Kiến nghị người dân 4 phường sáp nhập khi làm lại giấy tờ không phải mất phí

Sáng 5/4, Thường trực HĐND quận Thanh Xuân tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường thuộc quận Thanh Xuân giai đoạn 2023 - 2025. Dự hội nghị có Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương.

Quang cảnh hội nghị

Quan tâm cán bộ, người dân sau sắp xếp

Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện UBND quận Thanh Xuân báo cáo kết quả thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn quận Thanh Xuân, các cử tri đã phát biểu ý kiến, kiến nghị.

Trong đó, cử tri Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Xuân Bắc cho biết, cử tri đồng tình, nhất trí cao với việc thực hiện việc sắp xếp phường Thanh Xuân Nam với Thanh Xuân Bắc. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua việc lấy ý kiến cử tri của phường, có 99,59% cử tri phường Thanh Xuân Bắc đồng thuận với chủ trương. Xét về khía cạnh lịch sử, trước đây 2 phường đã là một và trực thuộc quận Đống Đa, đến năm 1996 được tách ra và trực thuộc quận Thanh Xuân. Qua quá trình phát triển, đến nay để đảm bảo các quy định về dân số và diện tích, 2 phường lại được trở về là một, cử tri rất đồng thuận với chủ trương này để đảm bảo tinh gọn bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Cử tri Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Xuân Bắc mong muốn quận quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

“Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn Thường trực Quận ủy, lãnh đạo HĐND - UBND quận tiếp tục quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, để các cán bộ tiếp tục được gắn bó, cống hiến cho quận và phường trong thời gian tiếp theo” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Xuân Bắc đề xuất.

Ngoài ra, cử tri Nguyễn Thị Thu Hiền cũng kiến nghị UBND quận thông tin cho cử tri biết thêm về phương án thay đổi, điều chỉnh tên gọi các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn phường sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính để hệ thống chính trị khu dân cư, tổ dân phố sớm ổn định, đi vào cuộc sống.

Cử tri Trương Thị Nguyệt (phường Hạ Đình) và cử tri Võ Lệ Hằng (phường Kim Giang) nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri

Đồng quan điểm, cử tri Trương Thị Nguyệt (phường Hạ Đình) cho hay, việc sắp xếp, nhập 2 đơn vị hành chính phường Hạ Đình và phường Kim Giang thành 1 phường đạt chuẩn về diện tích, dân số theo quy định, cử tri phường Hạ Đình hoàn toàn nhất trí và đồng thuận cao. Tuy nhiên, xác định đây là việc khó, phức tạp, tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác, trong đó có cán bộ đang hoạt động chuyên trách và không chuyên trách tại các phường đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Cử tri mong nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền sớm có phương án sắp xếp để các cán bộ yên tâm công tác.

Trong khi đó, cử tri Võ Lệ Hằng (phường Kim Giang) nêu ý kiến, việc sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng, sau đó còn liên quan đến các vấn đề sau sắp xếp đơn vị hành chính như: sắp xếp bộ máy, tổ chức của các cơ quan, đơn vị và hệ thống chính trị khu dân cư trên địa bàn; thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp…

Thường trực HĐND quận Thanh Xuân tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường thuộc quận Thanh Xuân, giai đoạn 2023 - 2025

"Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phát sinh một số vấn đề như việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ cá nhân, tài sản của người dân (căn cước công dân, giấy khai sinh, nhà đất, hồ sơ lý lịch...). Cử tri quan tâm đến lộ trình thực hiện giải quyết chuyển đổi thông tin cá nhân cho người dân và kế hoạch thực hiện của các cấp có thẩm quyền để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống" - cử tri Võ Lệ Hằng kiến nghị.

Đảm bảo lợi ích các bên, tạo đồng thuận cao trong xã hội

Trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng nhấn mạnh, hướng dẫn của Trung ương và thành phố đều có lộ trình rõ ràng về việc sắp xếp, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ yên tâm công tác. Quận thống nhất chủ trương thực hiện các bước theo quy trình đối với cán bộ 4 phường, việc sắp xếp, luân chuyển đảm bảo công việc theo quy định của Nhà nước.

Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng, đối với việc điều chỉnh tên gọi các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, quận sẽ nghiên cứu, sắp xếp lại đảm bảo khoa học

“Liên quan thay đổi thông tin trên các giấy tờ cá nhân sau khi sắp xếp 4 phường, thành phố và quận đã có nghiên cứu, nắm bắt thông tin, có định hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân trong thời gian tới; kiến nghị khi người dân làm lại giấy tờ không phải mất phí. Đối với việc điều chỉnh tên gọi các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, quận cũng sẽ nghiên cứu, sắp xếp lại đảm bảo khoa học” - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định.

Phát biểu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, đối với những đề xuất, kiến nghị của cử tri, UBND quận, các phòng ban chuyên môn và UBND các phường cần nghiên cứu, giải quyết và trả lời công khai để cử tri hiểu rõ, đảm bảo những quyền lợi chính đáng của người dân, tạo điều kiện để người hiểu và đồng hành trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tạo điều kiện tối đa về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến phát biểu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri

Bên cạnh đó, UBND quận cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi địa chỉ, giấy tờ, con dấu nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

“Ngoài ra, phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức một cách khách quan, thận trọng, nhân văn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công tác. Đồng thời, linh hoạt vận dụng các chính sách của Trung ương và địa phương để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ sau khi sắp xếp, đảm bảo lợi ích các bên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội” - Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-dam-quyen-loi-can-bo-nguoi-dan-khi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh.html