Không để thành dịch đau mắt đỏ

Kim Phụng - Nhã Trâm

BPO - Những ngày qua, trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã xuất hiện bệnh đau mắt đỏ. Các trường hợp bị bệnh được phát hiện chủ yếu là học sinh các trường tiểu học và mầm non. Tuy mới xuất hiện nhưng qua theo dõi thì mức độ lây lan khá nhanh. Hiện ngành y tế thành phố đã kiểm tra, khảo sát thực tế, phối hợp với ngành giáo dục và các trường học thực hiện xử lý ban đầu và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, không để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch.

Hơn một nửa lớp phải nghỉ học

Sáng ngày 8-9, đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài đã kiểm tra thực tế tình hình bệnh đau mắt đỏ tại Trường Tiểu học Tân Xuân B. Đây là một trong số các trường học đầu tiên của thành phố báo cáo phát hiện các trường hợp học sinh bị bệnh đau mắt đỏ và có số lượng học sinh mắc bệnh nhiều nhất đến thời điểm này. Tại lớp 1.2, chỉ có 16/34 học sinh đi học, 18 em đã phải nghỉ học vì bị đau mắt đỏ, hoặc có triệu chứng nên được nhà trường khuyến cáo ở nhà theo dõi. Tại lớp 2.5 cũng chỉ có 19/38 học sinh đến lớp. Ngay thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện thêm 3 em khác trong lớp có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ.

Các y, bác sĩ Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài kiểm tra xác minh bệnh đau mắt đỏ tại Trường Tiểu học Tân Phú

Cô Đoàn Thị Gấm, giáo viên chủ nhiệm lớp 2.5 cho biết: "Sáng ngày thứ Tư chỉ có 1 em bị đỏ mắt, đến sáng thứ Năm phát hiện nhiều bạn có hiện tượng đỏ và sưng 1 mắt. Sau khi nhân viên y tế kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm đã liên hệ với gia đình đưa các cháu về thăm khám, đồng thời thông báo cho phụ huynh, nếu phát hiện con em có dấu hiệu bệnh đau mắt thì cho các em ở nhà".

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Tân Phú kiểm tra một học sinh có dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ

Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, một số trường đã phát hiện có học sinh bị đau mắt đỏ. Các trường học đã thông báo với Trung tâm Y tế thành phố và cho nhân viên y tế theo dõi sát sao, trước mắt là kiểm tra thực tế, khi phát hiện học sinh bị bệnh thì thông báo với gia đình cho các em nghỉ học. Đồng thời, triển khai thực hiện các biện pháp vệ sinh trường lớp, nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân. Đặc biệt không tổ chức tập trung học sinh toàn trường, tránh để các em tiếp xúc gần cũng như hạn chế các hoạt động có thể làm lây lan bệnh.

11 trường học có học sinh bị đau mắt đỏ

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài, tính đến trưa ngày 8-9 đã có 11 trường mầm non, tiểu học phát hiện các trường hợp học sinh bị bệnh đau mắt đỏ, với số lượng học sinh mắc bệnh là 260 em. Trong đó, nhiều nhất là các trường tiểu học Tân Xuân B 83 em, Tân Phú 49 em, Tân Xuân C 42 em, Tân Phú B 30 em...

Sáng ngày 8-9, lớp 1.2 Trường Tiểu học Tân Xuân B chỉ có 16/34 học sinh đến lớp, 18 em phải nghỉ học vì bị đau mắt đỏ hoặc có dấu hiệu đau mắt đỏ

Bác sĩ Ngô Quang Dưỡng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài, cho biết: "Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn, trung tâm cùng trạm y tế các phường, xã đã kiểm tra, xác minh tại các trường học để nắm bắt, đánh giá tình hình. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các trường học triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng chống. Trước mắt, là cấp vật tư để các trường sát trùng, khử khuẩn; đồng thời theo dõi sát sao diễn biến bệnh, kịp thời tham mưu các biện pháp phòng chống hiệu quả, khống chế bệnh lây lan và không để bùng phát thành dịch".

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 8-9 đã có hơn 72.000 trường hợp bị đau mắt đỏ, trong đó trẻ em trong độ tuổi đi học chiếm trên 65%. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, công tác, làm việc và học tập, đặc biệt bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua tiếp xúc như nói chuyện, ôm hôn, bắt tay... hoặc lan truyền qua các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, đồ dùng, đồ chơi....

Ngoài việc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn, Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài chủ động hướng dẫn các trường học cách phòng, chống kể cả các trường chưa phát hiện bệnh; cung cấp thông tin, cán bộ đầu mối để các trường liên hệ kiểm soát bệnh; đồng thời chuẩn bị cấp phát CloraminB khử khuẩn hạn chế lây lan và không để bùng phát thành dịch.

Kim Phụng - Nhã Trâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/148331/khong-de-thanh-dich-dau-mat-do