Kiểm soát chặt tải trọng từ đầu nguồn, xe vi phạm 'tuýt còi' phạt nặng

Không chỉ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý triệt để các phương tiện chở quá tải trọng cho phép, liên ngành quận Cầu Giấy (Hà Nội) còn tổ chức ký cam kết, hướng dẫn cân đủ tải ngay tại chân công trình.

Rạng sáng 25 và 26-7 vừa qua, tổ công tác liên ngành gồm Đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy phối hợp với Đội Cảnh sát GT-TT Công an quận và Đội CSGT số 6 - CATP Hà Nội tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện các xe ô tô tải BKS: 29C-227.82, 29C-249.35 và 29H-687.96 chở phế thải từ một công trình xây dựng trên phố Trần Bình ra Hồ Tùng Mậu hướng đi Phạm Văn Đồng.

Qua kiểm tra, tất cả các phương tiện này đều chở quá tải trọng ở mức từ 50%-100%. Tổng mức xử phạt đối với các trường hợp trên gồm lái xe, chủ xe là 80.000.000 đồng, đồng thời tước GPLX và phù hiệu 3 tháng.

Công trình đang thi công trên phố Trần Bình

Để các phương tiện vận tải chở đúng tải trọng theo quy định, tối 9-8, Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Cầu Giấy phối hợp với Đội Cảnh sát GT-TT Công an quận đã tổ chức ký cam kết, hướng dẫn đơn vị vận tải đang thi công tại công trình trên cân đủ tải trọng, làm sạch phương tiện trước khi ra khỏi công trình. Đây là biện pháp nhằm kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn được liên ngành quận Cầu Giấy triển khai trong thời gian gần đây.

Phương tiện vận tải ra khỏi công trình không chỉ chở đủ tải, mà còn phải xịt rửa sạch sẽ

“Chúng tôi cho rằng, việc làm này là hết sức cần thiết, vừa tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị thi công, vận tải thực hiện đúng các yêu cầu, quy định của pháp luật, nhưng cũng nhằm cảnh báo việc vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, tuyệt đối không có “vùng cấm”, hoặc “xin-cho” - Ông Phan Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Cầu Giấy cho biết.

Các lực lượng hướng dẫn cân tải trọng, đảm bảo phương tiện đủ tải khi ra khỏi công trình

Anh Nguyễn Văn Tư - Phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Tân Tiến Thành, đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển phế thải xây dựng công trình trên phố Trần Bình chia sẻ, thực tế 3 đầu xe bị xử lý trước đó được xem là sự cố, vì công ty không có bất cứ phương tiện, thiết bị đo lường nào để xác định thế nào là đủ tải, quá tải dẫn đến tình trạng vi phạm.

“Trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ phải nộp phạt với mức phạt rất cao, tước giấy phép lái xe và phù hiệu, nghiễm nhiên các đầu xe đó chấp nhận “nằm im” vài tháng. Vừa bị phạt, vừa “đắp chiếu” nằm chờ đi kèm với ảnh hưởng về kinh tế. Vì thế, chúng tôi cũng mong được hướng dẫn cụ thể về tải trọng, chứ nếu đổ ít quá thì chi phí cho một đầu xe cũng tăng lên, doanh nghiệp thua lỗ” - Anh Nguyễn Văn Tư nêu vấn đề.

Đại diện doanh nghiệp vận tải ký cam kết chở đúng tải trọng cho phép

Theo phân tích của lực lượng chức năng, việc kiểm soát tải trọng nguồn nhằm giúp đơn vị vận tải xác định được họ sẽ được chở bao nhiêu, trên cơ sở gầu xúc tại công trường khi họ đi ra. Nếu một xe tổng tải 30 tấn cả xe và hàng thì họ sẽ được chở tối đa chỉ khoảng 5 gầu rưỡi so với máy xúc đang thi công tại công trình.

Mặc dù đã tổ chức ký cam kết, nhưng trong thời gian tới, tổ liên ngành vẫn sẽ kiểm tra, xử lý nếu phương tiện cố tình chở quá tải. Đối với các công trình dân sinh, Chỉ huy Công an quận Cầu Giấy cho biết, đã giao cho Công an phường tham mưu UBND phường quản lý, giám sát.

Hy vọng, với những nỗ lực của các lực lượng, tình trạng phương tiện vận tải vi phạm sẽ chấm dứt, không còn xuất hiện “xe khủng long” hay “xe hổ vồ” gây ám ảnh cho người dân mỗi khi ra đường.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kiem-soat-chat-tai-trong-tu-dau-nguon-xe-vi-pham-tuyt-coi-phat-nang-post548454.antd