Không tuyển lớp 6 trường Ams là theo quy định, sao phụ huynh phản ứng?

Chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên có tính quyết định, giúp học sinh không phải chịu áp lực không cần thiết ở giai đoạn tiểu học.

Học sinh trong kỳ thi vào lớp 6 của trường THPT chuyên. Ảnh: Phương Lâm.

- Dự định đăng ký vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, 5 năm qua, con tôi đã cố gắng hết sức chỉ để đạt tối thiểu 3 điểm 9, còn đâu là điểm 10.

- Suốt 5 năm, con không có kỳ nghỉ hè để có học bạ đạt điều kiện sơ tuyển. Nếu trường Ams dừng tuyển sinh lớp 6, bao nhiêu công sức của con và gia đình đều đổ xuống sông xuống bể.

Đó là 2 trong nhiều tâm sự của phụ huynh trên các diễn đàn mạng xã hội khi nghe tin trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể phải dừng tuyển sinh lớp 6 năm học 2024-2025.

Phụ huynh phản ứng khi quyền lợi bị ảnh hưởng

Nhưng trao đổi với Tri thức - Znews từ góc nhìn người làm giáo dục, TS Đàm Quang Minh, Phó tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục Equest, khẳng định ở vai trò quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đúng luật, đúng quy định và đã có lộ trình. Song thực tế, nhiều phụ huynh chỉ để ý khi có văn bản của Bộ GD&ĐT đối với trường Ams.

Theo ông Minh, năm 2019, Luật Giáo dục đã có quy định trường chuyên chỉ được thành lập ở cấp THPT, không có trường THCS trong trường chuyên.

Mới đây nhất, năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 05 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, trong đó yêu cầu chấm dứt việc tuyển sinh mới và tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên dưới mọi hình thức.

Các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường THPT chuyên tiếp tục thực hiện cho đến khi học hết lớp 12. Đồng thời, việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường THPT chuyên chỉ được thực hiện đến hết năm học 2023-2024.

“Như vậy, Bộ GD&ĐT đã có thông báo từ trước đó. Tuy nhiên, đến hiện tại, khi quyền lợi bị ảnh hưởng, phụ huynh mới bắt đầu có phản ứng vì sai lộ trình họ vạch ra", ông Minh nói.

Tương tự, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định yêu cầu mới đây của Bộ GD&ĐT đối với trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là đúng luật, đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam.

Quy định này căn cứ trên Luật Giáo dục năm 2019 và không chỉ áp dụng với riêng trường chuyên Hà Nội - Amsterdam mà áp dụng chung trên cả nước.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu thực hiện việc tuyển sinh đúng quy định vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm học có thể khiến nhiều phụ huynh bất ngờ, rơi vào thế bị động bởi họ có con lớp 5 đã chuẩn bị cho con thi vào những ngôi trường này trong thời gian dài.

“Nếu Bộ GD&ĐT có thông báo rõ ràng, phổ biến rộng rãi đến phụ huynh từ một năm trước, rằng khối THCS trong trường chuyên cũng được coi là hệ không chuyên và phải dừng tuyển sinh từ năm 2024. Như vậy, phụ huynh sẽ chủ động và không xảy ra bức xúc trong dư luận như vậy", ông Nam nói.

Những "cuộc đua" vào lớp 6 đang khiến học sinh gặp nhiều áp lực. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Không thi vào trường Ams thì việc học cũng đâu có thừa

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật, yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với các trường THPT chuyên có nhiều mặt tích cực.

Theo đó, nếu duy trì hệ THCS trong các trường THPT chuyên, xu hướng chạy theo thành tích rất dễ diễn ra, dẫn đến trẻ áp lực học tập, áp lực phải chuẩn bị các điều kiện học bạ, luyện thi để đỗ. Điều này đang đi ngược với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như xu thế phát triển trên thế giới - giáo dục phát triển năng lực phẩm chất.

Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục đánh giá hiện nay, nhiều phụ huynh có suy nghĩ trường chuyên, trường chất lượng cao là tốt, đảm bảo trẻ có tương lai thành công. Vì vậy, họ mất nhiều công sức để chuẩn bị, tìm mọi cách từ học thêm, luyện thi để con có thể đỗ vào những trường này.

Tuy nhiên, ông Nam nhìn nhận tương lai một đứa trẻ không phụ thuộc 100% vào ngôi trường. Ngôi trường chỉ là một phương tiện giúp trẻ đi đến thành công chứ không phải là tất cả điều kiện cần và đủ.

Trẻ cần có mục tiêu, động lực học tập nhưng quan trọng, việc học tập phải là niềm vui, niềm say mê chứ không phải “cày ngày cày đêm, không có nghỉ hè” để đạt được mục tiêu, đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ.

“Nhiều phụ huynh tiếc công sức học tập của con nếu không được thi vào trường Ams nhưng thực tế, việc học không bao giờ là thừa. Nếu không thi, kiến thức, năng lực của con vẫn ở đó, không mất đi đâu cả. Việc của phụ huynh là tìm môi trường phát triển toàn diện năng lực của trẻ, thay vì chỉ tập trung vào một ngôi trường và cho rằng đó là số 1, là mục tiêu duy nhất”, ông Nam phân tích.

Đồng quan điểm, TS Đàm Quang Minh nhìn nhận với trẻ ở độ tuổi tiểu học, áp lực học hành, thi cử chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng, mong muốn của phụ huynh. Chính những phản ứng dư luận về việc trường Ams có thể dừng tuyển sinh lớp 6 cũng xuất phát từ phía phụ huynh thay vì học sinh.

Xét ở góc độ nào đó, yêu cầu dừng tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên có tính quyết định, giúp học sinh không phải chịu những áp lực không cần thiết ở giai đoạn tiểu học.

“Các quy định, chính sách cũng nêu rõ giáo dục đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng việc tuyển sinh dựa trên thi cử, đánh giá kiến thức, kỹ năng lại vô tình đẩy học sinh vào việc luyện thi”, ông Minh nói.

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận độ uy tín của hệ THCS trong các trường chuyên, việc dừng tuyển sinh hoàn toàn có thể gây băn khoăn trong dư luận.

Ông Minh đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội có thể tách hệ THCS của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam thành mô hình trường độc lập, như vậy sẽ không vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, ông Minh cũng cho rằng để hạn chế áp lực cho học sinh, Nhà nước cần có kế hoạch xây dựng, phát triển thêm các trường công lập có chất lượng tốt.

“Về mặt thực thi pháp luật, không thể vì sự băn khoăn của một nhóm người mà cả hệ thống giáo dục phải thực hiện sai quy định. Thay vào đó, chúng ta cần giải quyết theo hướng xây dựng các môi trường học tập tốt hơn", ông Minh nhận định.

Chuyên gia nhận định việc tuyển sinh chuyển cấp cũng cần thay đổi. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tương tự, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng phụ huynh lựa chọn các trường chuyên, trường chất lượng cao là bởi mong muốn con có thể học tập tại môi trường có ưu điểm vượt trội như đội ngũ giáo viên chất lượng, cơ sở vật chất tốt.

Như vậy, Bộ GD&ĐT cần thay đổi theo hướng đảm bảo tất cả trường công lập đều có chất lượng tốt từ giáo viên đến cơ sở vật chất, nhằm giảm áp lực khi phải đổ dồn vào một trường.

Bên cạnh đó, ông Nam nhận định việc tuyển sinh chuyển cấp cần thay đổi, không thể đặt ra điều kiện quá khắt khe từ học bạ đến thi tuyển bởi điểm học bạ sẽ không đủ độ tin cậy và độ hiệu lực, đồng thời điểm số của các bài kiểm tra chỉ đánh giá được một phần chứ không thể đánh giá toàn diện năng lực học sinh.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phải thay đổi tư duy, đánh giá, nhìn nhận khách quan hơn trong định hướng giáo dục, bởi không phải cứ trường chuyên, trường chất lượng cao là tốt hoàn toàn. Ngược lại, không phải các trường công bình thường là kém chất lượng.

Thay đổi tư duy đào tạo nhân tài

TS Đàm Quang Minh nhận định ở Việt Nam, các chương trình đào tạo tài năng (trường chuyên, trường chất lượng cao) là cần thiết, thậm chí là phải được đầu tư mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, việc triển khai ở bậc học nào cần phải quan tâm, tránh tạo áp lực không phù hợp cho học sinh như luyện thi, học tủ.

Bên cạnh đó, trường THPT chuyên hiện nay được tổ chức theo hướng giảng dạy chuyên sâu một số môn học nhất định như chuyên Toán, Văn, Anh… Thực chất, hệ THCS trong các trường chuyên này cũng được tổ chức tương tự.

Ông Minh không đồng tình với mô hình này. Vị chuyên gia cho rằng các học sinh đang bị đóng khung trong các môn học. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển đổi mô hình theo hướng nâng cao toàn diện. Tức ngoài môn chuyên, các em cần được rèn luyện ở các môn học khác nhau theo nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

“Không thể phủ nhận môi trường đào tạo hiện nay tại các trường chuyên là tốt. Tuy nhiên, để coi là môi trường phát huy hết tài năng của học sinh thì chưa. Chính vì vậy, các quy định gần đây của Bộ GD&ĐT liên quan đến trường chuyên là đúng đắn, là cơ hội để nhìn nhận lại chiến lược phát triển tài năng của đất nước", ông Minh phân tích.

Nhược điểm của các trường chuyên của Việt Nam hiện nay là đào tạo học sinh thiên lệch về các môn chuyên. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng nhược điểm của các trường chuyên của Việt Nam hiện nay là đào tạo học sinh thiên lệch về các môn chuyên, dẫu rằng các trường chuyên cũng đã ý thức được việc này và phát triển nhiều câu lạc bộ.

Trong khi đó, thị trường lao động yêu cầu một cá nhân không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà còn phải có rất nhiều năng lực cảm xúc xã hội khác như tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội, khả năng phục hồi linh hoạt sau nghịch cảnh, sự tò mò và tinh thần học tập suốt đời, kỹ năng công nghệ, thiết kế và trải nghiệm người dùng, kỹ năng tự tạo động lực, đồng cảm và lắng nghe tích cực…

"Những năng lực này không phải đặc quyền, thậm chí chưa phải là thế mạnh của các ngôi trường chuyên", phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục nhấn mạnh.

Ông Nam đề xuất các trường cần xây dựng các chương trình giáo dục cá nhân hóa phù hợp với tiềm năng từng cá nhân theo hướng linh hoạt, module hóa và cơ chế tăng tốc (trẻ được tiếp xúc với nội dung mới cao hơn ở độ tuổi sớm hơn những đứa trẻ khác, hoặc học cùng một nội dung nhưng trong thời gian ngắn hơn) và làm giàu (không rút ngắn chương trình mà lấp đầy bằng những hoạt động bổ sung).

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/khong-tuyen-lop-6-truong-ams-la-theo-quy-dinh-sao-phu-huynh-phan-ung-post1463770.html