Khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam trước ngày trở thành khu đô thị

Sau hơn 60 năm hoạt động, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) sắp tiến hành di dời các doanh nghiệp bên trong để chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Được xem là "cái nôi" của nền công nghiệp Việt Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 tọa lạc trên tổng diện tích 324 ha ngay giữa trung tâm TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhưng cũng bởi vậy, ngay cạnh khu công nghiệp giờ đây là khu dân cư hiện hữu. Nước thải từ các nhà máy tại đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Đồng Nai và khu vực trung tâm TP Biên Hòa.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai mới đây đã có quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp này thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Tỉnh cho rằng việc di dời là tất yếu để phù hợp với tình hình mới và là cơ hội để phát triển TP Biên Hòa theo đúng quy hoạch.

Bên trong khu công nghiệp hiện có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng với hơn 21.000 lao động làm việc. Trong đó, trên 6.000 lao động làm việc trong khối doanh nghiệp FDI và hơn 15.000 người là nhân sự của các doanh nghiệp trong nước.

UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến việc di dời các doanh nghiệp tại đây sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025. Cơ quan chức năng sẽ áp dụng ưu đãi thuế thu nhập, tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội... cho các doanh nghiệp phải di dời.

Theo ghi nhận của Tri Thức - ZNews, hiện một số nhà máy, xí nghiệp đã di dời sang khu công nghiệp khác. Dự kiến trong thời gian tới, các nhà máy sẽ lần lượt di dời sang các khu công nghiệp Giang Điền, Trảng Bom, Long Thành và các tỉnh, thành khác.

Do nằm trong lộ trình di dời nên một số nhà máy không còn được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Nhiều hạng mục, xí nghiệp, mái ngói, ống khói... tại đây đã trở nên cũ kỹ theo thời gian.

Bên trong khu công nghiệp còn có cư xá được xây dựng dành cho cán bộ, công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Sau gần 50 năm tồn tại, hầu hết căn nhà ở đây đều đã xuống cấp.

Nhiều người dân đang tận dụng mặt bằng để buôn bán rau củ, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cho công nhân. Trong đề án vừa được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai xác định phải chi khoảng 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống người lao động, ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng công ty Sonadezi - chủ đầu tư Khu công nghiệp Biên Hòa 1, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện đề án là hơn 7.500 tỷ đồng.

Quy mô đề án được tách thành 2 dự án. Trong đó, dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh có quy mô khoảng 44 ha đang triển khai công trình trụ sở Công an tỉnh (6 ha) và trụ sở Kiểm toán nhà nước khu vực XIII (0,5 ha).

Còn dự án khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286 ha, trong đó có 2 công trình hiện hữu đề xuất giữ lại gồm tòa nhà Sonadezi (1,2 ha) và Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (2,2 ha). Như vậy, Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 sau khi giảm diện tích 2 khu vực trên thì còn hơn 283 ha.

Mục tiêu của đề án là xây dựng một khu đô thị - dịch vụ - thương mại mới văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, tạo bộ mặt mỹ quan đặc trưng cho khu vực nói riêng và TP Biên Hòa nói chung. Đồng thời, đề án cũng góp phần cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Tháng 5/2020, Thủ tướng ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Biên Hòa 1, trong đó quy định Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được tổ chức và hoạt động theo quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2021, Thủ tướng có văn bản chấp thuận đưa khu công nghiệp này ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam.

Vị trí Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Google Maps.

Văn An - Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/khu-cong-nghiep-lau-doi-nhat-viet-nam-truoc-ngay-tro-thanh-khu-do-thi-post1465070.html