Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (ảnh).

Ông Nguyễn Khắc Hiền.

Thưa ông, thực tế thời gian qua Hà Nội đã kiểm soát khá tốt việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn song vẫn còn đó nhiều nguy cơ người tiêu dùng phải sử dụng thực phẩm kém chất lượng. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước về thực phẩm, ông có thể thông tin về kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian qua?

Thống kê chưa đầy đủ của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã kiểm tra trên 90 nghìn lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền phạt hơn 24 tỷ đồng.

Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi tình trạng mất an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền được tăng cường với nhiều hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, tập thể, cá nhân; tổ chức kiểm tra về an toàn thực phẩm trong các đợt, thời điểm dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên canh đó Hà Nội mở rộng chương trình thí điểm, bố trí mỗi xã, phường một nhân viên chuyên trách kiểm tra về an toàn thực phẩm, tổ chức hội chợ kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm, đặc sản an toàn, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem nhận biết. Đặc biệt Hà Nội được trang bị 3 xe lưu động để xét nghiệm nhanh thực phẩm. Theo đó trong mỗi xe lưu động này sẽ có 2 cán bộ làm kỹ thuật xét nghiệm, đến những nơi tập trung, cung cấp nhiều thực phẩm tươi sống (như: Chợ đầu mối, siêu thị, chợ cóc, chợ tạm…) để xét nghiệm định tính hóa chất trong sản phẩm. Qua xét nghiệm bằng xe chuyên dụng, lô sản phẩm có nghi ngờ sẽ tạm thời không được lưu hành để chờ xét nghiệm sâu hơn.

Mặc dù có nhiều cố gắng song tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đáng lo ngại, chưa được quản lý, kiểm soát có tính hệ thống, toàn diện, chặt chẽ; còn nhiều vi phạm tại các cơ sở sản xuất chế biến, các chợ dân sinh, điểm kinh doanh tự phát.

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân, Sở Y tế Hà Nội đề nghị cơ quan liên quan tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, cơ sở chế biến, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, sản xuất, tàng trữ, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; lập các chốt kiểm dịch hàng hóa gần bến xe, nhà ga, chợ đầu mối, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm.

Vậy thời điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu cận kề, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, Sở Y tế có kế hoạch gì để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô?

Từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nhu cầu thực phẩm tăng, nhất là các loại thịt và rau, vì vậy dễ phát sinh, gia tăng các hoạt động không an toàn về thực phẩm. Do vậy Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động thanh tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Nội dung thanh tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm.

Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Dương Ngân (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-soat-chat-an-toan-thuc-pham-tet-nguyen-dan.aspx