển.

PV: Thời gian qua huyện Kim Sơn đã có những giải pháp gì đêử́ng phó với BĐKH, đặc biệt, sau 10 năm triển khai nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" đã tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH của Kim Sơn như thế nào?

Ông Tống Khánh Hải: Nhiều năm qua, huyện Kim Sơn đã tích cực triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của Tỉnh trong việc chủ động ứng phó, thích ứng với BĐKH, đặc biệt là Nghị quyết 24-NQ/ TW về "Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

Cụ thể: Thực hiện bảo vệ, đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, góp phần chắn sóng, bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai, đến nay, toàn huyện có hơn 700 ha rừng ngập mặn. Kim Sơn cũng đã chủ động di rời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng có nguy cơ bị tác động của bão, lũ, sạt lở. Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất để thích ứng với BĐKH. Trong năm 2022, các xã, thị trấn trong toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi 52 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

Hàng năm, huyện đều chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, trọng tâm là vùng ven biển và các hệ thống sông Đáy, sông Vạc, chủ động xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhận dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, Kim Sơn đã thay đổi chiến lược để có tầm nhìn bao quát hơn trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xem xét tổng thể và lường trước những tác động của BĐKH tới các hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, tích cực phát huy thế mạnh nội lực tại địa phương, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, cũng như rộng mở chào đón các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong phát triển kinh tế, thích ứng với BĐKH.

Hiện nay, trên địa bàn đang thụ hưởng 8 dự án, công trình phục vụ việc ứng phó với BĐKH, với tổng kinh phí 4.202 tỷ đồng. Cụ thể là: Dự án Đường ra trạm kiểm soát Biên phòng Cồn Nổi, Dự án xây dựng tuyến đê Bình Minh 4, Dự án nâng cấp tuyến đê Bình Minh 2, Dự án hàn khẩu đê Bình Minh 3, Dự án Kè Cồn Nổi, Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện (Đường Nam sông Ân), Dự án xây dựng âu Kim Đài phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt và ứng phó với tác động nước biển dâng, Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm.

Đến nay, một số công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực, giúp địa phương nâng cao năng lực phòng chống bão, lũ; bảo vệ đất đai, chủ động trong điều tiết nguồn nước, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất, ứng phó với BĐKH.

PV: Trước diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH, tới đây, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện những giải pháp trọng tâm gì để ứng phó?

Ông Tống Khánh Hải: Thời gian tới, phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho huyện triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh các chương trình, dự án chống BĐKH đã ký kết hoặc đã phân vốn để sớm phát huy hiệu quả. Truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về BĐKH, xây dựng cộng đồng an toàn, chủ động phòng chống thiên tai. Thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh, mùa vụ sản xuất, sử dụng giống chống chịu theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH. Lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, nghề và các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đa dạng hóa các nguồn lực cho công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trước tác động của BĐKH.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Lựu (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-son-tang-cuong-nang-luc-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/d20230915080958541.htm