“Không nên đặt vấn đề lấy của người nghèo chia cho người giàu”

“Không thể xử lý nợ xấu bằng khẩu hiệu suông. Không nên đặt vấn đề (dùng) ngân sách (để xử lý nợ xấu) vì như thế là lấy của người nghèo chia cho người giàu”.

Ông Trương Văn Phước. Ảnh: TH

Đó là quan điểm của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 trong giai đoạn mới: thách thức tái cơ cấu và triển vọng” diễn ra sáng nay 12-10 tại Hà Nội.

Ông Phước đặt vấn đề, xử lý nợ xấu trong 5 năm tới cần bám chặt vào 2 từ là “quan điểm và kỹ thuật”.

Trước hết về mặt quan điểm, ông nói, có trừng trị kẻ gây ra nợ xấu không? Nếu không tái cơ cấu nợ xấu, thì để tự chữa đi. Đó cũng là một luồng quan điểm.

Tuy nhiên, ông Phước không ủng hộ luồng quan điểm này: “Nhưng nếu không tái cơ cấu nợ xấu thì nền kinh tế ra sao? Lãi suất cho vay cứ 9-10% dù lạm phát 5-6%. Đó là hệ quả của nợ xấu”.

Ông Phước cũng “bảo vệ” hệ thống ngân hàng khi cho biết, tỷ lệ sinh lời trên vốn của hệ thống ngân hàng đã giảm đi 3 lần từ 12% xuống còn 4% trong vòng ba năm trở lại đây.

“Phải xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 không phải vì một vài cổ đông, một vài ngân hàng mà là vì nền kinh tế nói chung”, ông nói.

Và ông bổ sung: “Không thể xử lý nợ xấu bằng khẩu hiệu suông. Không nên đặt vấn đề ngân sách lấy của người nghèo chia cho người giàu…Tái cơ cấu nếu thành công thì không thể để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đơn thương độc mã”.

Ông Phước nói: “Có ai biết rằng trong 5 năm qua có một nguồn lực lên đến 12,5% GDP đã tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu hay không? … Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đó là con số có thực”.

Ông cho biết, sau khi thống nhất vấn đề “quan điểm”, mới xét đến vấn đề “kỹ thuật”.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tính toán, để xử lý nợ xấu thì cần 25 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới. Con số này bao gồm 10 tỉ đô la Mỹ để xử lý số nợ mà VAMC đã mua, 15 tỉ đô la Mỹ còn lại sẽ được các ngân hàng tự thực hiện bao gồm việc bán các tài sản, trích lập dự phòng cấn nợ trừ nợ… đồng thời cần thiết lập thị trường mua bán nợ thực sự.

Ông cho biết, mỗi năm tỷ lệ nợ xấu tự nhiên là khoảng 1,25%, nên kể cả khi nền kinh tế tăng trưởng thật tốt thì mỗi năm vẫn có 60.000-70.000 nợ xấu phát sinh.

Ông Phước cho rằng, nợ xấu cần được xử lý bằng huy động vốn trong dân, thông qua việc phát hành một loại trái phiếu đặc biệt. Bên cạnh đó, việc mua bán nợ xấu giữa VAMC và các tổ chức tín dụng phải theo giá thực tế của thị trường, chứ không thể mua trên giấy như suốt thời gian qua.

“Tôi đề xuất, tái cơ cấu cần phải có ban chỉ đạo cấp nhà nước”, ông Phước nói.

Tuy nhiên, tại diễn đàn không xuất hiện quan điểm ủng hộ, hay phản đối từ các diễn giả và chuyên gia khác có cơ hội phát biểu.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152595/khong-nen-dat-van-de-lay-cua-nguoi-ngheo-chia-cho-nguoi-giau.html/