Kịch văn học - Giải pháp đầy thử thách

Trong lúc các sân khấu xuất hiện nhiều vở diễn mang hơi hướng kịch ma, kinh dị, hài nhảm thì dòng kịch chuyển thể văn học đang tạo những dấu ấn trong lòng khán giả.

Đây vừa là tín hiệu vui, đồng thời cũng là một thử thách với chính những nhà làm sân khấu trong thời buổi khó khăn về kịch bản hay như hiện nay.

Tác phẩm văn học lên sân khấu kịch

Vừa qua, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức giới thiệu vở diễn “Chuyện nàng Kiều” dựa trên kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1765 - 1820) do nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể, đạo diễn NSND Anh Tú. Vở diễn cũng là một sự thử nghiệm táo bạo của Nhà hát Kịch Việt Nam, khi kết hợp những hình thức hát, múa và những động tác hình thể nhưng vẫn giữ nguyên được những giá trị to lớn của tác phẩm là phản ánh giá trị hiện thực.

Trước đó, tháng 3/2012, Nghệ sĩ nhân dân Lan Huơng - Nhà hát Kịch Tuổi trẻ, dựng vở kịch hình thể thử nghiệm mang tên “Nguyễn Du với Kiều”. Đạo diễn đã sử dụng nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, nhất là những điệu hát chèo, hát văn, hát phường vải… kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại nhằm tạo không gian nhiều biến đổi để diễn viên lột tả vai diễn bằng ngôn ngữ hình thể.

Thực tế, việc đưa các tác phẩm văn học lên sân khấu không phải bây giờ mới có, trước đây, nhiều sân khấu đã chọn khai thác dòng kịch này. Sân khấu kịch Phú Nhuận khai thác dòng kịch văn học hiện thực phê phán cách đây 10 năm, với những vở: “Số đỏ”, “Giông tố”, “Chí Phèo”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Làm đĩ”, “Chị Dậu”...

Trước đó, Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã là địa chỉ quen thuộc của những vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư như: “Nửa đời ngơ ngác” (“Chiều vắng” - Nguyễn Ngọc Tư), “Bao giờ sông cạn” (“Dòng nhớ” - Nguyễn Ngọc Tư)....

Có thể nhận thấy, kịch văn học đang góp phần không nhỏ cho sân khấu kịch. Trong lúc các sân khấu xuất hiện nhiều vở diễn mang hơi hướng kịch ma, kinh dị, hài nhảm thì dòng kịch chuyển thể văn học đang tạo những dấu ấn trong lòng khán giả.

Sự trải nghiệm mạo hiểm

Từ trước tới nay, không ít nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, trong đó có sân khấu và điện ảnh mong muốn đưa những tác phẩm văn học đến với các hình thức thể nghiệm mới. Các tác phẩm của các nhà văn đã có sự nổi tiếng, có sức nặng nội dung câu chuyện lẫn tính cách nhân vật sẽ là sự đảm bảo tốt cho một vở diễn sân khấu. Tuy nhiên, có nhiều kịch bản chuyển thể văn học cùng một lúc có thể là một xu thế, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - cho biết, đưa tác phẩm văn học lên sân khấu là một lợi thế khi tác phẩm đã được thẩm định bởi thời gian và độc giả. Nhưng cũng lại là sự trải nghiệm mạo hiểm.

Với một tác phẩm lớn như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, sự khao khát được tiếp cận và thể hiện với những hình thức sân khấu mới luôn là điều không ít nghệ sĩ ấp ủ và quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, sự tiếp cận ấy vẫn phải nằm trong cái hữu hạn của nền tảng văn hóa. Làm mới nhưng không được làm mất đi những giá trị vốn có của tác phẩm. Có như vậy, những tác phẩm nghệ thuật ấy mới có sức sống lâu bền đối với công chúng.

Theo đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, đưa một tác phẩm văn học nổi tiếng lên sân khấu, mỗi đạo diễn luôn phải đảm bảo được chất văn học mà vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố trên sân khấu. Chuyển thể nhưng vẫn giữ được phần hồn của nguyên bản tác phẩm và gần gũi với khán giả, với không khí của thời đại, đó chính là một trong những thách thức đối với nhiều sân khấu hiện nay.

Nhà biên kịch muốn chuyển thể thành công tác phẩm văn học thì bản thân họ phải đọc nhiều, cảm nhiều, đưa những vấn đề gần gũi với hơi thở của cuộc sống hiện đại nếu được khai thác đúng hướng sẽ dễ đi vào lòng khán giả, tìm được tiếng nói chung.

Mỗi tác phẩm văn học khi đưa lên sân khấu đòi hỏi phải dựng cho được bối cảnh diễn ra câu chuyện của thời đó. Nếu chỉ tượng trưng, ước lệ thì xem ra vở kịch đã không chuyển tải hết cái “thần” của tác phẩm văn học. Để vượt ra ngoài cái “thần” vốn có của văn học thì người đạo diễn phải biết tìm tòi sáng tạo những cái mới mà không làm mất đi cái vẻ đẹp ban đầu của tác phẩm”. NSƯT Lê Chức

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/kich-van-hoc-giai-phap-day-thu-thach-2546618-b.html