Kịch hát truyền thống có giữ được bản sắc nếu được hiện đại hóa?

Liệu rằng, một tác phẩm sân khấu luôn có cả tính truyền thống và hiện đại? Kịch hát dân tộc sẽ giữ bản sắc như thế nào nếu được hiện đại hóa?

Vở kịch lịch sử 'Hà Thành chính khí' được Nhà hát Kịch Hà Nội 'khai sàn' sân khấu quay năm 2019. Ảnh: Nhà hát kịch Hà Nội.

Liệu rằng, một tác phẩm sân khấu luôn có cả tính truyền thống và hiện đại? Kịch hát dân tộc sẽ giữ bản sắc như thế nào nếu được hiện đại hóa? Việc kết hợp những đặc tính ấy trong các loại hình biểu diễn cần có những thủ pháp gì để vừa hợp thời, vừa không đánh mất bản sắc?

“Hai trong một”

Đó là những trăn trở được các nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu đưa ra khi bàn về vấn đề “Sân khấu Thủ đô với tính truyền thống và hiện đại” tại tọa đàm do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Nhìn lại chặng đường phát triển, các ý kiến đều cho rằng, sân khấu Hà Nội chứa đựng trong mình sự đa dạng, phong phú các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận những giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại.

Bởi vậy, dễ dàng nhận thấy, đời sống sân khấu Hà Nội không chỉ có các loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ như chèo, múa rối nước, mà còn có cả tuồng, cải lương từ Trung – Nam Bộ và kịch nói, xiếc có nguồn gốc từ phương Tây du nhập, hội tụ.

Từ đó, cùng với sự sáng đèn của Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam còn có những đêm diễn tràn đầy cảm xúc tươi mới của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Cùng với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các nhà hát kịch nói làm nên một phần quan trọng ở đời sống sân khấu đất ngàn năm cũng có thể kể đến: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ…

“Cũng bởi đặc thù của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội, nên sân khấu ở đây luôn phát triển trên cơ sở gắn kết giữa tính truyền thống và tính hiện đại. Nhiều vở diễn tuồng, chèo, cải lương, múa rối kinh điển của cha ông để lại được bảo tồn, phục dựng và không ngừng truyền dạy cho lớp trẻ.

Nhiều vở diễn được sáng tạo trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống. Sân khấu thường xuyên xuất hiện các tác phẩm mới được dàn dựng công phu, hiện đại, phản ánh cách cảm, cách nghĩ, lối sống của con người Hà Nội…”, TS Trần Thị Minh Thu đánh giá.

Nói về tính hiện đại và truyền thống của một tác phẩm sân khấu, nhiều chuyên gia cùng thống nhất rằng, đó là câu chuyện “hai trong một”. Cũng vì, khi được sáng tạo, chúng luôn mang hơi thở của thời đại, chứ không phải là những tách rời theo cách nghĩ áp đặt truyền thống sẽ gồm cũ kỹ, lạc hậu; hiện đại chỉ là những gì mới mẻ, lạ lẫm.

Sự khác biệt ở đây có chăng chỉ là mức độ ít hay nhiều của yếu tố nào. Theo tác giả Minh Nguyệt, qua một tác phẩm sân khấu, với cách thể hiện đặc tính của nhân vật như tâm lý, tập quán, tư tưởng, lối sống, thói quen và cách ứng xử, người xem có thể phân biệt được vở diễn đang thể hiện giai đoạn lịch sử nào.

“Dù mang tính truyền thống hay hiện đại thì những vở diễn đều dụng ý gửi tới người xem những thông điệp của cuộc sống hôm nay, qua đó, góp phần xây dựng lối sống tốt đẹp trong xã hội”, bà Nguyệt nói.

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Dương (Nhà hát Chèo Hà Nội) cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi có nhiều ý kiến cho rằng “kịch chẳng còn là kịch nữa khi bản chất của kịch là những vấn đề hôm nay nhưng trên sân khấu kịch lại có áo bà ba, quần thâm đất, áo the khăn xếp.

Hay chèo chẳng còn là chèo nữa khi chèo mặc véc, quần tây đi giầy đinh đội mũ phớt”, là “một trong những nhận định khá thiển cận”. Theo ông Dương, nghệ thuật sân khấu nói chung luôn mang tính hiện đại bởi nó sinh ra thường là để phản ánh thực tại đang diễn ra. Ngay cả những loại hình sân khấu truyền thống cũng mang tính thời đại.

Vở cải lương kết hợp xiếc 'Cây gậy thần' của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam công diễn năm 2020. Ảnh: Bình Thanh.

Chưa kết hợp hiệu quả

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại của sân khấu Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung trong việc phát huy tính truyền thống và hiện đại trong mỗi vở diễn. Đó là sự thiếu hiệu quả khi: “Việc đầu tư dàn dựng các vở cổ ngày càng vắng bóng, lớp trẻ tài năng thiếu hụt trầm trọng. Ít vở diễn đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống và con người Hà Nội đương thời.

Các vở diễn đề tài dã sử, lịch sử, dân gian, huyền thoại còn hạn chế trong việc tìm tòi thể tài mới, hình thức sáng tạo nghệ thuật mới, hoặc thiếu những thử nghiệm mới trên cơ sở kế thừa, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống”, TS Trần Thị Minh Thu chỉ rõ.

NSND Thanh Trầm cũng phản ánh thực tế: Đề tài truyền thống vắng bớt dần trong khi đề tài kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật… nổi lên như một cứu cánh tồn tại. Một số vở diễn có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

“Tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt, vì vậy thời gian qua không ít nhà hát, rạp chiếu bóng quạnh vắng, không có người xem. Tuyển diễn viên trẻ loại hình sân khấu truyền thống không có người, nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề nên đã đi tìm nghề khác để mưu sinh”, NSND Thanh Trầm trăn trở.

Nguyên do dẫn đến những hạn chế ấy có thể từ lực lượng sáng tạo nghệ thuật hoạt động tự do rất khó quản lý, nhiều diễn viên mải chạy show không trau dồi chuyên môn và đạo đức tư cách nghề nghiệp, các sân khấu vẫn trong tình trạng “nghiệp dư hóa” trong quản lý cũng như biểu diễn...

Nhưng, nguyên do cơ bản là cơ sở vật chất còn hạn chế, lạc hậu… “Chính điều này làm cho sân khấu Hà Nội thiếu sức hấp dẫn khán giả và chưa tạo được một cách hiệu quả cái riêng, cái độc đáo làm nên thế mạnh của “phong cách sân khấu Hà Nội” nằm trong văn hóa Thăng Long – Hà Nội”, bà Thu nhấn mạnh.

Chưa khi nào là dễ

“Ta thường tự hào rằng, vốn sân khấu truyền thống rất phong phú nhưng tiết mục sân khấu hiện còn lại trên sân khấu lại chẳng có bao nhiêu. Cái hiện còn được bảo lưu dù có hay đến đâu, xem mãi cũng nhàm! Chưa kể thực ra người xem ngưỡng mộ nó vì trình độ kỹ thuật nhiều hơn là sự đồng cảm về nội dung, sự tương đồng về nhận thức và tư tưởng. Chưa kể tiếng là tác phẩm truyền thống nhưng một số vở diễn, do trình độ non yếu của chỉ đạo nghệ thuật cũng như công tác đào tạo diễn viên, đã không còn giữ được trình độ điêu luyện vốn có của nó...”. Tác giả Hoàng Thanh Du

Việc phải hiện đại, đổi mới trong từng vở diễn để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, thưởng thức của khán giả hôm nay, song liều lượng ấy chừng nào là đủ để vừa hợp thời mà vẫn giữ được bản sắc thì vẫn là những trăn trở của nhiều nghệ sĩ, chuyên gia.

Cũng bởi, đã có thực trạng không ít vở hiện đại đưa yếu tố truyền thống vào âm nhạc, tạo hình, kỹ thuật biểu diễn… song bị chênh, phô; thậm chí kệch cỡm, thô thiển. “Việc kể câu chuyện kịch hiện đại trên sân khấu kịch hát mà vẫn giữ được đặc trưng không đơn giản chút nào”, tác giả Lệ Dung đánh giá.

Tác giả Hoàng Thanh Du thì đặt câu hỏi: “Giải quyết sao đây khi sân khấu truyền thống thành kịch nói pha ca, giữ nguyên truyền thống liệu còn khán giả khi cấu trúc nghệ thuật là phương tiện chuyển tải cuộc sống vào tác phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh, nhịp độ cuộc sống hiện tại hay không?”.

Từ câu hỏi đó, ông Du đề nghị xác định mọi thể loại nghệ thuật sân khấu Việt Nam phải luôn hiện diện tính truyền thống: “Vì đó là hồn cốt, dáng dấp dân tộc mang cách thể hiện Việt, tâm hồn Việt... Chứ không thể mượn danh “hiện đại” để phá bỏ tính “truyền thống” bằng bắt đầu có xu hướng lạm dụng những tư tưởng lai căng, ngôn ngữ thô tục và dàn dựng những cảnh nóng, “cởi” quá nhiều trên sân khấu... Thậm chí đã làm sai lệch những sự kiện dưới danh nghĩa sáng tạo tưởng tượng của tác giả khi viết về góc khuất của các sự kiện lịch sử...”.

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Dương cho rằng, không thể hiểu nhầm những khái niệm “truyền thống” và “hiện đại” để rồi đi đến những việc làm sai trái và cho đó là sự kết hợp giữa chúng. Cũng vì, khán giả của hôm nay khó có thể chấp nhận việc pha trộn các loại hình nghệ thuật với nhau trong cùng một vở diễn hay nói cách thô thiển đó là một nồi lẩu thập cẩm nghệ thuật khó nuốt.

“Nghệ thuật truyền thống mang tính hiện đại là làm mới mình, vì sự sinh tồn của nghệ thuật. Nghệ thuật hiện đại mang tính truyền thống cũng là làm mới mình trước sự nhàm chán mà khán giả đã từng được xem qua nhiều thập kỷ nay. Nghệ sĩ chúng ta vẫn mơ về một thời rực rỡ hoàng kim của sân khấu. Nhìn lại hôm nay niềm đau đáu và nỗi xót xa là điều không tránh khỏi”, ông Dương bày tỏ.

Giữa những trăn trở ấy, tác giả Lệ Dung lạc quan cho rằng, từ tính truyền thống, hiện đại, sân khấu Thủ đô đã và đang tích cực đổi mới về cả chất lượng, số lượng. Dẫn chứng cụ thể là lần đầu tiên sân khấu quay hiện đại đã được khai thác cho vở diễn “Hà Thành chính khí” của Nhà hát Kịch Hà Nội “gây sóng gió, xôn xao cho khán giả”.

Khi đó, vở diễn không chỉ là tác phẩm tái hiện một phần lịch sử (về Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu tận tụy an dân và trung tiết giữ thành Hà Nội), mà còn là tác phẩm đầu tiên khai thác sân khấu quay được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp cùng sự chuyển động tinh tế hợp lý đã đưa đến cho khán giả những bối cảnh được thay đổi liên tục, vừa đẹp vừa tạo hiệu ứng bất ngờ.

Việc Nhà hát Kịch Hà Nội chọn vở “Hà Thành chính khí” để mở màn sân khấu quay nhằm kéo khán giả trẻ đến với những vở diễn lịch sử của sân khấu mang tính truyền thống và hiện đại.

“Sân khấu đã thổi hơi thở mới vào vở kịch lịch sử kết hợp tính truyền thống và hiện đại, đan xen âm hưởng ca trù trong những điệu múa đương đại. Các nhân vật được chọn mặt gửi vàng với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng. Khi đó, lịch sử sẽ không còn khô khan và khó tiếp cận”, bà Dung nhấn mạnh.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kich-hat-truyen-thong-co-giu-duoc-ban-sac-neu-duoc-hien-dai-hoa-post650791.html