Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) lợi nhuận quý 3 tăng trưởng chỉ nhờ lãi tiền gửi

CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên tăng trưởng lợi nhuận quý 3 chủ yếu nhờ lãi tiền gửi. Tài sản công ty chiếm 80% là nợ phải trả.

KCN Nam Tân Uyên (NTC) lãi quý 3 tăng trưởng nhờ tiền gửi và nhận cổ tức

CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã UPCoM: NTC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3. Trong đó doanh thu thuần đạt 54,3 tỷ đồng tăng 2% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu chủ yếu đến từ dịch vụ cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Giá vốn hàng bán chỉ ghi nhận 16,2 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 38,2 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp trong kỳ đã tăng từ 69,2% lên 70,3%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp rưỡi, từ 40 tỷ lên 61,6 tỷ đồng. Trong đó bao gồm lãi tiền gửi, lãi cho vay chiếm 29,7 tỷ đồng, lãi bán hàng trả chậm 4,1 tỷ đồng và cổ tức được chia chiếm 27,9 tỷ.

KCN Nam Tân Uyên (NTC) tăng trưởng lãi Quý 3 chủ yếu nhờ lãi tiền gửi (Ảnh TL)

Khoản cổ tức này là tiền cổ tức được chia từ các bên liên quan bao gồm: 15,2 tỷ cổ tức từ CTCP KCN Bắc Đồng Phú; 8,1 tỷ đồng từ CTCP KCN Cao su Bình Long.

Doanh thu tài chính tăng mạnh trong khi chi phí tài chính chỉ chiếm 2,5 tỷ đồng. Điều này đã tạo nên động lực thúc đẩy giúp cho lợi nhuận quý 2 của NTC tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận sau thuế của KCN Nam Tân Uyên đạt 76,7 tỷ đồng, tăng 25,9%.

Trên thực tế, nếu không có khoản doanh thu tài chính tăng đột biến nêu trên, lợi nhuận quý 3 của NTC sẽ tăng trưởng âm so với quý 3 cùng kỳ.

Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm của NTC đạt 172,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 232 tỷ đồng. Nếu so sánh với mục tiêu năm 2023, doanh thu 812,5 tỷ, lợi nhuận sau thuế 284,4 tỷ thì hiện tại NTC đã hoàn thành được 35% kế hoạch doanh thu cùng 81,5% mục tiêu lợi nhuận năm.

Nợ dài hạn gần 3.000 tỷ, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu

Tại thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của NTC đạt 4.429,8 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó công ty đang nắm 3,6 tỷ đồng tiền mặt.

Đi cùng với đó là 1.210,2 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 190 tỷ đồng tiền gửi dài hạn tại ngân hàng. Điều này tương đối dễ hiểu bởi trong điều kiện kinh tế nhiều biến động như hiện tại, nhiều công ty lựa chọn phương án an toàn là gửi tiền thay vì mở rộng kinh doanh.

NTC hiện cũng đang có các khoản đầu tư tài chính chiếm 585,5 tỷ đồng vào các công ty liên kết. Khoản đầu tư đáng chú ý bao gồm:

CTCP KCN Cao su Bình Long (MH3) 174,8 tỷ, tương đương 37,8% vốn điều lệ; CTCP KCN Bắc Đồng Phú 120 tỷ, tương đương 40% vốn điều lệ; CT TNHH CN và Đô thị Nam Tân Uyên 80 tỷ, tương đương 20% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG 91 tỷ tương đương 9,06% vốn điều lệ...

Ngoài ra, tại khoản đầu tư vào CTCP Cao su Trường Phát với giá trị 10 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ, NTC đang tạm ghi nhận lỗ 2,1 tỷ đồng.

Nguồn vốn của NTC có 80% là nợ phải trả với nợ ngắn hạn chiếm 520 tỷ đồng. Chủ yếu trong đó là 158,7 tỷ đồng tiền người mua trả trước ngắn hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn có xu hướng gia tăng từ 71,6 tỷ lên 248,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 9 tháng, nợ vay ngắn hạn đã tăng lên gấp 3,5 lần.

Nợ dài hạn ghi nhận cơ cấu chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn, chiếm 2.936,7 tỷ đồng. Đây đều là doanh thu nhận trước tiền cho thuê đất, hạ tầng KCN.

Vốn chủ sở hữu chiếm 940,9 tỷ đồng, tương đương 21,2% tổng nguồn vốn. Trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện đang chiếm tới 420,1 tỷ đồng, tăng 55,4% so với thời điểm đầu năm.

Trong phiên giao dịch ngày 18/10/2023, cổ phiếu NTC đang được giao dịch ở mức giá 194.000 đồng/cổ phiếu, lực phe bán tạm thời vẫn đang áp đảo khiến giá cổ phiếu giảm nhẹ 1,75% so với phiên trước đó.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khu-cong-nghiep-nam-tan-uyen-ntc-loi-nhuan-quy-3-tang-truong-chi-nho-lai-tien-gui-post268817.html