Kiên quyết xử lý các vụ việc lấn chiếm rừng, khu bảo tồn biển tại Phú Quốc

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang - Lê Quốc Anh cho rằng, hiện Phú Quốc là địa bàn thu hút rất nhiều dự án đầu tư với hơn 360 dự án và trên 250 phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Với khối lượng công việc nhiều và tốc độ phát triển quá nhanh của Phú Quốc nên trong công tác quản lý vẫn còn xảy ra những hạn chế, tồn tại cần phải được khắc phục.

Chiều 18-8, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo thông tin về vụ việc lấn chiếm rừng, khu bảo tồn biển, xử lý rác thải, ô nhiễm sông Dương Đông tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang).

XỬ LÝ NHIỀU VỤ VIỆC VỀ ĐẤT ĐAI, LÂM NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Theo báo cáo của tổ công tác đặc biệt theo Quyết định số 1397/QĐ-UBND, ngày 7-6-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc (gọi tắt Tổ công tác đặc biệt), sau hơn 2 tháng hoạt động đã thu hồi 139,44ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị chiếm sử dụng trái pháp luật, trong đó đất Nhà nước quản lý 20,39ha; đất quy hoạch lâm nghiệp 65,36ha; đất rừng phòng hộ 11,88ha và đất rừng đặc dụng 41,81ha.

Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm TP. Phú Quốc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp 165 vụ, số tiền phạt 1,438 tỷ đồng và buộc khắc phục hậu quả trên diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm 50,4ha. Tổ công tác đặc biệt đã khảo sát các xã Hàm Ninh, Dương Tơ và Cửa Dương, qua đó phát hiện có 47 vụ vi phạm, diện tích đất bị tác động 29,36ha. Đồng thời, tiếp nhận đề nghị xử lý của Vườn Quốc gia Phú Quốc 15 vụ phá rừng, chiếm 9,58ha đất rừng; điều tra, xử lý vi phạm 11 vụ trọng điểm có dấu hiệu hình sự, tội hủy hoại rừng.

Lực lượng chức năng của tỉnh Kiên Giang và TP. Phú Quốc kiểm tra vụ việc xây dựng trái phép ở khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Trả lời tại buổi họp báo, đồng chí Huỳnh Quang Hưng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc khẳng định Phú Quốc không có sự buông lỏng trong quản lý về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố. Từ năm 2018 đến nay, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phú Quốc đã tổ chức 646 cuộc cưỡng chế xây dựng trái phép, lấn chiếm đất nhà nước quản lý, lấn chiếm đất rừng, quyết định thu hồi đất...

“Thời gian qua, có 21 cán bộ, lãnh đạo bị xử lý về mặt Đảng, kể cả xử lý hình sự”, đồng chí Hưng cho biết thêm. Tuy nhiên, theo đồng chí Hưng, với khối lượng công việc rất lớn, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn nên trong công tác quản lý từng lúc, từng nơi vẫn chưa được kiểm tra, xử lý triệt để, kịp thời.

ĐÌNH CHỈ DỊCH VỤ LẶN BIỂN TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN PHÚ QUỐC

Bên cạnh đó, tổ công tác đặc biệt cũng đã kiểm tra, xử lý hành vi xây dựng công trình trái phép xâm hại trong khu bảo tồn biển Phú Quốc tại 2 khu vực quần đảo nam An Thới và ven biển xã Hàm Ninh. Cụ thể, tại khu vực Hòn Rỏi và Hòn Mây Rút Trong, đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động dịch vụ lặn biển thể thao giải trí với tổng diện tích thả phao khoảng 1,2ha trong phân khu dịch vụ hành chính - Khu bảo tồn biển Phú Quốc và buộc chủ doanh nghiệp cam kết tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu.

Về vấn đề này, đồng chí Trương Thanh Hào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Chúng tôi khẳng định sẽ không có vùng cấm. Khu bảo tồn biển sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt. Những công trình xây dựng nào nằm trong khu bảo tồn biển sẽ bị đập bỏ thậm chí là chuyển cho cơ quan công an khởi tố nếu đủ điều kiện”.

Đồng chí Huỳnh Quang Hưng (đứng) - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc (Kiên Giang) trả lời tại buổi họp báo, chiều 18-8.

Về vi phạm tại khu bảo tồn biển Phú Quốc, đồng chí Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì cuộc họp báo cam kết: “Trong tháng 9-2022, tỉnh Kiên Giang sẽ xử lý dứt điểm tất cả các công trình xây dựng trái phép tại khu bảo tồn biển Phú Quốc. Vừa qua lực lượng chức năng kiểm tra, các đơn vị thừa nhận sai và cam kết tháo dỡ. Nếu không tháo dỡ, chúng tôi quyết tâm cưỡng chế”.

QUYẾT TÂM XỬ LÝ VI PHẠM LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, LÂM NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trả lời các vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho rằng hiện Phú Quốc là địa bàn thu hút rất nhiều dự án đầu tư với hơn 360 dự án và trên 250 phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Với khối lượng công việc nhiều và tốc độ phát triển quá nhanh của Phú Quốc nên trong công tác quản lý vẫn còn xảy ra những hạn chế, tồn tại cần phải được khắc phục.

“Về công tác quản lý rừng, thời gian tới, địa phương từng bước thực hiện truy tố các hành vi bao chiếm, lấn chiếm rừng để lấy lại đất rừng cho Phú Quốc. Chúng tôi rất mong cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng với tỉnh, với TP. Phú Quốc đòi lại rừng, giữ lại rừng cho Phú Quốc”, đồng chí Lê Quốc Anh nói.

Đồng chí Lê Quốc Anh (đứng) - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi họp báo, chiều 18-8.

Cũng theo đồng chí Lê Quốc Anh, mặc dù thời gian qua hoạt động của tổ công tác đặc biệt đạt nhiều kết quả nhưng cũng gặp nhiều khó khăn như các đối tượng tội phạm có bảo kê, thực hiện các hành vi đe dọa, đứng sau có cả luật sư tư vấn... “Tôi khẳng định hoạt động của tổ công tác đặc biệt bước đầu mang lại hiệu quả và sẽ duy trì đến khi nào tình hình trật tự trên lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP. Phú Quốc ổn định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết tâm.

Kết luận tại buổi họp báo, đồng chí Lê Quốc Anh cho biết tới đây, tỉnh Kiên Giang quyết tâm lập lại trật tự trên lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng để Phú Quốc phát triển bền vững và mong muốn cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của TP. Phú Quốc thời gian tới.

QUỐC TRINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//thoi-su/kien-quyet-xu-ly-cac-vu-viec-lan-chiem-rung-khu-bao-ton-bien-tai-phu-quoc-9472.html