Không thể bằng tiền mà giữ được nhân tài!

Giữ chân nhân tài không chỉ đơn thuần là chuyện tăng lương thưởng. Theo các chuyên gia, việc giữ chân nhân tài là cả một chiến lược mang tính khoa học và nghệ thuật, trong đó phải đạt được 3 tiêu chí nổi bật là Đúng người, Đúng cách và Đúng thời điểm.

Bước sang năm thứ 4, mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường Nielson, chính thức khởi động khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2016, trong đó nhắm đến trọng tâm là chiến lược giữ chân nhân tài. Bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe.com khẳng định, việc giữ chân nhân tài cần dựa trên 3 yếu tố quyết định, là Đúng người, Đúng cách và Đúng thời điểm, chứ không chỉ đơn giản bằng việc tăng lương như nhiều người nghĩ.

Theo bà Thanh, những nhân viên đang nắm giữ vị trí quản lý ở một cấp bậc nhất định trở lên sẽ được xếp vào nhóm nhân tài mà công ty cần giữ. Họ là những người giữ vị trí trọng yếu, sở hữu những kỹ năng khó tìm kiếm trên thị trường và nếu nghỉ sẽ gây ra một tác động đáng kể đối với những người còn lại trong công ty.

Vậy thì bằng cách nào để giữ chân những người này? Anphabe cho biết các công ty thường dùng 3 cách chính: Giữ chân bằng tiền, giữ chân bằng phúc lợi và xây dựng văn hóa, môi trường làm việc. Trong đó, việc xây dựng văn hóa, môi trường trong công ty được xem như là phương pháp phát triển bền vững, cần được tiến hành một cách thường trực.

Ngoài ra, giữ chân bằng tiền hay phúc lợi thì cần tính đến yếu tố thời điểm. Ở khía cạnh này, hầu hết các giám đốc nhân sự đều cho rằng không nên chờ đến lúc nhân viên xin nghỉ việc mới “dụ” ở lại bằng cách tăng lương hay đưa ra những gói phúc lợi cộng thêm. Người lãnh đạo cần biết “phán đoán rủi ro” để có thể chủ động các bài toán đãi ngộ nhân tài cần giữ chân, thông qua các hình thức phù hợp với kỳ vọng của từng cá nhân như tăng lương, thưởng, phúc lợi, đào tạo hay thăng chức…

“Những chương trình giữ chân nhân tài cũng như giống như một tảng băng trôi. Nhân viên thường chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng là chương trình phúc lợi bằng tiền. Tuy nhiên, DN cần làm sao để nhân viên thấy được nhiều nỗ lực thầm lặng bằng các chương trình phúc lợi không bằng tiền, đồng thời xây dựng văn hóa. Về lâu dài, đây mới chính là chương trình hiệu quả nhất để giữ chân nhân tài”, bà Thanh Nguyễn – CEO Anphabe nói.

Giữ chân nhân tài cần: Đúng người, Đúng cách, Đúng thời điểm

Nhiều chuyên gia khác cũng chia sẻ những góc nhìn khác nhau về vấn đề này. Tại lễ Trao giải Vietnam HR Awards 2016 dành cho những công ty có chính sách nhân sự tốt nhất, ông Lennard Boogard, Chủ tịch phụ trách Nhân sự khu vực Đông Nam Á và Úc châu Unilever nhận định, muốn giữ chân nhân tài thì một trong những yếu tố quan trọng là đội ngũ nhân tài đó phải được xây dựng từ nội tại, thay vì tuyển từ bên ngoài vào. Việc trả lương cao chưa đủ nếu không thực sự hiểu rõ kỳ vọng, tâm tư của nhân viên.

Một số ý kiến thì cho rằng người lãnh đạo đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank, người lãnh đạo cần biết lắng nghe cấp dưới để tìm hiểu nguyện vọng của họ, từ đó giúp họ phát huy sáng kiến và tiếp thêm động lực làm việc.

Theo khảo sát của Anphabe.com về nơi làm việc tốt nhất, trong 3 năm qua, yếu tố “cân bằng công việc và cuộc sống” là mục tiêu hàng đầu của người đi làm tại Việt Nam. Người được khảo sát chọn công ty mình mong muốn được làm việc nhất qua 4 tiêu chí: Mức độ nhận biết, sự quan tâm, khát khao và sẵn sàng ứng tuyển.

Ông Đoàn Anh Khoa, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Hành vi Người tiêu dùng của Nielson Việt Nam nhận định: “Cuộc khảo sát sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các công ty trong việc đo lường sức hấp dẫn của nơi làm việc, cũng như mức độ gắn bó của nhân viên với công ty, nhằm đưa ra những chiến lược phát triển nhân tài thích hợp”.

Sự kiện công bố Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2016 sẽ chính thức diễn ra vào tháng 2.2017.

Kim Vân

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/khong-the-bang-tien-ma-giu-duoc-nhan-tai-45783.html