Không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng luật

Nhìn lại hoạt động sôi động của năm 2023 có thể thấy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hải Phòng đã chủ động, linh hoạt, hoàn thành tốt chương trình nhiệm vụ công tác với chất lượng, hiệu quả cao, góp phần vào thành công chung của các kỳ họp Quốc hội. Đáng chú ý, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng luật, Đoàn đã chủ động phân công, mở rộng các đối tượng, linh hoạt trong cách thức tổ chức lấy ý kiến góp ý; thường xuyên lồng ghép việc rà soát, trao đổi, lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật tại các cuộc giám sát, TXCT và các hội nghị chuyên đề...

Chủ động, linh hoạt trong cách thức tổ chức lấy ý kiến góp ý

Năm 2023, căn cứ Nghị quyết chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, chuẩn bị cho các kỳ họp của Quốc hội Khóa XV trong năm, Đoàn ĐQBH thành phố Hải Phòng đã tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia, luật gia tham gia góp ý vào 35 lượt dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết được cho ý kiến và xem xét thông qua tại các kỳ họp (tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến).

Các ĐBQH thành phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu tài liệu, chọn lọc những ý kiến chất lượng đóng góp có hiệu quả trong việc thảo luận, thông qua các dự án luật tại các kỳ họp của Quốc hội trong năm. Các ĐBQH trong Đoàn còn tham gia Hội nghị ĐBQH chuyên trách và các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra cho ý kiến vào các dự án luật trình tại các kỳ họp; tham gia hội nghị, hội thảo do các cơ quan của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân thảo luận về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng luật, Đoàn ĐBQH thành phố đã chủ động phân công các ĐBQH nghiên cứu, chủ trì việc lấy ý kiến tham gia góp ý vào các dự án luật (theo chuyên môn, lĩnh vực công tác của các đại biểu) và mở rộng các đối tượng lấy ý kiến; linh hoạt trong cách thức tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật (ngoài tổ chức hội nghị tại trụ sở, Đoàn còn tổ chức3 hội nghị TXCT kết hợp lấy ý kiến tại cơ quan là đối tượng điều chỉnh của luật, nghị quyết nhằm nắm bắt tình hình, kết quả công tác, khó khăn, vướng mắc của đơn vị để có những ý kiến, kiến nghị phù hợp, kịp thời); thường xuyên lồng ghép việc rà soát, trao đổi, lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật tại các cuộc giám sát, TXCT và các hội nghị chuyên đề; tiếp tục duy trì mối liên hệ với các cơ quan, đơn vị liên quan và các cá nhân là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu... tham mưu giúp Đoàn trong quá trình tham gia ý kiến xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội.

Chuyển tải kịp thời những vấn đề cử tri quan tâm

Thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, các ĐBQH TP. Hải Phòng đã tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Với tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm, với trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, các ĐBQH thành phố đã chủ động nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến thảo luận bảo đảm chất lượng, bám sát thực tiễn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố; chuyển tải kịp thời tới Quốc hội những vấn đề cử tri và Nhân dân đang quan tâm. Nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận được chủ tọa và các cơ quan chủ trì quan tâm, thống nhất tiếp thu làm cơ sở để quyết định nhiều nội dung cốt yếu về chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô.

Căn cứ Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Chương trình công tác của Đoàn ĐBQH thành phố năm 2023 và tình hình thực tiễn, Đoàn ĐBQH thành phố tổ chức giám sát 4chuyên đề theo chương trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát, khảo sát 4 nội dung theo chương trình của Đoàn. Nhìn chung, các nội dung giám sát, khảo sát của Đoàn đúng trọng tâm, là những vấn đề đang được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm. Việc lựa chọn nội dung giám sát tiếp tục đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả rõ nét và đều là những vấn đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Phương thức giám sát được đổi mới, linh hoạt.

Năm 2023, Đoàn ĐBQH thành phố đã phối hợp tổ chức để các ĐBQH thực hiện 12 cuộc TXCT tại các quận, huyện với 3.320 cử tri, ghi nhận gần 120 lượt cử tri phát biểu ý kiến. Đoàn kết hợp hoạt động lấy ý kiến tham gia góp ý dự án luật và tổ chức 3 cuộc TXCT chuyên đề về các lĩnh vực liên quan đến nội dung Kỳ họp thứ Năm và thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Đoàn thường xuyên theo dõi, tổng hợp các nội dung trả lời kiến nghị của các bộ, ngành trung ương và địa phương, kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân được biết... Cùng với đó, việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, bảo đảm về thời hạn, thời hiệu, đúng thẩm quyền; không có đơn, thư tồn đọng, chậm xử lý.

Nghiên cứu tăng hợp lý số đại biểu chuyên trách

Bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng kiến nghị việc tiếp tục nghiên cứu, xem xét tăng hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XVI ở các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội (theo hướng mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội có ít nhất 1 ĐBQH chuyên trách tại địa phương và 1 ĐBQH chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội).

Đoàn ĐBQH thành phố kiến nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu tích hợp các phần mềm và cơ sở dữ liệu về quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân giữa Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và Đoàn ĐBQH, bảo đảm liên thông, minh bạch; chỉ đạo vụ chuyên môn tham mưu, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về hoạt động giám sát để các Đoàn ĐBQH cùng khai thác, nghiên cứu tổ chức giám sát các chuyên đề liên quan đến địa phương.

Bên cạnh đó, bộ máy giúp việc Đoàn ĐBQH đã được tổ chức, sắp xếp, kiện toàn nhưng còn thiếu công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp Đoàn ĐBQH. Một số công chức chưa được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu trong công tác tham mưu do các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức, ảnh hưởng nhiều tới việc tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH. Quy định chế độ, chính sách đối với ĐBQH, cán bộ, công chức tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH, đại biểu mời tham gia các hoạt động của Đoàn theo Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 được thực hiện đã 10 năm, đến nay không còn phù hợp với thực tiễn.

Hải An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khong-ngung-nang-cao-chat-luong-xay-dung-luat-i364739/