Không lực Mỹ điều tra các vụ tự tử tại căn cứ ở Nhật Bản

Nguyên nhân của các vụ tự tử trong Lực lượng không quân Mỹ đóng tại Nhật Bản đang được điều tra, theo Stars and Stripes. Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy, nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tự tử là do làm việc quá sức và căng thẳng, bắt nguồn từ việc cắt giảm ngân sách.

Căn cứ không quân Yokota (Nhật Bản).

Căn cứ không quân Yokota, tại vùng Kanto của Nhật Bản, nơi có tới 14.000 nhân viên Mỹ, hầu hết là thành viên của Đơn vị không vận thứ 374, đã chứng kiến 3 vụ tự tử kể từ tháng 4.2016. Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF) đã thành lập một nhóm nhằm điều tra nguyên nhân những vụ tự tử và hỗ trợ các phi công khác - những người đang có nguy cơ. Hai căn cứ không lực lớn khác của Mỹ tại Nhật Bản là Kadena và Misawa cũng sẽ được tiến hành nghiên cứu.

Đại tá Kenneth Moss - Chỉ huy của Đơn vị không vận thứ 374 từ tháng 6.2016 - đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp cộng đồng nhằm làm sáng tỏ các vụ tự tử. Một số phi công cho biết, nguyên nhân chính của sự căng thẳng là do làm việc quá sức. Tổ chức Heritage báo cáo rằng, Lực lượng không quân Mỹ ở Nhật chưa bao giờ có ít nhân viên đến thế kể từ Thế chiến II và hãng Fox News cho hay, hiện chỉ có 4.000 phi công Mỹ duy trì các đội bay trên toàn cầu. Tại một số căn cứ, những chiếc máy bay của đội bay 6 người giờ rút xuống chỉ còn 3 người duy trì. Làm việc nhiều giờ, ở xa gia đình hàng ngàn dặm và thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi cao càng khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn, báo cáo cho hay.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ đảo ngược chính sách cắt giảm ngân sách ban hành vào năm 2013 và tăng chi tiêu quốc phòng khi ông nhậm chức vào tháng 1.2017 tới. Tướng James Mattis, người có khả năng được ông Trump chọn lựa vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, đã công khai chỉ trích việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Năm 2013, ngân sách liên bang Mỹ bị cắt giảm hơn 85 tỉ USD. Hơn một nửa trong số đó thuộc về ngân sách quốc phòng và khả năng sẽ còn bị cắt giảm trong mỗi năm kế tiếp. Ngay cả trước khi có chính sách cắt giảm ngân sách thì Không quân Mỹ cũng đã bị lão hóa và thu hẹp. Một số máy bay, như máy bay trinh sát nổi tiếng U-2 và máy bay ném bom chiến lược B-52, đã phục vụ liên tục không ngừng nghỉ kể từ năm 1950.

Uyên Nhi

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/khong-luc-my-dieu-tra-cac-vu-tu-tu-tai-can-cu-o-nhat-ban-617740.bld