Không gỡ 'lưng chừng' và tuyệt đối không tạo rào cản mới

Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 16.1, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên thảo luận tổ 3. Ảnh: H.Ngọc

Ủy quyền nhưng cấp trên phải chịu trách nhiệm

Thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và cho ý kiến, theo đó, việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phải trên nguyên tắc, "mắc phải gỡ và gỡ đến cùng", chứ "không gỡ lưng chừng và tuyệt đối không tạo rào cản mới". Đặc biệt, trên tinh thần việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phải có ý nghĩa cả trước mắt cũng như lâu dài, dự thảo Nghị quyết phải là cơ sở để tổng kết, xem xét áp dụng cho giai đoạn sau của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng chính sách cho các Chương trình mới.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 3. Ảnh: H. Ngọc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ, dù Nghị định số 27/2022/NĐ - CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP) đã tháo gỡ một số vấn đề, nhưng đây mới chỉ ở tầm nghị định của Chính phủ, do vậy lần này phải luật hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương mạnh dạn làm.

Một nguyên tắc nữa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, đó là “ủy quyền nhưng cấp trên phải chịu trách nhiệm”, chứ không phải "ủy quyền là dưới muốn làm gì thì làm", do vậy trong điều khoản thi hành cần quy định rõ việc, Chính phủ phải tăng cường kiểm tra, HĐND phải chịu trách nhiệm trong phạm vi, quyền hạn của mình và tăng cường giám sát.

Trước đó, cho ý kiến về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) băn khoăn với quy định, địa phương được sử dụng nguồn ngân sách đã được phân bổ đến hết năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023), song những nội dung được chuyển nguồn từ trước đó đến năm 2023 còn "rất mơ hồ". Nguyên nhân như thế nào để được chuyển nguồn? Nếu được điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công như thế mà không có quy phạm ràng buộc trách nhiệm, thì liệu có tính tùy nghi, thậm chí khi lập dự toán không bảo đảm thì có quyền điều chỉnh không?... Nêu ra những vấn đề này, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị, nên có ràng buộc trách nhiệm trong lập dự toán ngân sách nhà nước.

Không áp dụng quy định quản lý tài sản công với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách dưới 500 triệu đồng

Về quản lý tài sản hình thành sau dự án, Chính phủ đề xuất hai phương án.

Theo đó, phương án 1 là thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân. Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Cơ chế đề xuất tại phương án 1 có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, không phải ban hành các quy định chi tiết và cơ bản bám sát giải pháp đề xuất tại Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, việc xác định mức giá trị tài sản để thực hiện chính sách hỗ trợ mới dựa trên cơ sở tham khảo mức giá trị tài sản theo quy định về xác định tài sản có giá trị lớn của một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương ban hành theo phân cấp.

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: H. Ngọc

Với phương án 2, thì chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án. Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Trong đó, chủ dự án phát triển sản xuất (là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) liên kết theo chuỗi giá trị có thể nộp lại ngân sách nhà nước phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để được tiếp nhận quyền sở hữu tài sản. Đối với tài sản đã giao cộng đồng người dân sử dụng, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định giao những tài sản này để hỗ trợ cho người dân tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất (tài sản đã chuyển giao không là tài sản công).

Cơ chế đề xuất như tại phương án 2 bảo đảm tính chặt chẽ, hạn chế tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công cũng như thất thoát ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều nhân lực, nguồn lực để quản lý và phải có hướng dẫn của Chính phủ mới tổ chức thực hiện được. Hiện nay, Chính phủ chưa xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc xác định tài sản giá trị nhỏ và quy trình xử lý tài sản. Do vậy, chưa đáp ứng yêu cầu tại Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, và nếu thông qua dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

ĐBQH Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) đề nghị chọn phương án 1 như đề xuất của Hội đồng Dân tộc, bởi lẽ, "nếu theo phương án 2 sẽ rất khó khăn cho các chủ trì liên kết đối với định giá tài sản. Vì chu kỳ của chúng ta là 3 năm, trong quá trình tổ chức thực hiện, có những dự án đến năm thứ 2, thứ 3 mới thực hiện mua sắm được tài sản. Sau 3 năm kết thúc dự án, chúng ta lại phải đánh giá lại tài sản và chủ trì liên kết lại phải nộp lại phần tài sản hình thành từ ngân sách để thực hiện, thì đối với những hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là đồng bào miền núi khi thực hiện dự án đã phải đối ứng 20% đối với vùng đặc biệt khó khăn, 30% đối với vùng khó khăn, 50% đối với vùng còn lại, thì sau một năm hoặc 2 năm hoạt động, giá trị tài sản gần như vẫn còn nguyên gốc và gần như chủ trì liên kết vẫn phải bỏ ra 100%”.

“Việc lựa chọn phương án 1 sẽ tạo cơ sở để thực hiện tốt hơn và hỗ trợ 20% cho các dự án trên 500 triệu đồng, còn những vấn đề khác sử dụng hỗ trợ từ nguồn tín dụng khác là phù hợp”, đại biểu Hà Sỹ Huân nhấn mạnh.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/khong-go-lung-chung-va-tuyet-doi-khong-tao-rao-can-moi-i357654/