Khu trục hạm Mỹ nạp tên lửa trên biển, đề phòng giao tranh cường độ cao

Tàu tiếp vận thử nghiệm nạp tên lửa vào bệ phóng thẳng đứng trên khu trục hạm Mỹ, đây là động thái nhằm chuẩn bị cho kịch bản tác chiến cường độ cao.

Nhằm đối phó với kịch bản khi phải tác chiến trong cường độ cao, hải quân Mỹ đã bắt đầu luyện tập nạp tên lửa cho các tàu khu trục ngay trên biển.

Cuộc thử nghiệm nạp tên lửa trên biển diễn ra tại các quân cảng ở bang Colorado và California từ ngày 4 đến 7/10, nhưng thông tin chỉ được hải quân Mỹ công bố hôm 18/10.

Thông thường tàu chiến Mỹ sẽ được nạp tên lửa tại cảng, đòi hỏi chiến hạm phải quay về cảng nhà để neo đậu và tiếp thêm vũ khí, sau đó quay lại chiến trường.

Hải quân Mỹ cho biết đây là lần đầu một tàu tiếp vận xa bờ được sử dụng để thử nghiệm nạp đạn cho hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) cho tàu chiến ngay trên biển, giúp tiết kiệm thời gian trở về cảng nhà.

Trong đợt thử nghiệm, tàu tiếp vận xa bờ MV Ocean chuyển các ống phóng thẳng đứng sang tàu khu trục USS Spruance thuộc lớp Arleigh Burke và nạp vào bệ phóng của chiến hạm này tại vùng biển trên vịnh San Diego. Quan chức hải quân Mỹ cho biết các ống phóng là phiên bản huấn luyện, không chứa tên lửa chiến đấu.

Hiện chưa rõ hải quân Mỹ có quyết định tiến hành thử nghiệm ở vùng biển ngoài khơi, nơi sóng mạnh hơn khiến các tàu rung lắc nhiều hơn hay không.

Hải quân Mỹ đang tìm cách khôi phục khả năng nạp đạn trên biển cho hệ thống VLS Mark 41 của tàu chiến. Đây là yếu tố có thể thay đổi đáng kể khả năng hậu cần trong tình huống giao tranh cường độ cao với các đối thủ ngang hàng.

Kể từ khi bắt đầu vận hành trên tuần dương hạm USS Bunker Hill vào năm 1986, Mark 41 và biến thể mới Mark 57 đã trở thành hệ thống hỏa lực chính trên hạm đội tàu mặt nước của Mỹ.

Nó tương thích với nhiều loại vũ khí trong biên chế hải quân Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống ngầm VL-ASROC, tên lửa phòng không tầm xa SM-2, SM-3 và SM-6.

Điều này cho phép mỗi tàu mang được cả tên lửa phòng thủ và tấn công tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, sau khi hệ thống VLS sử dụng hết tên lửa, các tàu chiến phải rút về cảng đồng minh để nạp đạn. Đây là điểm yếu nghiêm trọng, đặc biệt trong kịch bản giao tranh cường độ cao.

Khi mới đưa vào biên chế, hệ thống Mark 41 vẫn có thể nạp các tên lửa nhẹ vào ống phóng ngay trên biển. Khả năng này bị loại bỏ sau Chiến tranh Lạnh, do Mỹ tin rằng sẽ không bao giờ có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đủ sức thách thức sự thống trị đại dương của họ.

Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng tăng, buộc hải quân Mỹ thay đổi chiến thuật, tìm cách nạp tên lửa gần tiền tuyến cho hạm đội tàu chiến.

Việc các khu trục hạm Mỹ phải về cảng cách chiến trường hàng nghìn km để nạp đạn có thể khiến chúng vắng mặt vào thời khắc quan trọng, trong khi các căn cứ hậu cần dễ trở thành mục tiêu bị tấn công.

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường này có độ giãn nước từ 8.300 cho đến 10.000 tấn tùy từng phiên bản. Mỹ lên kế hoạch đóng 76 chiếc và đã có 68 chiếc được hoàn thành, 67 tàu trong số đó đã được biên chế.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW).

Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Để cận chiến, lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên.

Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.

Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm.

Ngoài ra khu trục hạm lớp Arleigh Burke còn được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon.

Ngoài tàu chiến này cũng có sàn đáp để biên chế dòng trực thăng săn ngầm MH-60R Seahawk.

Cung cấp lực đẩy cho tàu là 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp đạt tốc độ tối đa 56 km/h, tầm hoạt động 8.100 km.

Bộ não của tàu là radar AN/SPY-1D. Đây là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) dành cho hải quân được hãng Lockheed Martin chế tạo.

Radar AN/SPY-1D có tầm hoạt động tối đa 320 km với mục tiêu trên không và 83 km với tên lửa bay bám biển.

Hệ thống radar trên tàu cho phép quản lý tới 800 mục tiêu, đồng thời dẫn đường cho vũ khí tiêu diệt hàng chục mục tiêu cùng lúc.

Với những công nghệ và vũ khí như vậy, khu trục hạm lớp Arleigh Burke được nhìn nhận cực hiệu quả và tạo ra sự đe dọa lớn đối với hải quân đối phương.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khu-truc-ham-my-nap-ten-lua-tren-bien-de-phong-giao-tranh-cuong-do-cao-post520654.antd