Kiên quyết hơn trong xử lý sim 'rác', tin nhắn 'rác'

Vừa qua, các nhà cung cấp dịch vụ mạng đã thu hồi gần 11 triệu thuê bao di động do kích hoạt sẵn sai quy định. Thực tế này cho thấy quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn sim 'rác', tin nhắn 'rác' tồn tại từ nhiều năm nay.

Bình luận - Phê phán

Phải nói rằng, quảng cáo, lừa đảo, quấy rối, đe dọa, xâm hại, đánh cắp dữ liệu của cá nhân,… bằng cách nhắn tin, thực hiện cuộc gọi ngoài ý muốn của người sử dụng điện thoại qua sim “rác” đã trở thành hành vi gây bức xúc dư luận xã hội trong các năm gần đây. Dù đã bị báo chí và người tiêu dùng phản đối, coi đó là “khủng bố tinh thần”, nhưng tin nhắn “rác” vẫn lan tràn. Sau nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT và TT) vào cuộc quyết liệt, được sự phối hợp tích cực của VinaPhone, MobiFone, Viettel, Vietnammobie, Gtel, đã đưa tới hy vọng vấn nạn trên sớm được giải quyết triệt để.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT và TT), trong sáu tháng đầu năm 2016, đã chặn 252 triệu tin nhắn rác, khóa hơn 2 triệu thuê bao. Như vậy, lượng tin nhắn rác bị chặn đã tăng gần 300 lần (từ 0,96 triệu tin lên tới 25 triệu tin), số thuê bao bị khóa tăng hai lần (từ 1 triệu lên 2 triệu). Sau khi Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, ngay tháng đầu, Bộ TT và TT đã xử phạt 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số vì hành vi phát tán tin nhắn “rác”, với số tiền 735 triệu đồng. Bên cạnh quá trình rà soát, thu hồi 12 triệu sim “rác” trôi nổi trên thị trường, cơ quan chức năng đang yêu cầu các nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ những số điện thoại rao vặt sai quy định, số điện thoại phát tán tin nhắn “rác”, số điện thoại có liên hệ trong tin nhắn “rác”. Về các nhà mạng, ứng dụng Viettel-Antispam bắt đầu được Viettel sử dụng từ tháng 10-2015 và đã chặn thành công hơn 40 triệu tin nhắn “rác”, tương đương 439.000 tin nhắn bị chặn mỗi ngày, đồng nghĩa Viettel phải chấp nhận giảm hàng chục tỷ đồng doanh thu mỗi quý. Số lượng phản ánh của khách hàng về việc bị nhận tin nhắn “rác” cũng giảm mạnh, từ trung bình 131 phản ánh/ngày xuống còn 4 phản ánh/ngày…

Tuy nhiên, đó chỉ là một số kết quả bước đầu trong chiến dịch bài trừ nạn sim “rác”, tin nhắn “rác”, và còn quá sớm để tin rằng, các hoạt động trên sẽ đạt hiệu quả tích cực về lâu dài. Vì lẽ, đây không phải là lần đầu Bộ TT và TT yêu cầu các nhà mạng thu hồi sim kích hoạt sẵn sai quy định, thực tế, những con số đạt được trong quá khứ còn ấn tượng hơn hiện tại rất nhiều. Như năm 2013, có 12 triệu sim “rác” bị thu hồi, nhưng trong năm 2014, thuê bao di động tại Việt Nam lại tăng lên tới 140 triệu tài khoản. Sau khi Thông tư 82/CT-BTTTT về ngăn chặn tin nhắn “rác”, tin nhắn lừa đảo, tăng cường quản lý thông tin trên mạng có hiệu lực (năm 2015), số lượng thuê bao di động giảm còn 120 triệu tài khoản. Song, chỉ trong 3 quý của năm 2016, con số này lại lên đến 128,3 triệu thuê bao. Trước khi Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực, Bộ TT và TT đã xử phạt hàng chục doanh nghiệp phát tán tin nhắn “rác”, với số tiền hàng tỷ đồng. Tương tự, các nhà mạng cũng không hề xa lạ với câu chuyện xóa, chặn đầu số phát tán tin nhắn “rác”. Năm 2013, MobiFone khóa 18 đối tác cung cấp dịch vụ liên quan tin nhắn “rác”. Tại thời điểm đó, nhiều bài báo với nhan đề Hết thời sim rác; Sim rác, Sim số đẹp giá khủng… đã hết thời!; Sim rác hết thời hoàng kim; Hết thời kích cầu 3G bằng sim rác,… dự đoán về một thị trường dịch vụ mạng di động chất lượng, cạnh tranh lành mạnh.

Thực tế, dẫu thị trường sim số đã như bão hòa, các ứng dụng tin nhắn miễn phí cho các thiết bị di động đang lấn át dịch vụ truyền thống, thì sim “rác” vẫn có thể đem lại lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhà mạng, doanh nghiệp, đại lý nhỏ lẻ và một bộ phận người tiêu dùng. Ở đó, việc vi phạm các chính sách, quy định về cước, khuyến mãi và quản lý dịch vụ của các nhà mạng đã làm nên một lỗ hổng khổng lồ, tạo cơ hội để nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… trục lợi. Vì thế nhiều năm qua, từ các khe hở này, một số “nghề” mới xuất hiện tại Việt Nam như: nhắn tin “rác”; gọi điện thoại để tư vấn, chào hàng; cho thuê sim kích hoạt sẵn… Nguy hiểm hơn, một số doanh nghiệp, đại lý còn công khai rao bán thuê bao di động, tài khoản thư điện tử của khách hàng,… tiếp tay hoạt động tiêu cực trên để kiếm lời. Kết quả, danh tính cá nhân vốn là thông tin được luật pháp bảo vệ, bị các nhóm lợi ích này mua bán sôi nổi trên nhiều diễn đàn, website, nhóm kín trên Facebook. Hiện tượng đó không chỉ gây phiền nhiễu cho người sử dụng điện thoại di động, mà còn đe dọa an ninh cá nhân và xã hội. Không ít người đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò sau những cuộc gọi, tin nhắn nặc danh,… và nhiều khi cơ quan chức năng cũng phải bó tay với việc truy lùng chủ nhân sim “rác”, vì đó là công việc vô cùng phức tạp, nhất là trong bối cảnh dù thuê bao sai quy định, vẫn được cung cấp dịch vụ một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, công nghệ 4G bắt đầu triển khai tại Việt Nam thay thế mạng 3G, khiến nhiều người không khỏi quan ngại về một lịch sử lặp lại. Trong quá khứ, để kích cầu người tiêu dùng chuyển sang mạng 3G, các nhà mạng đã phát hành một lượng sim “rác” khổng lồ, tác động vào tâm lý ham rẻ của một bộ phận người tiêu dùng, dẫn đến hệ quả là số lượng thuê bao trả trước tăng chóng mặt.

Không chỉ tại Việt Nam, mà trên thế giới, tin nhắn điện thoại “rác” cũng là một vấn nạn. Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đều thống nhất coi hành vi này là vi phạm pháp luật. Tại Mỹ và Australia (Ô-xtrây-li-a) chủ nhân của tin nhắn “rác” phải chịu án phạt tương đối nặng, vì phải trả cho mỗi nạn nhân nhận tin nhắn rác số tiền trung bình 150 USD, con số này tiếp tục tăng lũy tiến, nếu đối tượng tái phạm hành vi trên. Thậm chí, từ ngày 20-10-2010, Ủy ban thương mại Liên bang Hoa Kỳ còn đưa Voice Spam (các cuộc gọi “rác” trong đó phần lớn là gọi tự động) vào danh mục hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù, nhiều doanh nghiệp, nghiệp đoàn tại các quốc gia này đã và đang kiến nghị việc hợp thức hóa tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo, tuy nhiên đến nay vẫn bị bác bỏ.

Nhiều năm qua, Trung Quốc và một số quốc gia áp dụng chính sách giới hạn tin nhắn trên điện thoại di động. Một vài nước trong khu vực Đông - Nam Á, như Singapore (Xin-ga-po), lại chọn giải pháp giới hạn thuê bao cá nhân, mỗi người sử dụng điện thoại di động chỉ được sử dụng tối đa 10 đầu số liên lạc; các quốc gia khác thì thành lập tổng đài chặn số tự động... Các biện pháp này ít nhiều đã được thử nghiệm tại Việt Nam trong thời gian qua và đạt hiệu suất đáng kể. Trong đó có thể nhắc tới Tổng đài 456 của Bộ TT và TT do Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) quản lý, vận hành.

Để giải quyết thuê bao và tin nhắn “rác”, bên cạnh việc phải trình báo giấy tờ tùy thân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu khi làm sim mới, các nhà mạng hàng đầu thế giới cũng có chính sách riêng. Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, các nhà mạng lớn như Verizon, AT&T, Docomo, Softbank có chính sách ưu tiên các thuê bao trả sau, nhằm khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ một cách lâu dài, ổn định. Các hãng này cũng liên kết chặt chẽ với hãng điện thoại lớn như Apple, Samsung... để phân phối các dòng sản phẩm mới, với giá cạnh tranh so với phiên bản quốc tế. Ngược lại, người dùng chỉ có thể sử dụng sim do các nhà mạng này phân phối, thay vì mua sim và kích hoạt bừa bãi. Sim “rác” (không cần phải kê khai thông tin cá nhân) vẫn được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị của Hoa Kỳ, tuy nhiên giá rất cao so với sim đăng ký, nhưng chất lượng, tiện ích bị giới hạn, và thường chỉ đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong thời gian nhất định. Các nhà mạng ở Nhật Bản như Softbank và Docomo có chính sách khuyến khích người dùng mua các mẫu điện thoại gắn sim của họ; thậm chí trên thị trường Nhật Bản bán nhiều dòng sản phẩm điện thoại như Iphone, Samsung, LG chỉ có phiên bản các nhà mạng thay vì phiên bản quốc tế. Bên cạnh đó, việc mua sim mới ở Nhật Bản cũng hết sức khó khăn. Thí dụ, Softbank yêu cầu người dùng phải mang theo điện thoại của hãng khi muốn thay đổi số liên lạc hiện tại…

Tại Việt Nam hiện nay, các nhà mạng chủ yếu quan tâm mở rộng mạng lưới phủ sóng, từ đó dành sự ưu ái tới dịch vụ di động trả trước thay vì hướng tới thị phần người dùng trả sau ổn định như tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đó chính là nguồn gốc của tình trạng lạm phát thuê bao di động như hiện nay. Bên cạnh đó, một người dùng điện thoại di động ở Việt Nam có thể dễ dàng sở hữu tới 15 đầu số. Bởi vậy, vấn nạn sim “rác” và tin nhắn “rác” xem ra không thể giải quyết một sớm một chiều. Trong cuộc trao đổi mới đây trên cổng thông tin mic.gov.vn, Bộ trưởng TT và TT Trương Minh Tuấn đã thể hiện mong muốn các dịch vụ viễn thông sẽ không mang đến cho người sử dụng những phiền phức, thay vào đó, dịch vụ sẽ ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của người dân. Hy vọng, từ trách nhiệm với người tiêu dùng và từ các động thái tích cực gần đây của các cơ quan chức năng, vấn nạn sim “rác”, tin nhắn “rác” sẽ sớm được dẹp bỏ.

VIỆT QUANG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31404802-kien-quyet-hon-trong-xu-ly-sim-%e2%80%9crac%e2%80%9d-tin-nhan-%e2%80%9crac%e2%80%9d.html