Kiến nghị hỗ trợ 20 tỷ đồng khắc phục sạt lở đường nối Bình Phước - Lâm Đồng

Ngày 12-9, Đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh Bình Phước năm 2023.

Các thành viên Đoàn công tác kiểm tra thực địa tại khu vực cầu Suối Rạt, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú

Trong năm 2022, tỉnh Bình Phước chịu thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 17 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2023, con số này ước khoảng 19 tỷ đồng.

Sau khi xảy thiên tai, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục hậu quả, đồng thời hỗ trợ gần 4 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng. Hiện tỉnh có 62 hồ đập lớn nhỏ, thời gian xây dựng từ 15-20 năm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp nên chưa thể bố trí để sửa chữa đồng bộ.

Tuyến đường ĐT755B (hay còn gọi là đường Sao Bọng – Đăng Hà) dài 33,6km, là tuyến đường độc đạo kết nối tỉnh Lâm Đồng với Bình Phước, đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian vận chuyển nông sản từ Lâm Đồng đến các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, thời gian qua do mưa lớn kéo dài đã bị sạt lở nghiêm trọng và do khó khăn về kinh phí nên tỉnh mới khắc phục tạm thời.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân phát biểu tại buổi làm việc

Bình Phước kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục cấp phát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí cho tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng 15 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp với tổng kinh phí khoảng 138 tỷ đồng. Kiến nghị hỗ trợ nguồn kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương cho tỉnh đầu tư sửa chữa, khắc phục sự cố sạt lở tuyến đường Sao Bọng – Đăng Hà, với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Bình Phước cần xây dựng kịch bản sao cho phù hợp đặc thù của tỉnh trong phòng chống thiên tai, đồng thời rà soát phương án xử lý xảy ra các tình trạng sạt lở, ngập lụt cục bộ, lốc xoáy. Trên cơ sở các kịch bản, tỉnh có phương án diễn tập để tránh bị động, lúng túng khi có sự cố xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bình Phước thực hiện nghiêm phương án 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và 3 sẵn sàng (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương). Việc xử lý sự cố thiên tai phải ưu tiên người già, phụ nữ và trẻ em.

Riêng các đề xuất của tỉnh, các thành viên đoàn ghi nhận, tùy chuyên môn, lĩnh vực phụ trách sẽ tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ngày 2-9 tại tuyến đường độc đạo nối Bình Phước và Lâm Đồng

Trước đó, đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra thực địa một số công trình trên địa bàn huyện Đồng Phú.

Mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng cầu Suối Nhung xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú vào trung tuần tháng 8-2023

BÙI LIÊM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kien-nghi-ho-tro-20-ty-dong-khac-phuc-sat-lo-duong-noi-binh-phuoc-lam-dong-post705311.html