Kiểm soát quyền lực để chống suy thoái

Ngày 14-10, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp phiên bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Trong 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Trung ương đã phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về kinh tế - xã hội năm 2016-2017, về đổi mới mô hình tăng trưởng, về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đáng chú ý, tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Điểm mới của hội nghị lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4.

Vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không phải bây giờ mới được nhắc tới mà Đảng ta đã đặt ra từ rất sớm khi tiến hành công cuộc đổi mới. Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (tháng 6-1992), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (năm 1999), Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 1-2012) đã đề cập đến vấn đề này. Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục bàn sâu về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống..., cho thấy tình trạng này đang rất nghiêm trọng. Đó là do bản thân cán bộ, đảng viên ít chịu tu dưỡng, rèn luyện nên dễ dẫn tới sa ngã, thay đổi trong nhận thức tư tưởng và cả trong đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, giáo dục cán bộ, đảng viên của ta mặc dù đã chú ý nhưng cũng chưa đến nơi, đến chốn. Kỷ luật của Đảng thời gian qua cũng có phần chưa nghiêm, thậm chí có lúc buông lỏng, nên nhiều cơ sở bị tê liệt sức chiến đấu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ: “Trung ương khẳng định sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước thực tế cấp bách trên, phải siết chặt kỷ luật Đảng, siết chặt pháp luật nhà nước. Nếu không làm việc đó sẽ dẫn đến tình trạng phóng túng, coi thường pháp luật, khi có chức, có quyền dễ trở thành “ông vua con” đứng ngoài pháp luật sẽ rất nguy hiểm. Có ý kiến cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên vì hiện nay chúng ta trao quá nhiều quyền, quá nhiều tiền nhưng không ai kiểm soát được. Khi đã xác định cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất thì phải chỉ rõ địa chỉ, ở bộ phận nào, ở cấp nào. Và khi đã xác định rõ địa chỉ thì phải hành động, quy trách nhiệm đến cùng; phải chỉ rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực để thực hiện nghị quyết mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, tập trung đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Với tầm quan trọng và tính cấp bách của nghị quyết, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách đồng bộ thì mới có thể tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thực tế.

BẢO MINH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161015/kiem-soat-quyen-luc-de-chong-suy-thoai.aspx