Không tái diễn cảnh đập trâu, cướp Phết gây phản cảm

Ngày 9-11, tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ phối hợp UBND huyện Tam Nông tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử và nhân dân địa phương về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ cầu trâu xã Xuân Quang, xã Hương Nha và hội Phết xã Hiền Quan.

Lễ hội cầu trâu Xuân Quang, Hương Nha và hội Phết Hiền Quan được tổ chức vào những ngày đầu năm để người dân địa phương thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc và gắn kết sức mạnh đoàn kết cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp truyền thống, các lễ hội trên vẫn còn tồn tại những hình ảnh mang tính bạo lực gây phản cảm, không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay như: Nghi thức đập trâu đến chết, cảnh “nồi da nấu thịt” (căng da trâu để làm nồi nấu thịt); sự hỗn độn, chen lấn, xô đẩy, bạo lực trong cướp Phết…

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Lễ cầu trâu Hương Nha, Xuân Quang nên tổ chức năm năm một lần vào năm chẵn. Đồng thời, phải loại bỏ nghi thức lạc hậu, hành vi phản cảm. Đặc biệt, không tái diễn cảnh đập trâu cho đến chết mà lựa chọn nghi thức tượng trưng.
Đối với hội Phết Hiền Quan, phần lễ đã thực hiện đúng nghi thức truyền thống, nhưng phần hội những năm gần đây có sự thay đổi từ “đánh phết” thành “cướp phết”. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội cần có sự định hướng quản lý của Nhà nước; đồng thời phải làm tốt công tác tổ chức; tư liệu hóa lễ hội để đưa vào hồ sơ di sản.

Đây là căn cứ quan trọng để từng bước hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về hoạt động các lễ hội trên, đồng thời góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/31217802-khong-tai-dien-canh-dap-trau-cuop-phet-gay-phan-cam.html