Khu đô thị Linh Đàm oằn mình với ùn tắc

Năm 2009, Khu đô thị Linh Đàm (KĐTLĐ), trong đó có bán đảo Linh Đàm được vinh danh là khu đô thị xanh kiểu mẫu với thế mạnh là những hồ nước thoáng mát, mật độ dân số bố trí hợp lý. Bẵng đi nhiều năm, ngoảnh đầu nhìn lại nhiều người không khỏi thảng thốt bởi sự thay đổi đến chóng mặt. Từ “nàng tiên xanh” năm nào, nay Linh Đàm đang trơ trọi với những hình thù của hàng loạt ngôi nhà trọc trời. Không gian xanh bị cắt xén, nơi này ngột ngạt đến khó thở...

Chẳng phải ngẫu nhiên giới kiến trúc một thời hết lời ca ngợi KĐT LĐ, nằm trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai và xã Tam Hiệp, Thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Bởi trong quy hoạch chi tiết cho 160ha đất thì có tới 50% diện tích là mặt nước. Những ngôi nhà hướng cửa nhìn ra hồ, có cây xanh bao bọc. Xu hướng thiết kế mở, thân thiện với thiên nhiên từ khu đô thị này cũng là nguồn cảm hứng cho ra đời hàng loạt đô thị khác, trong đó có KĐT Mỹ Đình II với khoảng cách nối mỗi tòa nhà là một sân chung, bao quanh KĐT là đường nội bộ rợp bóng cây. KĐT LĐ gắn liền với tên tuổi TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) ngày ấy.

Thế nhưng, sau khi “đội vương miện” ít lâu, KĐT này đã thay đổi đến khó tả với sự xuất hiện của hàng chục tòa nhà, kiến trúc bị phá vỡ, mật độ dân số tăng đột biến dẫn đến giao thông cũng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ngay cửa ngõ Linh Đàm, vốn được quy hoạch cho khoảng 4.800 người ở, sau điều chỉnh quy mô dân số đã tăng lên 10.550 người.

TS.KTS Khuất Tân Hưng không khỏi tiếc nuối cho bản quy hoạch KĐT LĐ ngày nào, giờ không còn hiện thực hóa được nữa. Khu đất ở trung tâm bán đảo dự kiến xây dựng văn phòng đã bị chuyển đổi thành đất ở, trong đó tòa nhà VP3 và VP5 với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch) đã phá vỡ cấu trúc không gian khu vực này. Sự đứt gãy đột ngột về quy hoạch đã tạo ra hình ảnh lộn xộn, bức bối về thị giác, phá hỏng hoàn toàn ý đồ cảnh quan của khu vực. Khu đất 5ha của trung tâm dịch vụ tổng hợp kết nối giữa bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây nam Linh Đàm và cả khu Nam Linh Đàm trong tương lai đã nhường chỗ cho khu nhà ở giá rẻ gồm 12 tòa chung cư cao 36 - 42 tầng có ký hiệu HH với mật độ xây dựng và cư trú cao. Riêng khu nhà ở này sau khi hoàn thiện sẽ bổ sung khoảng 30.000 dân cho khu bán đảo Linh Đàm, hơn gấp đôi so với dân số dự kiến trong quy hoạch đầu tiên. Chưa hết, nhiều dự án chung cư giá rẻ của BIC Việt Nam, dự kiến cũng sẽ hoàn thiện trong thời gian tới. Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 01: 2008/BXD thì khoảng cách tối thiểu giữa các tòa nhà cao tầng (có chiều cao trên 46m) phải bảo đảm 25m. Nhưng thực tế thì chủ đầu tư các khu nhà ở HH đã rút xuống còn 10 - 15m.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, chuyển về KĐT LĐ từ năm 2010 chia sẻ: “Cảnh từng đoàn người sáng ùn ùn kéo nhau đi và chiều tối lại rồng rắn về khiến tôi có cảm giác ồn ào như là công trường chứ không phải là để sống và thư giãn sau mỗi ngày lao động”.

Hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật chưa hoàn thiện đã trở nên quá tải, nỗi khổ kẹt xe triền miên mỗi ngày. Đường Nguyễn Hữu Thọ là trục giao thông trọng điểm, giúp các phương tiện từ quận Thanh Xuân, Hà Đông, vành đai 3 đi qua khu đô thị Linh Đàm tới đường Giải Phóng và đi vào nội thành, cũng như tới đường quốc lộ 1A đang lâm vào thảm cảnh đường hẹp, thường xuyên ùn, tắc vào giờ cao điểm. Đường xá như mạch máu phản ánh “sức khỏe” của TP và nhỏ hơn là mỗi khu dân cư. Khó có thể hình dung rằng, ở cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, với tiềm lực về dân số những tưởng sẽ là động lực để cuộc sống và kinh tế người dân khởi sắc. Nhưng thực tế đang cho thấy một quy trình ngược, gánh nặng phát sinh cho quy hoạch và giao thông. Một tòa nhà gánh tới 3.000 dân, thường xuyên ùn ứ ngay tại điểm chờ thang máy vào mỗi sáng sớm.

Trả lời báo chí, ông Trần Toàn Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt nói: Dân số cả phường Hoàng Liệt thời điểm năm 2015 vào khoảng 7.000 dân, tương đương 2.000 hộ. Nhưng chỉ cần 12 tòa nhà HH đưa vào sử dụng đã có số dân bằng dân gốc cả phường. Mật độ dân số quá cao, không hiểu quy hoạch như thế nào chứ mai này người dân vào ở thì lấy đâu chỗ để xe, không gian sinh hoạt cộng đồng. Kiểu gì sắp tới chúng tôi cũng vất vả với khu nhà ở này. Các khu đô thị như Pháp Vân -Tứ Hiệp, Bán đảo Linh Đàm, Tây Nam Linh Đàm chủ đầu tư không xây dựng trường học công lập, gánh nặng trường công đang đè xuống trường mầm non, Tiểu học Hoàng Liệt”, ông Trần Toàn Thương cho biết thêm.

Giờ đây Linh Đàm lại là nơi hàng chục nghìn căn hộ nêm chặt với nhau trong mỗi khối nhà. Từ câu chuyện KĐTLĐ ắt hẳn sẽ là bài học quý giá cho các nhà hoạch định mỗi khi đưa ra ý tưởng sống cho một KĐT nào đó trong tương lai.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/khu-do-thi-linh-dam-oan-minh-voi-un-tac-119527