Không sử dụng ngân sách cho những dự án thua lỗ

Một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm chất vấn trong kỳ họp này là về các dự án có số tiền đầu tư lớn nhưng kéo dài và thua lỗ. Chính phủ đã có báo cáo và Bộ trưởng Công thương cũng đã giải trình. Tuy nhiên, trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ sáng nay, các đại biểu vẫn bày tỏ mong muốn được giải đáp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội trường Quốc hội, sáng 17-11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri vẫn quan tâm, lo lắng về việc xử lý 5 đại dự án thua lỗ, gồm: Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Bột giấy Phương Nam tỉnh Long An và Nhà máy đạm Ninh Bình.

“Quan điểm của Thủ tướng xử lý đối với các dự án kể trên để cử tri và đồng bào yên tâm” - đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị.

Giải trình nội dung mà đại biểu Phi Thường nêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những việc lỗ này, còn việc xử lý đã được xem xét, kiểm tra, giải quyết kịp thời sẽ thực hiện trong thời gian tới”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tinh thần là cắt lỗ, phải xây dựng hiệu quả nếu không sử dụng kịp thời, không sử dụng được thì bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản cũng là rất cần thiết để làm sao không để những dự án thua lỗ này trong tình trạng “đắp chiếu”, trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Không sử dụng ngân sách tiếp tục bỏ vào những khoản thua lỗ này.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đối với từng dự án Chính phủ sẽ xem xét hết sức cụ thể để sử dụng những tài sản đó một cách tốt nhất, với nhiều cách làm khác nhau một cách phù hợp và sẽ báo cáo kết quả xử lý trước Quốc hội trong phiên họp tới.

Mặc dù Thủ tướng đã trả lời phương hướng giải quyết, tuy nhiên đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho biết, nhiều cử tri cho rằng việc làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến năm dự án thua lỗ lớn này được thực hiện chậm, cần được quan tâm quyết liệt trong thời gian tới.

“Việc xử lý kéo dài các dự án như hiện nay ngày càng gây tổn thất lớn cả về kinh tế và niềm tin, đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo quyết liệt để xử lý dứt điểm các dự án này” - đại biểu Trần Văn Minh bày tỏ.

Đồng ý tiếp tục làm cho rõ hơn trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào để gây thua lỗ những công trình gây thiệt hại cho vốn liếng của nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đại biểu là không nên kéo dài dự án ảnh hưởng niềm tin nhân dân mà chúng tôi gọi là “cắt lỗ”.

“Cần thì bán khoán, cho thuê và các hình thức khác, nếu cần có thể phá sản, không thể kéo dài việc "trùm mền, đắp chiếu để mãi". Chủ trương, biện pháp này cần phải làm trong thời gian tới” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khắc phục "lỗ hổng" về quản lý

Thắc mắc về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước liên quan đến một số dự án thua lỗ, kém hiệu quả gây dư luận hết sức bức xúc trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) dẫn báo cáo của Bộ Công thương cho biết các dự án này theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý và phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, các hoạt động triển khai, tổ chức thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của các chủ đầu tư, tức là các ban quản trị các doanh nghiệp, vai trò quản lý của các bộ chuyên ngành rất hạn chế.

“Cho đây là "lỗ hổng" rất lớn của pháp luật về trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn của nhà nước tan thành mây khói mà không xác định được trách nhiệm cụ thể của cơ quan, nhà nước hay cá nhân nào” - đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị Thủ tướng có giải pháp nào để khắc phục những "lỗ hổng" và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn của nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp hiện nay.

Giải trình về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta đã có cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước qua từng thời kỳ, lúc thì trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, lúc thì thuộc Bộ trưởng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hiện nay Trung ương đã cho phép thành lập một cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ sắp trình dự án này để làm sao việc này tốt nhất để phát huy đồng vốn tốt nhất trong thời gian tới.

Đặc biệt, là một số biện pháp lớn mà chúng ta thường hay nói, đó là phải tiến hành cổ phần hóa, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước để có sự giám sát của số đông trong vấn đề này.

Theo Thủ tướng, không phải cổ phần hóa với bất cứ giá nào, có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì nhà nước phải nắm, thí dụ như phân phối điện, những ngân hàng thương mại lớn của đất nước thì nhà nước phải chiếm cổ phần lớn.

“Cùng với đó là vấn đề công khai, minh bạch và giám sát, công tác thanh tra, điều tra, vấn đề kiểm toán nhà nước phải được tập trung hơn trong giám sát các doanh nghiệp nhà nước ở nước ta” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông tin thêm, sắp tới sẽ có hội nghị toàn quốc về quản lý doanh nghiệp nhà nước để tìm những biện pháp cụ thể hơn và vai trò của Bộ trưởng, vai trò của Chủ tịch tỉnh trong vấn đề quản lý cần phải đặt ra cao hơn trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Nhóm phóng viên NDĐT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31294802-khong-su-dung-ngan-sach-cho-nhung-du-an-thua-lo.html