Kiểm tra chuyên ngành: Khoảng cách từ thực tiễn đến mục tiêu

93% DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát (khảo sát mức độ hài lòng của DN năm 2016) cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành (KTCN) quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau nên rất khó khăn cho DN nắm bắt thông tin và tuân thủ.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh.

Kế đến 89% cho rằng nhiều quy định không phù hợp với thực tế và 82% DN nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng. Con số này phần nào cho thấy, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua vẫn chưa thật sự có nhiều hiệu quả.

Chậm hoàn thiện chính sách

Mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về công tác KTCN đối với hàng hóa XNK, nêu lên những mặt được, và chưa được của từng nhiệm vụ.

Theo ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, đây là kết quả của nhiều đợt làm việc tập trung của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với các bộ, ngành. Gần đây nhất, tháng 4/2017, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với một số đơn vị chuyên môn thuộc bộ quản lý chuyên ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và KTCN cần sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP.

Theo kết quả rà soát đến 30/3/2017, có tới trên 50% số văn bản quy phạm pháp luật về KTCN của các bộ cần phải sửa đổi, bổ sung đều chưa đảm bảo về thời gian và yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg (tại Quyết định 2026/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc sửa đổi 87 văn bản quản lý, KTCN trong quý IV/2015 và quý I/2016) và yêu cầu tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP. Trong đó, 37/87 (43%) văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thay thế theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg; 50/87 (57%) văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung/thay thế, trong đó 39/50 văn bản đang được các bộ thực hiện sửa đổi, bổ sung.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị có số văn bản cần sửa đổi, bổ sung nhiều nhất (49 văn bản). Tính đến hết tháng 3/2017, bộ này đã sửa được 16 văn bản, 33/33 văn bản vẫn đang được thực hiện sửa đổi, bổ sung. Bộ Công Thương có tổng số 10 văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Theo rà soát bộ này đã sửa được 9 văn bản, 1 văn bản đang được thực hiện sửa đổi, bổ sung. Bộ Y tế có 9 văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Đến nay Bộ này đã sửa được 3 văn bản (trong đó 1 văn bản không thể sửa đổi, bổ sung), hiện có 2/6 văn bản đang được thực hiện sửa đổi, bổ sung. Bộ Xây dựng có 4 văn bản cần sửa thì đến nay có 1 văn bản đang được sửa.

Một trong những hạn chế về KTCN được Bộ Tài chính nêu ra là công tác đổi mới phương pháp KTCN theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XK, NK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan vẫn còn rất nhiều bất cập chưa được giải quyết. Nhiều mặt hàng NK phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Ví dụ mặt hàng sữa chua, pho mat vừa phải kiểm dịch động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Công Thương. Hay trường hợp một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ quản lý chuyên ngành như: Mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật cùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Điểm kiểm tra “một cửa” chưa nhiều hiệu quả

Việc thành lập các địa điểm KTCN tập trung là một trong các giải pháp để giảm thời gian KTCN tại 8 địa bàn hải quan có lưu lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải địa điểm KTCN nào cũng phát huy hết hiệu quả. Cảng Đà Nẵng là một trong các khu vực đặt địa điểm KTCN tập trung, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên (tháng 5/2017) địa điểm này “cửa đóng then cài”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng Phạm Minh Tâm, đa số DN làm thủ tục tại chi cục đóng trên địa bàn TP.Đà Nẵng nên thường đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của cơ quan KTCN. Số lượng cán bộ tiếp nhận hồ sơ KTCN của các đơn vị này có hạn, chỉ khi nào có thông tin DN nộp hồ sơ tại địa điểm KTCN thì cơ quan KTCN mới bố trí cán bộ ngồi tại địa điểm để tiếp nhận. Khi DN nộp phiếu đăng ký KTCN thì cán bộ tiếp nhận của cơ quan KTCN phải đem phiếu về đơn vị ký, nên gây mất nhiều thời gian. Đặc biệt, địa điểm KTCN tại cửa khẩu cảng, các cơ quan KTCN chưa được bố trí các phương tiện, thiết bị để thực hiện kiểm tra, phân tích ngay tại cửa khẩu.

Đây là hạn chế không chỉ riêng của cảng Đà Nẵng. Theo Bộ Tài chính, từ khi thành lập các địa điểm KTCN có 15 đơn vị KTCN thuộc 6 bộ, ngành đã bố trí nhân lực tham gia hoạt động tại 10 địa điểm này gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc xây dựng, đưa vào hoạt động các địa điểm KTCN tập trung làm việc ngay tại cửa khẩu, địa điểm “một cửa” tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến KTCN tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thực hiện các công việc liên quan đến công tác KTCN đối với hàng hóa XNK.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào vận hành thí điểm, các địa điểm làm thủ tục KTCN tập trung đối với hàng hóa XNK cũng đã bộc lộ tồn tại, vướng mắc như: Các địa điểm KTCN tập trung hiện nay chỉ có một số cơ quan/đơn vị KTCN làm việc được trang bị các phương tiện làm việc văn phòng, hành chính; chưa được trang bị máy móc, thiết bị để phân tích, thử nghiệm do đó chưa cho ra kết quả kiểm tra tại chỗ. Các địa điểm này mới chỉ thực hiện việc tư vấn, giải đáp vướng mắc, đăng ký kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm vẫn phải gửi về phòng thí nghiệm nội địa để kiểm tra và chờ kết quả kiểm tra. Do đó, tỷ lệ DN đăng ký làm thủ tục KTCN tại đây vẫn còn thấp (16,62%), chủ yếu là các DN XNK không thường xuyên, nhỏ lẻ đến làm việc.

Chính vì vậy, hiện tại Bộ Tài chính đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục KTCN (cơ chế một cửa liên thông) tại các địa điểm KTCN tập trung đã được thành lập ở các cửa khẩu (Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Lào Cai, Quảng Ngãi); tạm thời chưa mở rộng thêm các địa điểm KTCN tập trung mới.

Giám sát việc sửa đổi của các bộ

Để sớm tháo gỡ những bất cập tồn tại trong công tác KTCN, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng là tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối vói hàng hóa thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động KTCN. Cụ thể: Rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động quản lý/KTCN; bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng NK và theo người NK; sửa đổi quy định về phí KTCN, minh bạch về cách tính chi phí, đối tượng chịu trách nhiệm trả phí và chuyển dần sang áp dụng cơ chế giá.

Các bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương về rà soát, thống nhất một số loại chứng từ quản lý/KTCN có tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất nội dung kiểm ra tương tự như: Nhóm giấy phép: ngoài giấy phép NK, giấy phép NK tự động, giấy phép hạn ngạch thì các loại chứng từ khác như: Xác nhận khai báo hóa chất, phê duyệt kinh doanh… và các loại chứng từ khác như: Công bố tiêu chuẩn; chứng từ xác nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện XK, NK hàng hóa theo quy định của pháp luật đầu tư (giấy phép kinh doanh, phê duyệt hợp đồng XK, xác nhận cơ sở chế biến…); chứng từ xác nhận hàng hóa đủ điều kiện XK, NK (hiệu suất năng lượng, khai báo hóa chất…).

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ cho Tổ công tác của Chính phủ theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý và KTCN nêu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-tra-chuyen-nganh-khoang-cach-tu-thuc-tien-den-muc-tieu.aspx