Không khí mà chúng ta đang hít thở ô nhiễm như thế nào?

Ước tính có khoảng 92% dân số thế giới đang sống ở những khu vực ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn an toàn, theo Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ). Đơn vị này gần đây đã công bố kết quả một nghiên cứu mới, cho thấy những vùng có chất lượng không khí kém nhất cũng như tốt nhất. Để cung cấp cho chúng ta một cái nhìn trực quan về tình hình ô nhiễm , WHO tạo ra một bản đồ tương tác ( ở đây ), với các mảng màu xanh, vàng, cam, đỏ, tím, biểu hiện chất lượng không khí ở các khu vực khác nhau.

Một số vùng ở châu Phi, Đông Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và Trung Đông là những điểm ô nhiễm đáng báo động nhất. WHO cho biết gần như tất cả những trường hợp tử vong (94%) có liên quan đến không khí ô nhiễm đều xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, các vùng rộng lớn của những quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và các quốc gia thuộc Scandinavia đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, theo những gì thể hiện trên bản đồ, người dân ở nhiều nước châu Âu đang phải hít thở không khí bẩn.

Thậm chí trong cùng lãnh thổ một nước, mức độ ô nhiễm không khí cũng có thể khác nhau. Ví dụ như ở Ý, chất lượng không khí ở phía bắc tồi tệ hơn do hoạt động của các ngành công nghiệp.

Những nguy hiểm

Nghiên cứu mới nhất của WHO được cho là nghiên cứu chi tiết nhất từ trước đến nay về vấn đề ô nhiễm không khí ngoài trời, theo từng quốc gia khác nhau. Nó cho thấy đã có khoảng 3 triệu ca tử vong trên toàn cầu liên quan đến ô nhiễm đến từ các phương tiện giao thông, năng lượng và công nghiệp. Ngoài ra, ô nhiễm không khí trong nhà do khói thải ra từ nấu bếp, hỏa hoạn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chết người, theo WHO.

Ô nhiễm không khí ngoài trời và cả trong nhà được cho là có liên quan đến cái chết của khoảng 6,5 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2012. Nói cách khác, 11,6% ca tử vong trên thế giới vào năm đó là do ô nhiễm, nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, lao phổi và chấn thương do tai nạn giao thông cộng lại.

Bản đồ tương tác do WHO cung cấp được thực hiện dựa vào dữ liệu thu thập được từ các vệ tinh, các phương thức vận tải hàng không và những trạm đo đạc trên mặt đất,…đã cho thấy mức độ của các hạt vật chất khác nhau trong không khí như sunfat, nitrat và carbon đen.

Những hạt nhỏ này được gọi là PM2.5, đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet và có thể xâm nhập sâu vào trong phổi cũng như hệ tim mạch của con người, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và các bệnh không truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh về tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi mãn tính và ung thư phổi. Theo tiêu chuẩn của WHO, nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm phải dưới 10 microgram trên mỗi mét khối không khí, tuy nhiên, phần lớn dân số trên thế giới đang sống trong các khu vực vượt quá giới hạn này.

"Ô nhiễm không khí tiếp tục có những tác động tiêu cực đến sức khỏe của những cư dân dễ bị tổn thương nhất - phụ nữ, trẻ em và những người lớn tuổi", tiến sĩ Flavia Bustreo, Trợ lý Tổng giám đốc WHO, nhận định. “Để mọi người được khỏe mạnh, họ phải hít thở không khí sạch từ hơi thở đầu tiên cho đến cuối cùng”. Hợp tác với trường Đại học Bath (Anh) để thực hiện, WHO cho rằng nghiên cứu của họ có thể sẽ cung cấp các “ước tính đáng tin cậy hơn” về các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, từ đó đưa đến những tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề này.

"Ngày càng có nhiều thành phố thực hiện giám sát ô nhiễm không khí, các dữ liệu từ vệ tinh cũng toàn diện hơn, và chúng tôi đang thực hiện tốt hơn các dự đoán về những vấn đề sức khỏe có liên quan", tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc ban Y tế Cộng đồng, Môi trường và Xã hội về sức khỏe thuộc WHO, cho biết.

"Nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí có thể vẫn không đủ sớm”, bà nói thêm. “Các giải pháp hiện có nằm ở hệ thống giao thông bền vững ở các thành phố, quản lý chất thải rắn, làm sạch nhiên liệu sử dụng trong các hộ gia đình, cũng như tập trung phát triển năng lượng tái tạo và giảm khí thải công nghiệp”.

Theo: Weforum

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/ban-co-biet-khong-khi-ma-chung-ta-dang-hit-tho-o-nhiem-nhu-the-nao.2648490/