Kiến nghị có đãi ngộ riêng cho bác sĩ thuộc nhóm chuyên ngành tâm thần, pháp y

Nếu có hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí từ Nhà nước sẽ là nguồn động viên người học lựa chọn các chuyên ngành đang gặp khó như pháp y, tâm thần,… nhiều hơn.

Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định, Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học cho người học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước đối với chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Thông tin này đang nhận được ý kiến bày tỏ niềm vui của một số cơ sở đào tạo y dược trên cả nước.

Tuy nhiên, phải làm sao để giải quyết được tận gốc vấn đề để thu hút thêm nhiều bác sĩ cho những chuyên ngành này vẫn đang là điều băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo khối trường đào tạo ngành sức khỏe.

Trước vấn đề trên, chia sẻ quan điểm về vấn đề trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, nếu có sự hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí từ Nhà nước như vậy sẽ là nguồn động viên, khích lệ người học lựa chọn các chuyên ngành đang gặp khó khăn hiện nay như pháp y, tâm thần,… nhiều hơn.

Ảnh minh họa (Website Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh).

Bởi những chuyên ngành này đang là những chuyên ngành khó khăn nhất trong khối ngành sức khỏe do hầu như có rất ít người học tại các cơ sở đào tạo; tình trạng thiếu đội ngũ bác sĩ về pháp y, tâm thần đang diễn ra tại nhiều viện, bệnh viện, trung tâm pháp y.

Đặc biệt là lĩnh vực tâm thần hiện nay đang rất thiếu nguồn nhân lực phục vụ. Vừa qua, tại Hội thảo “Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần”, ông Lê Minh Sang, Chuyên viên y tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) đã đánh giá mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam vẫn còn thiếu. Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu (1,7).

Theo thầy Trần Diệp Tuấn, có thể thấy rằng, với thực trạng như vậy, hiện nay các bác sĩ tâm thần đều đang phải làm việc rất cực nhọc, căng thẳng nhưng chế độ đãi ngộ lại không khác gì so với những chuyên ngành khác, chưa tương xứng với sự vất vả, công sức của họ. Không chỉ ngành tâm thần mà chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc đối với hệ thống pháp y của nước ta hiện nay cũng rất yếu. Vậy nên, rất ít người học chọn theo những chuyên ngành như vậy.

Chính sự khó thu hút người học ấy đã vô tình tạo thành một vòng luẩn quẩn, bởi càng ít người chọn học sẽ càng ít người có học vị, học hàm cao. Và tất nhiên, khi có ít người có học vị, học hàm cao, không có tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư sẽ không có người đầu ngành sẽ dẫn tới hậu quả ngày càng ít có chỉ tiêu đào tạo nên không phát triển được chuyên ngành. Dần dần, những chuyên ngành khó khăn như vậy sẽ đứng trước nguy cơ càng ngày càng “teo tóp” lại.

Vậy nên, không phải cứ hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí là đủ sức thu hút người học mà rất cần phải chú tâm đến chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc của các bác sĩ tâm thần, pháp y hiện nay.

Khi cân nhắc về chuyên ngành y mà bản thân sẽ lựa chọn, người học sẽ nhìn vào tương lai nếu chọn chuyên ngành đó sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp ra sao, mức thu nhập có đảm bảo hay không chứ không phải chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt là được miễn học phí, sinh hoạt phí.

Thực tế đã chỉ ra rằng, lương bác sĩ rất khó đủ để họ nuôi sống bản thân và gia đình, do đó, họ thường cố gắng làm thêm bên ngoài bằng chính sức lực, trí tuệ, năng lực của mình để tăng nguồn thu, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, những chuyên ngành về lĩnh vực pháp y thì hầu như khó có thể làm thêm bên ngoài được.

Chính vì vậy, thầy Trần Diệp Tuấn kiến nghị, cần phải có chế độ đãi ngộ riêng cho các bác sĩ thuộc nhóm chuyên ngành như tâm thần, pháp y, pháp y tâm thần,... Đối với công tác đào tạo, cần phải mở rộng cơ chế thoáng hơn, nhờ đó mới có thể đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ cho hệ thống y tế, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí chưa phải giải pháp triệt để

Về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, việc Nhà nước miễn học phí, sinh hoạt phí cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là điều rất tốt nhằm tăng sự thu hút người học lựa chọn nhưng chưa mang tính căn bản, giải quyết triệt để được thực trạng hiện nay.

Theo thầy Lê Ngọc Thành, từ xưa đến nay, ngay từ lúc học năm nhất, năm hai đại học đã có nhiều người học y rất thích chuyên ngành pháp y, hồi sức cấp cứu, tâm thần, tâm thần pháp y. Tuy nhiên, vào những năm học sau, khi tìm hiểu về mức thu nhập thậm chí còn không thể nuôi sống được bản thân, chính vì vậy, người học khi ra trường đã không lựa chọn những chuyên ngành trên dù rất đam mê.

Do đó, việc hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí sẽ chỉ thu hút được sự quan tâm của người học trong thời gian ban đầu, nếu không có chính sách tiền lương hợp lý, người học dù có năng lực, có đam mê cũng “ngại” chọn.

Bởi nhìn từ mặt bằng chung, đây là những chuyên ngành vất vả, gần như không thể làm tư được, mức phụ cấp chưa thu hút, nhiều bác sĩ vì phải lo mưu sinh nên cũng khó có thể chuyên tâm nghiên cứu hay tâm huyết với nghề. Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện của nước ta còn quá thiếu nhân lực về tâm thần, pháp y, bệnh nhiệt đới, hồi sức cấp cứu,…

Thầy Lê Ngọc Thành cho rằng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ tài chính cần đưa ra chính sách công khai về mặt tiền lương đối với tất cả chuyên ngành y tế cho các cơ sở giáo dục đang đào tạo khối sức khỏe. Trong đó, mức lương của những chuyên ngành pháp y, tâm thần, tâm thần pháp y hay hồi sức cấp cứu cần được đưa ra công khai cao hơn gấp 5-6 lần những chuyên ngành khác.

Có như vậy, đội ngũ bác sĩ của những chuyên ngành này mới có thể chuyên tâm nghiên cứu, tâm huyết, cống hiến nhiều hơn, đảm bảo cho việc khám bệnh, chữa bệnh, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kien-nghi-co-dai-ngo-rieng-cho-bac-si-thuoc-nhom-chuyen-nganh-tam-than-phap-y-post239635.gd