Không lo thiếu hụt lao động sau Tết

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tỷ lệ người lao động (NLĐ) trở lại các tỉnh phía Nam làm việc đạt từ 95-98%. Cùng với tình hình kinh tế chung của năm 2017 còn nhiều thách thức, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày… khiến các doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực này không tuyển dụng ồ ạt như các năm trước nên các tỉnh, thành không lo thiếu hụt lao động.

NLĐ không còn “nhảy việc” như các năm trước góp phần làm cho thị trường lao động ổn định (ảnh minh họa). Ảnh: L.TUYẾT

NLĐ không còn “nhảy” việc, DN không tuyển dụng ồ ạt

Trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết 15 ngày, vợ chồng anh Nguyễn Minh Tiến (Hà Tĩnh) bắt tay ngay vào việc dù còn khá mệt với chuyến xe hai ngày một đêm. Vợ chồng anh Tiến cùng là CN may, làm việc ở KCN Tân Bình. Anh Tiến cho biết, vợ chồng anh vào TPHCM đã gần 10 năm, nhưng làm việc ổn định tại một công ty đã được 5 năm nay. “Mấy năm đầu, cả hai vợ chồng đều có ý định thay đổi công việc sau Tết. Đôi khi chỗ mới lương cơ bản cao hơn chỉ vài chục ngàn hoặc cũng không cao hơn chỗ cũ nhưng vì suy nghĩ “năm mới muốn có cái mới” nên sau Tết là “nhảy việc”. Hơn nữa, thay đổi công việc với hy vọng sẽ tìm được môi trường mới tốt hơn và nhận BHXH 1 lần” – anh Tiến chia sẻ.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, anh từ bỏ hẳn ý định “nhảy việc” sau Tết. Anh Tiến cho rằng, “nhảy việc” nhiều, nhận BHXH 1 lần, chỉ làm mình thiệt hại về sau. Anh phân tích: “Nếu tôi không nhận BHXH 1 lần thì bây giờ tôi đã có 10 năm đóng BHXH. Hơn nữa, nếu làm ổn định ở một nơi, bây giờ lương tôi đã cao hơn vì các DN ngoài tăng lương cơ bản hàng năm theo quy định điều chỉnh lương tối thiểu, còn có tăng lương thâm niên. Càng làm lâu, lương càng cao, tay nghề càng giỏi, DN càng trọng dụng mình. Chưa kể, bây giờ tìm việc không phải dễ dàng”.

Trong khi đó, khảo sát tại một số DN tại TPHCM và Bình Dương, việc tuyển dụng cũng không ồ ạt như nhiều năm trước. Theo ông Đào Quốc Cường - Giám đốc nhân sự Cty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM), tỷ lệ NLĐ trở lại làm việc sau Tết tại Cty đạt tỷ lệ trên 95%, số còn lại sẽ vào dần dần, khoảng 1 tuần làm việc sẽ ổn định trở lại. Cty hiện có 4 nhà xưởng, đơn hàng ổn định, tuy nhiên cũng chưa có kế hoạch tuyển mới. Tương tự, ông Mai Đức Thuận, Tổng giám đốc Cty TNHH May thêu Thuận Phương (TPHCM) cho biết, năm 2017 là một năm nhiều thách thức đối với ngành dệt may. Các DN trong lĩnh vực này chỉ cần lo được việc làm cho số lao động hiện hữu đã khó, cho nên khả năng tuyển mới với số lượng lớn là không cao.

Ông Nguyễn Trung Trực – Cán bộ CĐ KCN – KCX TPHCM, phụ trách khu vực KCN Tân Bình, Vĩnh Lộc, chia sẻ thêm: “Có vẻ NLĐ bây giờ cũng đã “thấm đòn” với việc nhảy việc thường xuyên, bắt đầu lại từ đầu với BHXH từ đầu, lương cơ bản mức thấp nhất, mất hết thâm niên… Bên cạnh đó, mức lương ở các DN thuộc các khu vực như nhà nước, tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài không chênh lệch nhiều. Mức lương của lao động phổ thông ở các ngành nghề đa phần bằng nhau. Trong đó, một yếu tố quan trọng nữa là các DN có các chính sách chăm lo, giữ chân lao động có tay nghề, tăng lương theo thâm niên… cho nên NLĐ không còn tâm lý “nhảy việc” sau Tết mà trái lại muốn ổn định, lâu dài”.

Vẫn có cơ hội cho người mới

Qua khảo sát của PV tại các KCN, KCX trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, nhiều DN vẫn đăng thông tin tuyển dụng ngay cổng công ty với số lượng tuyển từ vài chục đến hai, ba trăm người. Ông Lê Nho Lượng – Chủ tịch CĐ các KCN Bình Dương lý giải: Các thông tin tuyển dụng đó được các DN đăng quanh năm, bởi đối với các DN có vài ngàn lao động, việc thiếu hụt 1-2% lao động là chuyện đương nhiên, NLĐ nghỉ việc do ốm đau, nghỉ hưu… cho nên DN tuyển quanh năm để bù đắp vào, hoặc DN đăng tuyển dụng, nhận hồ sơ để tạo nguồn. Theo ông Lượng: “Đối với các thông tin tuyển dụng vài chục đến vài trăm người này, nhà tuyển dụng đòi hỏi khá khắt khe về tay nghề, tuy nhiên lương, thu nhập sẽ ổn. NLĐ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới”.

Sau Tết, chị Vũ Thị Phương, quê Nghệ An, theo chị gái vào Bình Dương tìm việc làm. Phương vừa học xong sơ cấp nghề, có kỹ năng cơ bản về nghề may, Phương dự định sẽ xin vào một DN liên quan đến ngành may mặc. Phương chia sẻ: “Mấy ngày nay, em dạo qua các công ty có treo băng rôn tuyển dụng 100-200 công nhân, chỗ nào cũng đảm bảo thu nhập trên 6 triệu đồng. Bảo vệ nhận hồ sơ rồi bảo về đi, phòng nhân sự sẽ gọi điện. Em chuẩn bị gần chục bộ hồ sơ, rải ở khắp các công ty nhưng 1 tuần rồi chưa thấy chỗ nào gọi điện. Chị gái em đang làm cho một công ty giày ở Bến Cát, cho biết, chuyền của chị ấy đang thiếu người, chị ấy giới thiệu em vào làm. Nếu được nhận vào công ty của chị em thì tốt, nếu không em sẽ chờ cơ hội ở những công ty mới thành lập. Em phải chịu khó thôi vì mình là người mới, lại còn trẻ”.

Ông Nguyễn Thiện Phước – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết: “Tỷ lệ lao động trở lại Bình Dương làm việc trong vài năm trở lại đây luôn đạt mức cao hơn 95%, NLĐ không còn “nhảy việc” như trước. Tuy nhiên, NLĐ mới đến với Bình Dương vẫn có cơ hội tìm được việc làm. Bởi theo thống kê, trong năm 2016 đã có 3.986 lượt DN đăng ký mới với tổng số vốn là 17.282 tỷ đồng, lũy kế đến nay có 24.976 DN đầu tư trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn là 186 ngàn tỷ đồng; có 221 dự án cấp mới với tổng số vốn 1.263 triệu USD, lũy kế đến nay có 2.808 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 25,5 tỷ USD.

Chính những dự án mới này là cơ hội cho NLĐ, chưa kể, nhiều DN mở rộng sản xuất cũng cần LĐ với mức lương, thu nhập thường bằng hoặc cao hơn mặt bằng lương của tỉnh. Nếu các DN ra mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định, không những không tìm được người mà cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương cũng sẽ can thiệp ngay. Cho nên, NLĐ vào làm việc ở các đơn vị mới sẽ phần nào an tâm hơn”.

Theo ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), mức độ thiếu hụt lao động sau Tết tại TPHCM chỉ khoảng 3% và ước chừng chỉ 15% lao động sẽ dịch chuyển chỗ làm sau Tết. “Theo khảo sát của Falmi tại gần 1.800 DN ở TPHCM có nhu cầu tuyển 20.000 lao động làm ổn định và trên 10.000 lao động thời vụ sau Tết, trong đó, lao động phổ thông chiếm 37%, sơ cấp nghề - CN kỹ thuật lành nghề chiếm 20%, Trung cấp 18%, trình độ CĐ- ĐH - trên ĐH chiếm 27%. Như vậy, thị trường TPHCM không thiếu hụt lao động như các năm nhưng NLĐ vẫn có cơ hội” – ông Tuấn đánh giá.

Lê An Nhiên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/khong-lo-thieu-hut-lao-dong-sau-tet-638701.bld