Kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ cấp cao: Chống chuyển dịch

ĐBQH Hà Nội cũng đề nghị giám sát chặt chẽ tài sản của vợ, chồng, con cái, người thân của các cán bộ cấp cao thuộc diện khê khai tài sản.

Khi cấp trên làm quyết liệt

Sáng 27/5, chia sẻ với báo chí, bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1000 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

Chủ thể của công việc kiểm tra, giám sát này là Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ủy ban kiểm tra Trung ương.

Chia sẻ với Đất Việt về vấn đề này, bà Trần Thị Quốc Khánh, ĐBQH Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoan nghênh chỉ đạo trên của Bộ Chính trị.

ĐBQH Hoàng Văn Cường kỳ vọng nhiều vào chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Theo bà Khánh, trước đây, chúng ta cũng tiến hành kiểm tra, giám sát việc khê khai tài sản của các cán bộ, công chức nhà nước. Tuy nhiên đối tượng khá rộng, chưa tập trung cụ thể vào các cán bộ cấp cao.

“Ở các quốc gia khác, nhà nước cũng tập trung vào các thành phần lãnh đạo cấp cao. Ở Việt Nam, trước kia đối tượng kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cũng hơi rộng rãi.

Giờ Bộ Chính trị chỉ tập trung vào cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Tôi nghĩ điều này rất tốt và có tác dụng phòng ngừa”, bà Khánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, ĐBQH Hà Nội khẳng định chỉ đạo trên của Bộ Chính trị là hết sức kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân hiện nay.

Theo ông Cường, thời gian vừa qua, báo chí liên tục phản ánh về việc nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao tại các tỉnh, thành phố sở hữu những khu đất vàng có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Việc tìm ra sự thật, giải đáp những thắc mắc của dư luận là điều cần thiết vào thời điểm này.

“Lựa chọn 1.000 cán bộ cấp cao theo tôi là hoàn toàn phù hợp. Nếu triển khai ồ ạt, chúng ta cũng không đủ khả năng để bao quát, để quản lý chặt chẽ được hết.

Khi Bộ Chính trị đã kiểm tra, giám sát kê khai tài sản nghiêm với 1.000 cán bộ cấp cao thì sức lan tỏa sẽ rộng rãi hơn. Cấp trên làm quyết liệt thì cấp dưới cũng phải thi hành nghiêm chỉnh việc này”, ông Cường nhấn mạnh.

Giám sát chặt chẽ tài sản người thân của cán bộ

ĐBQH Hoàng Văn Cường chia sẻ với băn khoăn của dư luận thời gian vừa qua khi việc kê khai, xác minh tài sản đã được quy định rõ ràng trong Luật phòng, chống tham nhũng nhưng kết quả thực tế không cao.

Theo ông Cường, để chỉ thị của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng từ người dân, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra khê khai tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao phải thực hiện nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao.

Bên cạnh đó, người dân, cộng đồng xã hội và các cơ quan ban ngành khác cũng cần phải thực hiện tốt chức năng giám sát của mình.

“Nếu như các cơ quan được giao nhiệm vụ, làm không nghiêm túc, thông báo kết quả không phát hiện sai phạm, tiêu cực mà dư luận phát hiện ra thì bản thân những người này sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cần phải huy động từ cả 2 phía tham gia việc kiểm tra kê khai tài sản”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, ĐBQH Hà Nội cũng đề nghị giám sát chặt chẽ tài sản của vợ, chồng, con cái, người thân của các cán bộ cấp cao thuộc diện khê khai tài sản để tránh tình trạng tài sản bị chuyển dịch.

“Đúng là chúng ta hiện nay còn khó khăn trong việc kiểm soát tài sản. Cán bộ có thể không đứng tên tài sản mà chuyển cho con, anh em họ hàng. Nhưng không phải vì chuyện đó mà chúng ta e ngại, bỏ qua không làm”, ông Cường nhấn mạnh.

Để kiểm soát tốt vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng trước hết, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát tài sản của các cán bộ cấp cao theo đúng các quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, đứng về mặt pháp luật, nhà nước cũng đang triển khai việc đăng ký tài sản, lớn nhất là bất động sản, nhà ở, đất đai. Nếu chúng ta làm tốt việc này thì không chỉ kiểm soát tốt tài sản của các cán bộ cấp cao, tạo ra sự công khai, minh bạch mà còn mang lại nguồn thu rất lớn về thuế cho nhà nước.

“Ngoài ra, tôi cho rằng về mặt pháp chế cũng phải thay đổi. Khi những tranh chấp xảy ra, viêc xử lý chỉ căn cứ trên những văn bản chính thức như giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu nhà, sử dụng đất chứ không chấp nhận các giấy tờ quan hệ khác.

Nếu chúng ta làm nghiêm việc này thì cũng sẽ hạn chế được tình trạng cán bộ nhờ họ hàng, người quen đứng tên”, ông Cường khẳng định.

Chọn người có bàn tay sắt, trong sạch

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội cũng ủng hộ việc kiểm tra, giám sát trên.

Theo ông Vân, việc này thể hiện quyết tâm của Đảng mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong thời gian qua. Nhiều vụ việc sau khi có ý kiến của Tổng bí thư đã được khẩn trương làm rõ, xử lý trước công luận.

Về chủ trương kiểm tra, giám sát tài sản của 1.000 quan chức, theo ông Vân muốn làm ra tấm ra món để nhân dân tin tưởng thì Đảng phải chọn được một đội ngũ tham mưu, thực hiện đủ mạnh bao gồm những người tinh túy, những người có bàn tay sắt và bàn tay ấy phải sạch.

“Tôi rất mong Tổng bí thư tiến hành việc này mạnh mẽ như Bác Hồ đã từng làm. Tôi nghĩ, việc trước hết là tạo ra không khí dân chủ, thẳng thắn trong nội bộ, từ trên xuống dưới, không để tình trạng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám phản đối”, tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Vân nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/kiem-tra-tai-san-1000-can-bo-cap-cao-chong-chuyen-dich-3336293/