Tính đến 15/2, bội chi ngân sách ước đạt 3.000 tỷ đồng

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến 15/2 bội chi ngân sách ước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/2 ước tính đạt 131,8 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán năm.

Trong đó thu nội địa 113,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4%; thu từ dầu thô 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 13,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 13,3 nghìn tỷ đồng, bằng 7,4%.

Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán năm; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 28,1 nghìn tỷ đồng, bằng 14,5%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 24,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3%; thu thuế thu nhập cá nhân 9,5 nghìn tỷ đồng, bằng 11,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 24,4 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5%; thu thuế bảo vệ môi trường 3,1 nghìn tỷ đồng, bằng 6,8%.

Tính đến 15/2, bội chi ngân sách ước đạt 3.000 tỷ đồng

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/2 ước tính đạt 134,8 nghìn tỷ đồng, bằng 9,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 12,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5%; chi trả nợ lãi 13,9 nghìn tỷ đồng, bằng 14,1%; chi thường xuyên 108,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,1%.

Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/2 ước tính đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán năm.

Tổng thu ngân sách đạt 131,8 nghìn tỷ đồng nhưng tổng chi ngân sách 134,8 nghìn tỷ đồng. Như vây bội chi ngân sách từ đầu năm đến 15/2 ước đạt 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại Nghị quyết 27 ký ngày 21/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị.

Theo đó, chỉ được chi trong giới hạn dự toán chi ngân sách đồng thời cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước ở từng ngành, địa phương và đơn vị cơ sở, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên và bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo chiếm khoảng 255-26% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tổ chức thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Tiếp tục tái cơ cấu nợ công, tăng dân tỷ trọng cho vay lại trong cơ cấu vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm và kiểm soát chặt chẽ vay nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó cần kiểm soát nợ trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội và kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

>> SCIC dùng 1 tỷ đồng tiền bán vốn DNNN để đầu tư

Nguồn NDH: http://ndh.vn/kiem-soat-chat-che-vay-nuoc-ngoai-cua-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-2017022404387936p4c145.news