Không thể để di sản vô cớ biến mất

Một vài trong số đó như: Thương xá Tax, cầu ba cẳng độc nhất vô nhị Đông - Nam Á ở kênh Hàng Bàng, Tháp quan sát phòng cháy, chữa cháy đầu tiên của thành phố trong Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Nhà đèn chợ Quán hay Công viên Chi Lăng… Tất cả đã dần biến mất không còn lại một dấu vết, giống như chúng chưa hề có mặt ở thành phố này.

So với Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác như Băng-cốc, Gia-các-ta, Bắc Kinh… thì TP Hồ Chí Minh không có nhiều di sản và di tích lớn. Đáng lý ra, không nhiều thì phải chắt chiu, nhưng điều đáng tiếc ở chỗ, một loạt các di sản lịch sử - kiến trúc của thành phố bị biến mất vào thời kỳ đô thị hóa nhanh từ sau năm 1990. Có một ý nghĩ mặc định rất lạ là nhiều người đều “tâm niệm” đến thành phố chỉ là để kiếm tiền, để làm kinh tế. Điều đó vô hình trung dẫn đến ý thức về văn hóa, về giá trị của lịch sử phần nào giảm đi. Có một thực tế là qua nhiều thập niên thành phố đã không kiểm kê toàn bộ di sản để lọc và phân loại, phân loại xong thì quyết định đâu là loại 2, loại 3, cái nào cấp quốc gia, cái nào cấp thành phố để bảo vệ. Ở đây có điểm bất cập là Luật Di sản hiện nay chưa hoàn thiện. Thí dụ Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố là những kiệt tác về kiến trúc nhưng không được công nhận di sản do vướng chuyện chủ sở hữu phải làm đơn cho nên không ai… muốn làm. Không ít đơn thư kiến nghị phản ánh thời gian gần đây do hiểu biết hạn chế và quản lý chưa đi vào nền nếp cho nên còn xảy ra nhiều câu chuyện hết sức xót xa về cách hành xử với di sản. Tại kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố khóa 9 vào tháng 12-2019, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận về vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố.

Gần đây, thành phố đã có nghiên cứu, lắng nghe khi lập được danh sách hơn 30 di sản cần gìn giữ. Trong đó, UBND thành phố đã có chỉ đạo về việc bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ. UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giao thông vận tải cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xem xét, lập hồ sơ đề xuất xếp hạng đối với các hạng mục bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ theo quy định. (Cầu sắt Bình Lợi nối quận Thủ Đức với quận Bình Thạnh là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu dài 275 m gồm sáu nhịp với kết cấu vòm thép được xây dựng hoàn thành vào tháng 2-1902. Ngoài phục vụ đường sắt còn có đường đi bộ và dành cho xe hai bánh). Các cơ quan chức năng cần phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn nêu trên theo quy định. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện công tác bàn giao tài sản cho đơn vị được phân cấp quản lý, bảo tồn theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Đồng thời, căn cứ quy mô bảo tồn và các quy định có liên quan để xem xét, quyết định phân cấp cho đơn vị chức năng trực thuộc. Qua đó phát huy đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của các hạng mục được bảo tồn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43416002-khong-the-de-di-san-vo-co-bien-mat.html