Kịch bản sân khấu theo 'trend' - cần cân nhắc

Sáng tác kịch bản sân khấu có tính hot trend (xu hướng đang được nhiều người quan tâm) dựa theo mạng xã hội đang được nhiều người sử dụng để thu hút khán giả

Nhà hát Kịch Thanh Niên của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đang triển khai 3 vở kịch theo hướng "hot trend". Vở "Cái giếng khơi" do nghệ sĩ Thanh Thủy dàn dựng trên Sân khấu Kịch IDECAF hay vở "Ngày hội cái bang" ở Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế Giới Trẻ... cũng gắn với "trend".

Nhiều khi không hợp lý, gây phản cảm

Đưa những câu nói đang được quan tâm từ cộng đồng mạng vào vở diễn đã được nhiều nghệ sĩ hài vận dụng, giúp tạo hiệu ứng cho vai diễn.

Những câu nói quen thuộc trên mạng xã hội thời gian qua như: "đúng nhận sai cãi", "bất ngờ chưa bà già", "một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy", "lòng xào dưa 25 ngàn, nhiều lòng ít dưa", "anh em nương tựa", "chị em xã hội", "tình yêu với em là thứ xa xỉ, thứ em cần là tiền tỉ và đô la"… đã tạo tiếng cười, thậm chí gây cơn sốt vé cho vở diễn.

Một cảnh trong vở “Em em, chị chị” của Nhà hát Kịch Thanh Niên, được khai thác theo “trend” để thu hút khán giả trẻ

Vở "Tấm Cám" của IDECAF với cách ứng biến của NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu từng khiến khán giả thích thú. Vai Cám và mẹ Cám do 2 nghệ sĩ này thể hiện với những câu thoại "hot trend" duyên dáng.

Thế nhưng, không phải nghệ sĩ nào cũng đủ sức tạo ra những ứng biến thông minh, dí dỏm. Có khá nhiều cách chêm câu thoại "hot trend" nhưng không hợp lý, gây phản cảm từ kịch cho đến cải lương.

Theo những người trong cuộc, để hạn chế những bất cập nêu trên thì ngay từ khi sáng tác kịch bản, tác giả cần phải nghĩ đến việc gia cố các câu thoại cho hay, ngắn gọn, súc tích, duyên dáng, hàm chứa ý nghĩa và thông điệp giáo dục. Nghĩa là tác giả phải biết tạo "trend" cho chính nhân vật với những câu chữ gắn liền với suy nghĩ, tính cách, tình cảm của khán giả.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết IDECAF đã mời ê-kíp của đạo diễn Ngọc Hồng dàn dựng vở "Thanh Xà, ngàn năm tỉnh mộng". Đạo diễn Ngọc Hồng - từng gây cơn sốt vé tại Nhà hát Thế Giới Trẻ một thời - có lợi thế sử dụng những câu "hot trend" duyên dáng. Qua bàn tay dàn dựng của ê-kíp này, vở "Thanh Xà, ngàn năm tỉnh mộng" hứa hẹn sẽ thu hút được khán giả trẻ.

Theo soạn giả Hoàng Song Việt, ông thường xuyên xem TikTok và cảm thấy rất hào hứng với những suy nghĩ của giới trẻ thông qua các clip ngắn chứa đựng nhiều thông điệp đẹp. "Tôi đang hướng đến sáng tác kịch bản cải lương có nội dung từ những "hot trend". Câu chuyện chính của kịch bản là thông điệp các bạn trẻ được sống với chính mình, được nói lên ước mơ của mình và được sống với ước mơ đó" - ông tiết lộ.

Chủ động tạo "trend"

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng một tác phẩm văn học hay không hẳn trở thành một vở kịch hay nếu không có kịch bản tốt.

"Hot trend" đang là xu hướng dựa theo mạng xã hội để thu hút khán giả, song mỗi ngày lại có những "trend" mới nên nghệ sĩ không thể chạy theo "trend". Do vậy, khâu sáng tác kịch bản để có những câu thoại hay, mang tính triết lý, đồng thời thể hiện rõ thông điệp hướng tới cho khán giả là điều cần phải được đầu tư.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích: Với hàng chục triệu người dùng, mạng xã hội đã và đang là nơi chắp cánh cho nghệ sĩ trẻ đến gần hơn với khán giả, bên cạnh sự tự thân sáng tạo của nghệ sĩ. "Thế nhưng, kịch mà mỗi tuyến nhân vật đều tranh nhau nói những câu "hot trend" thì còn đâu là kịch. Vở diễn phải dung hòa giữa tính giải trí với tư duy giáo dục, đưa vào kịch bản một cách hợp lý những câu nói "hot trend" để không phá hỏng tính cách, tâm lý nhân vật" - bà nhìn nhận.

Trong khi đó, đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng lời thoại thường đi với hành động của nhân vật thì mới hình thành nên kịch. Ông đánh giá: "Hai yếu tố này phải phù hợp với giới trẻ hiện nay mới thu hút được họ. Do vậy, vở diễn cần phải liên tục chủ động tạo "trend" cho phù hợp với đối tượng khán giả này".

Hội Sân khấu TP HCM cho biết đã làm việc với Chi hội Tác giả về việc triển khai định hướng sáng tác kịch bản theo chủ đề đang được xã hội quan tâm. Theo ông Trần Văn Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Tác giả, các tác giả sẽ gửi đề cương, sau đó chi hội sẽ trao đổi, góp ý, giúp họ tìm ra chìa khóa để sáng tác kịch bản hiệu quả.

PGS-TS Trần Yến Chi, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, nhận định trong thực tế, chính câu chuyện kịch hay, được sáng tạo bằng tâm huyết và có hình thức dàn dựng mới sẽ được công chúng, trong đó có giới trẻ, hưởng ứng.

"Cần lưu tâm đến việc phản biện trước những câu nói đang được xem là "hot trend", để xem chúng có đáng được phổ biến hay sẽ phản tác dụng khi khán giả trẻ đến xem và cổ xúy cho những câu nói thiếu lành mạnh" - PGS-TS Trần Yến Chi băn khoăn.

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/kich-ban-san-khau-theo-trend-can-can-nhac-20230402204824304.htm