Kiểm soát cháy phải bắt đầu từ mỗi người

Khi từng hộ gia đình, từng người chưa ý thức được về nghĩa vụ phòng cháy thì nguy cơ còn rất cao.

Ảnh minh họa nguồn báo Đất VIệt.

Sáng qua, 9h Chung cư Xa La cháy. Dân lại nháo nhào tháo chạy. Được biết, tòa nhà CT 1AB nằm trong quần thể Khu đô thị mới Xa La (Hà Đông, Hà Nội) do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số I Lai Châu đầu tư.

Trước đó, cách tòa nhà CT1AB không xa, tòa CT4A cũng xảy ra một vụ cháy khiến người dân hoảng loạn. Đêm 28/11, vụ cháy xảy ra trên địa bàn quận 9, TP Hồ Chí Minh làm 2 người tử vong, 1 người khác bị bỏng nặng.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) 6 tháng đầu năm 2016 cả nước xảy ra 1.506 vụ cháy, làm 31 người tử vong, 181 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 8 tỷ đồng. Riêng TP Hồ Chí Minh 11 tháng của năm 2016 đã xảy ra hơn 2.000 sự cố, tăng gần 600 vụ so với năm 2015.

Sao mà cháy lắm thế?

Lý giải điều này ở TP Hồ Chí Minh, đại diện cơ quan chức năng cho biết TP có 28 ngàn cơ sở PCCC phải quản lý, 10 ngàn cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, chưa kể khu dân cư.

Sự phát triển đi kèm nguy cơ cháy nổ. Riêng cháy chung cư, nơi tập trung con người hiện nay đang là vấn đề đáng lo ngại ở các đô thị lớn.

Nguyên nhân đầu tiên, 70% số vụ cháy liên quan đến điện như: tự ý câu, móc thêm các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu, đầu nối dây dẫn điện không được kiểm tra, thay thế kịp thời nên bị lão hóa, dẫn đến tình trạng mất an toàn PCCC trong việc sử dụng điện, cụ thể như hiện tưởng quá tải, chập mạch…

Ngoài ra còn do tâm lý chủ quan trong việc sử dụng điện an toàn như: không ngắt điện tủ lạnh, quạt máy, máy tính… khi ra khỏi nhà.

Nguyên nhân thứ hai là lạm dụng thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã với tâm lý muốn báo hiếu, tạ ơn cho người đã khuất. Việc thắp hương thờ cúng tràn lan cũng là nguyên nhân tiềm ẩn cháy, nổ tại các hộ gia đình.

Nguyên nhân thứ ba, đa số gia đình đều dùng gas để đun nấu. Tuy vậy, việc sử dụng gas không an toàn dẫn đến cháy nổ như: không khóa van bình chứa khí gas khi không đun nấu hay khóa van, tắt bếp gas chưa đúng quy định, sử dụng các chai chứa gas và các phụ kiện không đảm bảo chất lượng…

Nguyên nhân thứ tư, hầu như chủ quan, các gia đình chưa trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng không biết sử dụng hay sử dụng không thành thạo hoặc không đúng cách.

Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ không có phương tiện chữa cháy hoặc lúng túng không biết cách xử lý ngay từ ban đầu. Từ đó, đám cháy phát triển mạnh trong thời gian dài gây ra cháy lan, cháy lớn.

Nguyên nhân thứ năm, các hộ gia đình thường bố trí vật dụng sinh hoạt trên lối thoát nạn như thang bộ, cửa đi… nên khi có cháy xảy ra tự thoát nạn, cứu nạn và cứu hộ là vô cùng kém. Xin bàn đến nguyên nhân để thấy rằng, khi từng hộ gia đình, từng người chưa ý thức được về nghĩa vụ phòng cháy thì nguy cơ còn rất cao.

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/kiem-soat-chay-phai-bat-dau-tu-moi-nguoi-d30209.html