Khủng hoảng Haiti: Washington nói tình huống nhân đạo 'thảm khốc nhất', cả nghìn người Mỹ tìm cách tháo chạy

Khoảng 1.000 công dân Mỹ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này hỗ trợ để rời Haiti trong bối cảnh làn sóng bạo lực băng đảng đang tàn phá quốc gia Mỹ Latinh.

Các sĩ quan cảnh sát làm nhiệm vụ xung quanh khu vực nhà tù quốc gia ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti, ngày 14/3. (Nguồn: Reuters)

Ngày 18/3, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thừa nhận đây là một “tình huống khó khăn”, đồng thời cho biết, Washington tiếp tục theo dõi tình hình, đánh giá nhu cầu của công dân, tình hình an ninh chung và nghiên cứu các phương án vận chuyển thương mại khác nhau.

Fox News dẫn lời ông Patel cho hay, Mỹ đã đưa hơn 30 công dân rời Haiti an toàn ngày 17/3, kêu gọi những công dân khác giữ liên lạc với bộ trên.

Về việc thành lập một hội đồng chuyển tiếp - chịu trách nhiệm bầu ra thủ tướng lâm thời cũng như hội đồng bộ trưởng ở Haiti, vốn đang đình trệ - quan chức Mỹ nhận định, các bên liên quan đang tiến rất gần đến mục tiêu và vẫn tích cực thảo luận với các nhà lãnh đạo Cộng đồng Caribbean (Caricom).

Đánh giá tình hinh ở Haiti, ông Patel cho hay: “Không hề cường điệu khi nói rằng đây là một trong những tình huống nhân đạo thảm khốc nhất trên thế giới... Bạo lực băng đảng tiếp tục khiến tình hình an ninh ở Haiti trở nên không ổn định và đây là khu vực cần được chúng tôi chú ý".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra nhận xét trên chỉ vài giờ sau khi AP đưa tin về vụ việc các băng đảng sát hại ít nhất 12 người vào sáng sớm ngày 18/3 (giờ địa phương) ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince.

Nhà riêng của một quan chức tòa án cấp cao cũng bị băng nhóm tội phạm tấn công. Người này sống sót nhờ các vệ sĩ riêng can thiệp kịp thời.

Trong khi đó, cùng ngày, công ty điện lực Haiti thông báo, 4 trạm biến áp ở thủ đô và các khu vực khác “đã bị phá hủy và hư hỏng hoàn toàn”, dẫn đến việc phần lớn Port-au-Prince bị mất điện, bao gồm cả một bệnh viện.

Các cuộc tấn công không ngừng gia tăng gần đây làm dấy lên lo ngại rằng bạo lực băng nhóm sẽ không giảm kể cả khi Hội đồng chuyển tiếp được thành lập ở Haiti.

Cũng trong ngày 18/3, chính phủ Bahamas tuyên bố đã thực hiện “các biện pháp quan trọng” để bảo vệ biên giới trong bối cảnh khủng hoảng tại quốc gia Haiti láng giềng ngày càng nghiêm trọng.

Theo Thủ tướng Bahamas Phillip Davis, Lực lượng Phòng vệ Hoàng gia nước này (RBDF) đã thiết lập chiến dịch phong tỏa biên giới phía Nam và triển khai nhiều tàu bè, máy bay cùng 120 sĩ quan chuyên nghiệp.

RBDF cũng đang hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, Quần đảo Turks & Caicos, và Lực lượng Tuần tra biên giới Cuba.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Caricom, ông Davis nhận định, cuộc khủng hoảng ở Haiti “phức tạp và đa chiều”, đồng thời cho biết, mặc dù đã có một số tiến bộ tích cực, nhưng vẫn còn những trở ngại lớn.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-haiti-washington-noi-tinh-huong-nhan-dao-tham-khoc-nhat-ca-nghin-nguoi-my-tim-cach-thao-chay-264650.html