Nguồn gốc của phương pháp giáo dục hiện gây tranh luận ở Việt Nam

Nhờ một sự kiện bất ngờ, bà Maria Montessori tạo ra phương pháp giáo dục đặc biệt, nhanh chóng nổi tiếng và hiện vẫn được áp dụng trên toàn cầu.

 Bà Maria Montessori là người tạo ra phương pháp giáo dục Montessori. Ảnh: KLIK Magazine.

Bà Maria Montessori là người tạo ra phương pháp giáo dục Montessori. Ảnh: KLIK Magazine.

Năm 1906, tiến sĩ, nhà giáo dục người Italy Maria Montessori được mời thành lập một trung tâm chăm sóc trẻ em ở San Lorenzo - một quận nghèo ở thành phố Rome. Tại đây, bà tiếp xúc với một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và chưa từng được đi học.

Vào ngày 6/1/1907, trung tâm chăm sóc trẻ do bà Montessori thành lập chính thức mở cửa, lấy tên là Casa dei Bambini, trong tiếng Italy nghĩa là Nhà Trẻ.

Mục tiêu của tiến sĩ Montessori là biến Casa trở thành môi trường giáo dục chất lượng cho những đứa trẻ nghèo - đối tượng mà nhiều người từng nghĩ là không thể học được. Cuối cùng, bà đã thành công.

Montessori nhanh chóng nổi tiếng

Ban đầu, lũ trẻ vẫn rất bướng, ngỗ ngược nhưng các em lại tỏ ra thích thú khi được giải các câu đó, được học cách chuẩn bị bữa ăn và tham gia các trải nghiệm học tập kết hợp thực hành.

Sau một thời gian, bà Montessori nhận thấy trẻ trở nên bình tĩnh, ôn hòa hơn. Các em cũng tập trung học và có ý thức giữ trật tự và biết chăm sóc, giữ gìn môi trường học tập. Trẻ tiếp thu kiến thức từ môi trường xung quanh, về cơ bản là tự dạy chính mình.

 Bà Maria Montessori tạo ra những dụng cụ, phương pháp học tập độc đáo cho trẻ. Ảnh: Valencia Montessori School.

Bà Maria Montessori tạo ra những dụng cụ, phương pháp học tập độc đáo cho trẻ. Ảnh: Valencia Montessori School.

Bằng cách sử dụng kinh nghiệm và những quan sát khoa học được đúc rút từ công việc trước đây, bà Montessori thiết kế các tài liệu học tập độc đáo cho trẻ. Nhiều tài liệu trong số đó vẫn được sử dụng cho các lớp Montessori ngày nay và tạo ra môi trường nuôi dưỡng ham muốn học tập tự nhiên cho trẻ.

Phương pháp dạy học thành công của bà Montessori nhanh chóng lan rộng khắp Italy. Nhờ đó, bà tiếp tục mở Casa dei Bambini thứ hai ở San Lorenzo vào tháng 4/1907 và Casa dei Bambini thứ ba ở Milan vào tháng 10 cùng năm.

Sự thành công của các trường học do tiến sĩ Montessori thành lập nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận trên toàn thế giới. Các chức sắc từ nhiều nước xa xôi đã lặn lội đến Rome để tận mắt chứng kiến những "đứa trẻ thần kỳ" thể hiện sư tập trung và ý thức tự giác.

Phương pháp Montessori cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà giáo dục nổi tiếng. Họ được chính bà Montessori đào tạo và khóa học của bà thu hút hàng loạt học viên ở khắp nơi. Đặc biệt, chỉ trong vài năm, các châu lục đều có sự hiện diện của mô hình trường Montessori, theo American Montessori Society.

Mở rộng đối tượng dạy học

Năm 1909, tiến sĩ Montessori xuất bản cuốn sách đầu tiên với tựa đề Il Metodo della Pedagogia Scientifica applicato all’educazione infantile nelle Case dei Bambini (tạm dịch: Phương pháp sư phạm khoa học áp dụng trong giáo dục trẻ ở Nhà Trẻ).

Trong vòng 3 năm, cuốn sách này được dịch sang 10 thứ tiếng. Bản chuyển ngữ đầu tiên là tiếng Anh, lấy tựa đề ngắn gọn là The Montessori Method (dịch: Phương pháp Montessori), bán hết 5.000 bản chỉ sau 4 ngày.

Đến năm 1910, trường Montessori có mặt khắp Tây Âu và trường đầu tiên được mở ở Mỹ là vào một năm sau đó. Đến năm 1914, tổng cộng 187 bài báo và sách viết về phương pháp này.

Sau khi phương pháp Montessori trở nên nổi tiếng, tiến sĩ Maria Montessori bắt đầu chú ý đến việc giáo dục trẻ tiểu học vào năm 1916. Một năm sau, bà xuất bản cuốn L'autoeducazionne nelle Scuole Elementari (tựa đề tiếng Anh là The Advanced Montessori Method - Phương pháp Montessori Nâng cao) để nói về việc giáo dục trẻ 7-11 tuổi.

Nghiên cứu ban đầu của tiến sĩ Montessori tập trung vào việc giáo dục trẻ nhỏ, nhưng vào những năm 1920, bà chuyển sự chú ý sang trẻ ở tuổi thiếu niên.

Bà nhận thấy rằng ở giai đoạn phát triển này, học sinh cần các hoạt động giúp các em hiểu bản thân, xác định vị trí của mình trên thế giới và trở thành những công dân toàn cầu.

Bà đề xuất thành lập trường nội trú dành cho thanh, thiếu niên và đặt tên là Erdkinder (tạm dịch: Những đứa trẻ của Trái Đất). Tại đây, trẻ có thể sống và làm việc trong cộng đồng tin cậy, được tham gia hoạt động thực tế như trồng trọt, tiếp thị các mặt hàng thủ công.

Nữ tiến sĩ tin rằng bằng cách trải nghiệm thông qua những hoạt động liên kết với nhau, trẻ sẽ học được cách tổ chức xã hội và phát triển các kỹ năng cần thiết để đáp ứng thách thức của thế giới theo hướng tích cực.

Theo thời gian, bà cũng đưa giáo dục hòa bình vào phương pháp giảng dạy. Hiện nay, giáo dục vì hòa bình và công bằng xã hội vẫn là phần không thể thiếu trong phương pháp giáo dục Montessori.

 Phương pháp Montessori nổi lên rất nhanh nhưng cũng nhanh chóng bị tẩy chay ở Mỹ. Ảnh: IvyCrest Montessori.

Phương pháp Montessori nổi lên rất nhanh nhưng cũng nhanh chóng bị tẩy chay ở Mỹ. Ảnh: IvyCrest Montessori.

Từng bị tẩy chay

Từ năm 1911-1916, Montessori rất thịnh hành trong nền giáo dục ở Mỹ. Tiến sĩ Montessori thậm chí được mời làm diễn giả tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia với sự góp mặt của hơn 15.000 lãnh đạo giáo dục.

Ước tính đến năm 1916, toàn nước Mỹ có hơn 100 trường theo mô hình Montessori được xây dựng và đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, phong trào Montessori ở Mỹ cũng nhanh chóng tàn lụi, nhanh như khi phương pháp này bắt đầu nổi lên.

Những rào cản ngôn ngữ, hạn chế đi lại trong Thế chiến I, thái độ coi thường của một số nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng chính là nguyên nhân góp phần khiến Montessori gần như bị xóa sổ trong giai đoạn này.

William Kilpatrick, nhân vật được đánh giá cao trong phong trào giáo dục tiến bộ, cựu học trò của nhà triết học John Dewey, là một trong những người đi đầu trong phong trào chỉ trích phương pháp Montessori.

Trong cuốn The Montessori System Examined, ông chỉ trích quan điểm và triết lý của bà Maria Montessori, đồng thời bác bỏ quy mô, tài liệu dạy học cũng như sự tự do mà trẻ nhận được khi học ở trường Montessori.

Đánh giá tiêu cực của ông Kilpatrick nhanh chóng lan rộng và được công nhận trên khắp nước Mỹ. Vào những năm 1920, phương pháp Montessori gần như lụi tàn ở Mỹ, ngoại trừ một số trường nhỏ lẻ và các nhà giáo dục hoạt động độc lập vẫn cố gắng duy trì.

Đến những năm 1950, môi trường văn hóa ở Mỹ thay đổi. Người Mỹ ngày càng bất mãn với nền giáo dục và muốn tìm giải pháp thay thế.

Khi đó, trong lúc đi tìm triết lý giáo dục lý tưởng cho bản thân, giáo viên trẻ tên là Nancy McCormick Rambusch tình cờ đọc được tác phẩm của bà Maria Montessori và bị ấn tượng bởi những quan điểm của nữ tiến sĩ.

Năm 1953, Rambusch đến Paris tham dự đại hội Montessori và tình cờ gặp Mario Montessori - con trai của bà Maria Montessori.

Cuộc gặp gỡ "định mệnh" này vô tình mở ra một trang mới cho giáo dục Montessori ở Mỹ. Một lần nữa, trường học Montessori được hồi sinh ở đất nước này.

Từ khởi đầu khiêm tốn vào 100 trước với một phòng học duy nhất cho nhóm trẻ khó khăn ở Rome, Montessori ngày nay đã có chỗ đứng vững chắc trong ngành giáo dục.

Chỉ riêng tại Mỹ, hơn 5.000 trường Montessori được thành lập để phục vụ hơn 1 triệu trẻ em ở nhiều độ tuổi, từ trẻ 0-3 tuổi cho đến thanh, thiếu niên.

Ngoài các lớp thiên về song ngữ, ngôn ngữ hòa nhập, Montessori còn có lớp dành riêng cho trẻ mắc chứng khó đọc hoặc rối loạn khả năng xử lý ngôn ngữ.

Nhận thức được giá trị của mối quan hệ giữa các thế hệ, kết hợp với nhu cầu chăm sóc người lớn, một số trường Montessori ở Mỹ xây dựng chương trình gắn kết học sinh với người cao tuổi để tạo ra mối quan hệ gắn kết, giúp trẻ có những tương tác ý nghĩa với thế hệ đi trước.

Ở những nước khác, trường Montessori xây dựng dựa trên mối quan hệ đa văn hóa, mở ra cánh cửa để trẻ hình thành kết nối toàn cầu, giúp các em có hiểu biết về con người và các dân tộc khác trên thế giới.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguon-goc-cua-phuong-phap-giao-duc-hien-gay-tranh-luan-o-viet-nam-post1475754.html