Khúc Hạo: Cải cách, xây nền tự chủ

Sau đêm dài ngàn năm thuộc Bắc, cha con Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo (còn gọi là Khúc Hạo) đã nổi lên dựng nền tự chủ cho nước ta. Với những cải cách lớn lao, Khúc Thừa Hạo đã đặt nền móng để các triều đại sau này xưng vương, xưng đế mở ra triều đại phong kiến độc lập tự chủ ngàn năm.

Quần thể di tích đền thờ Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo
và Khúc Thừa Mỹ tại làng Cúc Bồ.

Cơ hội giành quyền

Làng Cúc Bồ, tên nôm là làng Gọc, nằm bên bờ sông Luộc xã Kiến Thiết, huyện Ninh Giang, Hải Dương là quê hương của ba cha con họ Khúc dựng nền tự chủ: Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo và Khúc Thừa Mỹ. Những nhà khảo cổ đã khai quật được ở Cúc Bồ những viên ngói lớp mái của họ Khúc càng khẳng định quê hương ông ở đây chứ không phải ở châu Đường Lâm thuộc Thanh Hóa. Năm 2004, tại mảnh đất quê hương Cúc Bồ, quần thể khu di tích đền thờ ba cha con họ Khúc đã được xây dựng.

Tại mảnh đất Cúc Bồ này, vào năm 905, hào trưởng Khúc Thừa Dụ và con trai Khúc Thừa Hạo đã đứng lên lãnh đạo nhân dân giành chính quyền từ tay nhà Đường. Đó là thời điểm nhà Đường suy yếu, bị chia cắt thành 5 đời 10 nước (ngũ đại thập quốc). Tiết độ sứ Chu Toàn Dục tàn ác, chính sự hà khắc bị dân ta gọi là “ngục Thượng thư” (thượng thư ác) nên quyền thần Chu Toàn Trung sợ anh mình không giữ được Tĩnh Hải quân (tên nước ta thời thuộc Đường) sẽ mắc tội với nhà Đường nên cho Độc Cô Tổn sang thay. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, Độc Cô Tổn không hợp ý quyền thần Chu Toàn Trung nên bị triệu về, giao đi Hải Nam rồi giết chết. Chớp thời cơ chưa có người của triều đình nhà Đường thay thế, Khúc Thừa Dụ đã kéo quân lên đánh chiếm thành Đại La (nay là Hà Nội), đuổi quan quân nhà Đường về nước, rồi sai Khúc Thừa Hạo sang xin triều đình nhà Đường công nhận là Tiết độ sứ. Nhà Đường buộc phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của họ Khúc và năm 906, phong cho Khúc Thừa Dụ chức Tĩnh Hải quân Đồng bình Chương sự.

Tuy danh nghĩa “xin mệnh nhà Đường” nhưng bên trong, Khúc Thừa Dụ tiến hành dựng nền tự chủ quốc gia thực sự, chính quyền độc lập và do người Việt quản lý. Ông phong cho con trai Khúc Thừa Hạo chức “Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu” nắm binh quyền và sẽ thay thế vị thế Tiết độ sứ.
Năm 907, sau hai năm xác lập nền tự chủ thì Khúc Thừa Dụ băng hà. Khúc Thừa Hạo nối nghiệp cha. Lúc này, nhà Đường bị Chu Toàn Trung lật đổ và dựng lên nhà Hậu Lương. Với đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhà Hậu Lương cũng phải công nhận Khúc Hạo là Tiết Độ sứ.

Cải cách từ gốc rễ

Để tiến hành cải cách trong nước, Khúc Thừa Hạo tiếp tục kế thừa đường lối ngoại giao của cha. Đó là chính sách mềm dẻo với nhà Hậu Lương để họ không có cớ xâm lược. Tuy năm sau (908), nhà Hậu Lương phong cho Lưu Ẩn -Tiết độ sứ Thanh Hải quân kiêm quản Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân và An Nam đô hộ phủ, tức là gián tiếp không công nhận Khúc Hạo là Tiết độ sứ cai quản Tĩnh Hải quân. Thế nhưng, nhà Lương khi đó không đủ sức để cất quân ngàn dặm đánh chiếm Tĩnh Hải quân vì còn lo đánh dẹp nạn cát cứ sau khi cướp quyền nhà Đường. Ý đồ phong chức “hờ” trên danh nghĩa cho Lưu Ẩn cũng không khiến y động binh vì Lưu Ẩn cũng đang nuôi tham vọng gây dựng thêm sức mạnh để có thể thành lập nước Nam Hán sau này. Ở vào tình thế như vậy, Khúc Hạo nhận rõ thời cơ chưa tới, nên ông không xưng vương, xưng đế như nhiều quốc gia nổi lên bên cạnh nhà Hậu Lương mà lặng lẽ tiến hành cải cách đất nước để dựng nền móng vững chắc cho nền tự chủ.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đánh giá về cải cách của Khúc Hạo như sau: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Đường lối chính trị thân dân của Khúc Hạo thể hiện ở chỗ: khoan dung không khắt khe quá đối với nhân dân, chống bọn tham quan ô lại. Giản dị không phiền hà nhiễu dân bởi thủ tục hành chính, quan liêu… chú trọng yên vui an cư lạc nghiệp cho dân ở các làng xóm.

Cải cách hành chính được coi là điểm then chốt của Khúc Hạo. Trước đó, nhà Đường cai trị nước ta mới chỉ nắm được cấp châu, huyện, và rất ít cấp hương, chưa tới cấp xã. Khúc Hạo đã phân cấp chính quyền lại và đưa xã vào cấp cơ sở. Từ mô hình hành chính dưới thời thuộc Đường “Châu, huyện, hương, xã”, Khúc Hạo đã cải cách thành “Lộ, phủ, châu, giáp, xã” và bổ nhiệm trực tiếp cấp xã. Như vậy, hình thành chính quyền trung ương tập quyền thống nhất. Cách làm này tránh được sự cát cứ và dễ dàng huy động được sức mạnh từ cơ sở làng – xã. Với đặc thù văn hóa Việt Nam, làng – xã đóng vai trò căn cốt thì việc cải cách này là một cải cách lớn, nó lý giải tại sao sau hàng ngàn năm Bắc thuộc thì dân tộc ta lại có thể vùng lên giải phóng và dựng nền tự chủ. Với địa vị hào trưởng Hồng châu từ làng xã vùng lên giành chính quyền, cha con Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo quá hiểu điều đó. Tại mỗi xã, Khúc Hạo đặt ra một chánh – nhân dân thường gọi là ông Cai giáp (câu đương) và một tá lệnh trưởng cùng một số người giúp việc là các ông lềnh (từ chữ lệnh mà ra) – lềnh nhất, lềnh nhì, lềnh ba.

Tại một số xã gần nhau trước là hương, nay đổi thành giáp, có một quản giáp và một phó tri giáp trông nom việc quản lý hộ khẩu và thu thuế. Theo sách An Nam chí nguyên, Khúc Hạo đặt thêm 150 giáp, cộng với những giáp trước đây nhà Đường đặt, cả thảy toàn bộ Tĩnh Hải quân có 314 giáp. Các giáp đều quy định cha ở giáp nào thì con trai sinh ra ở giáp ấy, không quy định con gái vì họ sẽ đi lấy chồng. Độ tuổi trong các giáp được chia thành ba loại: Tỷ ấu (từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi); Đinh, tráng (từ 18 tuổi đến 55 tuổi); Bô lão (55 tuổi trở lên). Đinh, tráng giữ vị trí chủ chốt của giáp.

Cải cách về kinh tế chủ yếu của Khúc Hạo là sửa đổi chế độ điền tô và phú dịch. Thời thuộc Đường, phương thức bóc lột của chính quyền đô hộ ngoài những hình thức như tô, dung điệu còn có nhiều hình thức bóc lột nặng nề, phiền nhiễu khác như cống nạp, phúc dịch theo nhu cầu của chính quyền trung ương và quan lại đô hộ. Khúc Hạo đã xóa bỏ toàn bộ lực dịch, không bắt người dân phải lao động khổ sai cho chính quyền. Và cải cách lớn nhất của ông là chủ trương “bình quân thuế ruộng”. Ruộng đất thuộc chính quyền công xã quản lý nhưng giao cho các hộ dân sử dụng. Các hộ dân lập sổ kê khai hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán giao cho giáp trưởng quản lý. Mức bình quân thuế ruộng của Khúc Hạo đã làm giảm nhẹ mức bóc lột với nhân dân, đồng thời xóa bỏ được mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân như thời thuộc Đường. Bằng cách này, Khúc Hạo tạo ra sự hòa hợp giữa nhà nước và công xã, tức giữa nước với làng. Cuộc cải cách này đã tạo mầm mống cho sở hữu ruộng đất sẽ được củng cố và nâng cao dần theo quá trình phát triển của chế độ quân chủ tập quyền hoàn toàn độc lập tự chủ sau này. Nhờ mô hình cải cách “bình quân thuế ruộng” mà số đơn vị hành chính thời Khúc Hạo được tăng lên. Việc đưa nhân khẩu vào quản lý chặt chẽ hơn còn tạo điều kiện tăng cường nhân lực cho các hoạt động kinh tế, quân sự của chính quyền.

Bên cạnh đường lối ngoại giao mềm dẻo, tránh xung đột thì những cải cách cơ bản của Khúc Hạo về hành chính và thuế đã đem lại một diện mạo mới của nước ta. Người dân từ tinh thần cam chịu làm “con dân Hoa Hạ”, đã lấy lại sinh khí con Lạc cháu Hồng.

Năm 917, Lưu Nghiễm (nối nghiệp anh là Lưu Ẩn) lập ra nước Nam Hán. Nhận thấy nguy cơ liền kề, Khúc Thừa Hạo sai con là Khúc Thừa Mỹ làm “Khuyến hiếu sứ” sang kết mối hòa hiếu nhưng thực chất là thăm dò tình hình. Khúc Thừa Hạo chủ trương cận thân với nhà Nam Hán và vẫn giữ quan hệ sơ giao với Hậu Lương.

Tiếc rằng, đang khi cải cách phát triển thì Khúc Thừa Hạo băng hà. Khúc Thừa Mỹ lên thay, nhưng lại làm trái đường lối của cha, bắt người dân phải lao dịch nặng nề. Về mặt đối ngoại, lại chủ trương “viễn giao, cận chiến” tức là kết thân với nhà Hậu Lương ở trung nguyên mà gây hấn, gọi Nam Hán là “ngụy đình” (triều đình tiếm ngôi). Do vậy, khi có điều kiện vào năm 923, Nam Hán đã cất quân xâm lược. Khúc Thừa Mỹ thua trận bị bắt về Phiên Ngung. May mà, với nền tảng độc lập tự chủ đã được xây dựng, Dương Đình Nghệ - viên tướng của Khúc Hạo đã mau chóng lấy lại được nước. Tiếp đó, Ngô Quyền – viên tướng của Dương Đình Nghệ đã nối nghiệp đại thống và xưng vương, đưa nước ta hoàn toàn độc lập tự chủ.

Với công lao giành lại độc lập, lại bước đầu xây dựng nền tự chủ, góp phần cho các triều đại sau xưng vương, xưng đế, nên sử sách suy tôn ba cha con họ Khúc là: Khúc tiên Chủ, Khúc trung Chủ và Khúc Hậu chủ hay Khúc vương. Tại thủ đô Hà Nội cũng đã có một tên phố mang tên danh nhân Khúc Hạo.

Mạnh Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/khuc-hao-cai-cach-xay-nen-tu-chu/123232