Kiếm 'bộn tiền' nhờ linh vật hình rồng

Gần một tháng trở lại đây, nhiều nông dân ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), thủ phủ cây hoa kiểng tất bật với vụ hoa kiểng Tết. Trong số đó, những linh vật hình rồng phục vụ cho Tết Giáp Thìn 2024 đang rất được ưa chuộng, bán với giá hàng chục triệu đồng vẫn hút người mua.

Tạo hình linh vật Rồng mang tới nguồn thu cho nhiều nông dân Chợ Lách. Ảnh: Đoàn Xá.

Điêu khắc trên cây cảnh

Cặm cụi lắp từng chiếc lá, trái tắc (quất) để có được hình dáng theo ý muốn, bà Cao Thị Tuyết (60 tuổi, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) cho biết, năm nay gia đình bà tạo hình 50 cây tắc kiểng. “Nhà tôi làm nghề này hơn chục năm rồi. Năm con giáp nào sẽ uốn cây theo hình con giáp đó. Con heo, con mèo, con chuột, con dê đều uốn được hết. Ban đầu, mình mua cây tắc của bà con trong xóm rồi sau đó về uốn ghép lại để tạo hình linh vật, bán lại cho mối quen. Công việc này khá tỉ mỉ, khéo léo và phải có con mắt nhìn, không phải cây nào cũng uốn và tạo hình được. Tùy từng hình dáng và con vật nên mình phải tìm cây từ trước. Thường thì cây nào nhiều cành lá, tươi tốt sẽ dễ uốn hơn” - bà Tuyết cho hay.

Theo bà Tuyết, sau khi chọn được cây tắc, hai vợ chồng bà sẽ sử dụng dây thép cứng để uốn cành và trái theo hình dáng định trước. Những cây thép mỏng này có vai trò như khung, tạo hình dáng chính của linh vật. sau đó sẽ sử dụng những dây thép nhỏ, mỏng hơn để ghép những cành lá, trái cây vào khung đó, tạo thành hình dáng cho linh vật. Tuy nhiên, với linh vật là rồng năm Giáp Thìn này, việc uốn cây và trái thôi chưa đủ. Hai vợ chồng bà phải mua thêm một số vật dụng để tạo hình khuôn mặt, vây, móng vuốt cho con rồng thêm sinh động, bắt mắt. “Rồng là linh thú khó tạo nhất trong số 12 con giáp bởi xưa này chưa ai nhìn thấy con rồng ra sao. Vì thế mình vừa tạo theo trí tưởng tượng, vừa tạo theo những khuôn mẫu mà nhiều người biết tới như các đoạn phim ảnh, hình vẽ. Hầu hết tắc rồng của gia đình tôi đều có thương lái đặt trước rồi, khoảng tầm qua hăm mươi tết là họ đưa xe tải tới chở đi thôi. Giá thì tùy từng cây, theo kích cỡ chiều dài. Nhưng có chậu lớn nhất ở phía bên kia là 30 triệu, còn chậu nhỏ nhỏ bên kia thì chỉ triệu rưỡi thôi” - bà Tuyết cho biết thêm.

Cũng theo vợ chồng người nông dân này, do năm nay thời tiết khá thuận lợi, mưa nhiều khoảng tháng 6-8 khiến cho tắc phát triển tốt, nhiều cành lá, trái non nên việc tạo hình dễ dàng, nhiều ý tưởng hơn. Với khoảng 50 chậu tắc cảnh hình linh vật rồng, gia đình bà có thể thu về khoảng hơn trăm triệu đồng nếu bán hết toàn bộ.

Đa dạng thú chơi

Không chỉ có gia đình bà Tuyết, ở Chợ Lách có hàng chục cơ sở, vườn cây kiểng của nông dân được uốn ép, tạo hình linh vật dịp tết. Thậm chí đây còn được coi là đặc sản của người dân Chợ Lách với những nghệ sĩ lâu năm có khả năng “tạc tượng” bằng cây kiểng.

Anh Nguyễn Văn Lắm, chủ một vựa cây hoa kiểng nằm ngay ở quốc lộ 57 đi qua xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) cho biết dịp tết Giáp Thìn này gia đình anh cũng tạo nhiều cây hoa kiểng hình rồng để bán. “Vườn nhà tôi có 20 cặp tắc hình rồng, đủ loại từ lớn tới nhỏ và giá cũng đa dạng lắm. Cây nhỏ nhất chỉ có giá chừng 600 nghìn đồng, có thể để trên bàn nhưng cũng được uốn thành con rồng có đầy đủ mắt, râu, vảy và đuôi, vuốt, lưng… rất đẹp. Những chậu tắc rồng mini này hầu hết đều có vựa trên TPHCM họ đặt trước. Còn phía bên này là những chậu tắc hình rồng tôi và đứa em bên ngoại tự uốn. Anh em tôi uốn từ đầu tháng 10, rồi chăm sóc cho tới nay. Bên đó giá khoảng từ 3 tới 20 triệu mỗi chậu. Ngoài hình rồng là linh vật của năm 2024 này, vựa của tôi còn có uốn tắc thành các hình lộc bình, ấm trà, con chim bồ câu… So với hình rồng thì các hình này dễ uốn hơn nên giá cũng bình dân hơn, không cao hơn nhiều so với tắc thông thường mà lại đẹp, nhiều ý nghĩa”, anh Lắm cho biết.

Theo anh Lắm, mặc dù dịp Tết Giáp Thìn năm nay nhu cầu mua hoa kiểng tết thấp hơn dự kiến nhưng một số loại hoa cây kiểng như mai, cúc, tắc là thứ mà gần như gia đình nào cũng có trong nhà dịp tết. Vì vậy anh vẫn quyết định đầu tư tiền bạc và công sức để tạo hình cây kiểng với kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh trong ít ngày tới. “Vườn nhà tôi tự trồng cây, tự uốn và tự quảng cáo bán trên mạng xã hội, bán ở tại vựa nên giá cũng mềm hơn nhiều nơi. Tôi làm vựa ở đây hơn 20 năm rồi, nhiều người biết và tin tưởng nên mình cũng không lo lắng gì đâu. Có khi sát tết còn không có hàng mà bán nữa chứ”- anh cười cho biết thêm.

Trong khi đó, theo ông Trần Minh Mẫn - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Chợ Lách thì toàn huyện có khoảng 12 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó chủ yếu là cây kiểng với các loại chính là cây mai, bông giấy và tắc bên cạnh các loại hoa như cúc mâm xôi, mào gà, vạn thọ… Cũng theo ông Mẫn, hầu hết nông dân ở Chợ Lách có kinh nghiệm sản xuất hoa cây kiểng lâu đời, là nghề truyền thống nhiều năm của địa phương.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kiem-bon-tien-nho-linh-vat-hinh-rong-10271625.html