Không đủ sức răn đe

Bộ Công an vừa công bố dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Trong nội dung dự thảo nghị định này có đề xuất hình phạt bổ sung 'tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính' nhưng không loại trừ đối với hành vi mua dâm. Và quy định này đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, tại điểm c, khoản 2, Điều 3 của dự thảo nghị định này có quy định: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần làm rõ khái niệm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi mua dâm là gì? Từ những vụ việc được phát hiện và xử lý trong thời gian qua cho thấy, tang vật, phương tiện mua dâm có thể hiểu là tiền, điện thoại, xe, thậm chí... bao cao su. Ví dụ, khi một người bị phát hiện, xử lý vì hành vi mua dâm tại một địa điểm nào đó và có thể họ đang mang theo nhiều vật dụng như xe máy, ví tiền, điện thoại, dây chuyền vàng, thậm chí là... nhẫn cưới thì sao? Nếu theo quy định nêu trên mà tịch thu toàn bộ những vật dụng họ mang theo thì liệu có thỏa đáng?

Hay, nếu tịch thu xe máy của người mua dâm, nhưng chiếc xe đó lại là của người khác thì sao? Vậy, tịch thu phương tiện, tang vật nào, có giá trị bao nhiêu tiền là hợp lý, thì cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ ràng hơn, hoặc có hướng dẫn cụ thể. Nếu tịch thu xe máy của người mua dâm, mà chiếc xe đó lại là của người khác hay là tài sản đồng sở hữu thì sao? Cụ thể, nếu phương tiện phục vụ cho hành vi vi phạm hành chính là ôtô, xe máy, thì đối với những người có quan hệ hôn nhân, mặc nhiên phương tiện này được xác định là tài sản chung vợ chồng. Vì thế, nếu tịch thu là không đảm bảo quyền lợi về dân sự của đồng sở hữu, sẽ dễ phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện. Lại có những người mua dâm sẵn sàng nộp phạt, miễn là có thể giấu được danh tính. Nhưng nếu bị tịch thu điện thoại, hoặc phương tiện giao thông thì sự việc sẽ bại lộ, nên trước khi muốn mua dâm họ phải suy nghĩ đến hậu quả. Do đó, làm rõ điều này sẽ tránh được những rắc rối pháp lý hoặc sự lạm quyền trong xử lý hành vi mua bán dâm.

Thứ hai là tại điểm b, khoản 6, Điều 3 trong dự thảo nghị định này có quy định như sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính… Với quy định này, nếu người bán dâm đã thực hiện hành vi này tức là vi phạm hành chính, thì số lợi bằng vật chất mà người mua dâm đã trả cho người bán dâm thì có thể thực hiện được. Nhưng đối với trường hợp người mua dâm tuy có lợi và là lợi bất hợp pháp, nhưng cái lợi đó không phải là vật chất thì làm sao nộp? Với quy định này, nếu dự thảo được thông qua thì quả là ngành công an sẽ tự làm khó cho mình.

Một vấn đề nữa được đặt ra ở đây là tại khoản 1, Điều 24 quy định: Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi mua dâm. Và tại khoản 1, Điều 25 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 đến 500 ngàn đồng đối với hành vi bán dâm. Với quy định này, dư luận cho rằng sẽ không đủ sức răn đe. Trong khi đó, nhiều năm qua các cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây bán dâm lên đến 30.000 USD, thì việc bị xử phạt mức cao nhất là 5 triệu đồng với người mua dâm chưa đủ răn đe. Cụ thể chiều 13-7-2020, Trưởng phòng 4, C02, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã tạm giữ Lục Triều Vỹ, 25 tuổi, ở Đà Nẵng để điều tra về hành vi môi giới mại dâm. Gái bán dâm trong đường dây của Vỹ đa phần là người mẫu, diễn viên, người nổi tiếng trong giới showbiz và cả “hoa hậu”. Với mỗi “danh phận” khác nhau, Vỹ đưa ra giá từ 1.000-5.000 USD, hoặc từ 10.000-30.000 USD, thậm chí có gái bán dâm giá lên đến 50.000 USD. Giá cả này tùy thuộc vào sự nổi tiếng của gái bán dâm. Theo thỏa thuận giữa Vỹ và gái bán dâm, anh ta sẽ nhận công môi giới là 30% một cô.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, đối với hành vi vi phạm hành chính là mua, bán dâm như trong nội dung dự thảo nghị định nêu trên chỉ có tính chất cảnh báo, “nhắc nhở” chứ không đủ sức răn đe, chưa đạt hiệu quả cao trong đấu tranh phòng và chống mại dâm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc mức phạt và hình thức phạt đối với hành vi mua, bán dâm để đảm bảo tính hiệu quả, nghiêm minh của pháp luật.

LG: N.V

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/125841/khong-du-suc-ran-de