Không phải sự an toàn của khách hàng mà lợi nhuận mới là thứ quan trọng nhất đối với Samsung?

Một trong những điều được Samsung nhắc đến nhiều nhất trong sự kiện thu hồi Galaxy Note 7 đó là: Sự an toàn của khách hàng là ưu tiên hàng đầu của công ty. Thế nhưng sự thật có phải như vậy?

Galaxy Note 7

Galaxy Note 7 có thể là đợt triệu hồi tồi tệ nhất trong lịch sử của Samsung nhưng chắc chắn nó không phải là đợt duy nhất. Trong những năm gần đây, Samsung đã buộc phải thu hồi nhiều sản phẩm khác ở một số thị trường và không phải khách hàng nào cũng hài lòng với cách Samsung xử lý vấn đề.

Những chiếc điện thoại của Samsung được bán ra trên toàn thế giới, vì vậy sự kiện Galaxy Note 7 bị triệu hồi đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều báo giới và cơ quan quản lý. Thêm vào đó, Note 7 có thể bốc cháy bất cứ lúc nào cũng là điều làm nhiều người khiếp sợ vì di động là thứ ở bên chúng ta mọi lúc mọi nơi. Nếu chẳng may có ai đó cầm một chiếc Note 7 lên máy bay thì có thể gây nguy hiểm cho cả chuyến bay.

Thế nhưng, theo thông tin trên trang The New York Times, Samsung đã phải triệu hồi rất nhiều sản phẩm trong những năm gần đây và trang tin này còn cho rằng “lợi nhuận mới là thứ quan trọng nhất của ông lớn này”.

Dưới đây là một số lần triệu hồi sản phẩm của hãng này:

2003: 184.000 lò vi sóng của Samsung bị thu hồi tại Mỹ

2007: 20.000 máy giặt của Samsung bị thu hồi vì nguy cơ cháy nổ

2009: 210.000 tủ lạnh của hãng bị thu hồi tại Hàn Quốc

2009: 43.000 lò vi sóng bị thu hồi tại Mỹ vì nguy cơ sốc

Ngoài ra, Samsung cũng có thể phải chuẩn bị thu hồi một loạt sản phẩm máy giặt cửa trên tại Mỹ được sản xuất từ năm 2011 đến nay vì nguy cơ gây hư hỏng tài sản và tổn thương cho người sử dụng. Công ty cũng từng phải triệu hồi chính dòng sản phẩm này tại Úc cách đây 3 năm vì lỗi mạch điện bên trong gây nguy cơ cháy nổ. Quy trình triệu hồi dòng sản phẩm này vẫn chưa hoàn tất.

Hình ảnh một chiếc máy giặt Samsung bị phát nổ

Samsung cũng không phải là công ty duy nhất trên thế giới phải đối mặt với những đợt triệu hồi sản phẩm. Và đương nhiên Samsung Mobile thì không phải là đơn vị chịu trách nhiệm cho những chiếc máy giặt, tủ lạnh hay lò vi sóng bị lỗi bởi đơn vị sản xuất các thiết bị này là một bộ phận khác. Tuy nhiên, có phải liệu Samsung đã cố tình lờ đi các quy trình thử nghiệm sản phẩm nên mới gây ra những sự cố như vậy?

Trong đợt triệu hồi tại Úc, một nhóm Facebook gồm 4.000 người sở hữu sản phẩm đã cùng góp tiền để mời một chuyên gia đến giám sát quá trình sửa lỗi và đưa ra phán quyết. Các bài báo cho biết phần túi nhựa dùng để bọc các mối nối nhằm tránh cho chiếc máy giặt không bị bắt lửa đã không hoạt động như mong đợi. Những chiếc túi này bị cho là không có hiệu quả gì hết vì chúng không thể ngăn hơi ẩm xâm nhập vào bên trong các mối nối.

Samsung đã từ chối hoàn tiền cho nhóm người này cho tới khi chính phủ can thiệp.

Tờ Times cũng thuật lại vụ việc xảy ra với một công dân sống ở Boston, Mỹ. Người này đã được thay thế sản phẩm tới 3 lần trong vòng 4 năm và đến khi chiếc thứ 4 phát nổ năm 2013 thì anh mới nhận được tiền bồi hoàn. Khoản tiền bồi hoàn được gửi đến tay người này vào năm 2015 khi Samsung bị kiện ra tòa. Ed O’Rourke, vị khách hàng được nhắc đến ở trên chia sẻ: “Tôi nghĩ tại sao điều đó lại không xảy ra với Apple hay G.E? Và có phải Samsung đã đẩy tỷ lệ kỹ thuật an toàn đến giới hạn trong khi các công ty khác đã không làm như vậy”.

Còn với chiếc Galaxy Note 7, Samsung vẫn chưa giải thích tại sao chuyện này xảy ra. Công ty cũng bị cáo buộc vì đã không xử lý vấn đề cặn kẽ. “Samsung đã không tích cực liên hệ với khách hàng, các nhà quản lý hoặc truyền thông một cách rõ ràng trong suốt đợt triệu hồi, và điều này đặc biệt nguy hiểm bởi khi chiếc điện thoại phát nổ nó sẽ làm người dùng thiệt hại cả tài sản và còn gây nguy hiểm cho gia đình họ”, chuyên gia phân tích chính sách của Hiệp hội người tiêu dùng Consumer Unions, William Wallance cho biết.

Lê Kiên (Theo BGR)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/khong-phai-su-an-toan-cua-khach-hang-ma-loi-nhuan-moi-la-thu-quan-trong-nhat-doi-voi-samsung-144506.ict