Không thể để người nông dân tự xoay xở

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia quản trị thương hiệu, Ban tư vấn chương trình THQG cho rằng, các địa phương cần quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, chứ không thể để người nông dân tự xoay xở về vấn đề này.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh

Thưa ông, hiện nay dường như chương trình THQG mới chỉ chú trọng đến sản phẩm của các tập đoàn, DN lớn, còn chưa chú trọng đến sản phẩm của vùng miền, địa phương?

Chúng ta đã và đang lựa chọn làm thương hiệu cho các sản phẩm của DN xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm hơn đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý vùng miền. Điều này có tác dụng bền vững bởi nó gắn với hàng triệu nông dân, là đặc trưng riêng có đối với mỗi địa phương. Thậm chí, có thể tạo ra sự khác biệt đối với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Nếu không đầu tư mạnh để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, gắn với các chỉ dẫn địa lý thì sẽ là thiệt thòi cho sản phẩm Việt Nam.

Các sản phẩm địa phương có nhiều thế mạnh và tiềm năng xây dựng thương hiệu chủ yếu vẫn là hàng hóa nông sản. Ngoài ra, có thể xây dựng thương hiệu tập thể cho cá tra, cá basa, gạo, chè, cà phê Việt Nam.

Các địa phương đã thực sự quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình hay chưa?

Đến nay, tôi cho rằng các địa phương đã có nhận thức về tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu nhưng để triển khai hiệu quả thì còn khoảng cách khá xa. Lý do thứ nhất là chất lượng nông sản không đồng đều. Thứ hai, việc thương mại hóa sản phẩm đó còn hạn chế. Để xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm thì cần sự đầu tư nhất định từ khâu sản xuất đến sơ chế, đóng gói, vận chuyển… vượt ngoài khả năng tài chính của các địa phương. Điều này khiến việc xây dựng thương hiệu không dễ dàng.

Mỗi địa phương cần có lộ trình cụ thể để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh mình và nên ưu tiên triển khai với sản phẩm đặc trưng nhất. Cần tận dụng các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời giới thiệu sản phẩm địa phương trên Internet… Thay vì để người dân tự xoay xở thì các địa phương cần tạo liên kết thông qua việc thành lập một tập thể quản lý sản phẩm. Vụ vải năm nay, Bắc Giang hay Hải Dương đã có kinh nghiệm tốt về việc thông qua Hiệp hội Vải thiều để đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông, làm sao để bảo vệ thương hiệu sau khi đã được công nhận THQG?

Chất lượng nông sản phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên. Tuy nhiên khi sản phẩm đã được công nhận THQG thì các cơ quan quản lý cũng như đơn vị sở hữu thương hiệu sẽ có biện pháp để quản lý chất lượng sản phẩm. Chúng ta chỉ chấp nhận đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng nhất định. Không phải tất cả các nông sản được trồng tại địa phương nào đó đều mang THQG, những sản phẩm có chất lượng thấp hơn thì không được gắn THQG. Ví dụ có thể chỉ 1/3 số vải thiều trồng tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt THQG, chứ không phải mọi trái vải thiều trồng tại đó đều là sản phẩm mang THQG. Điều đó nhằm đảm bảo uy tín cho thương hiệu.

Xin cám ơn ông!

Hoàng Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/khong-the-de-nguoi-nong-dan-tu-xoay-xo-20160713231608390.htm